Bộ trưởng Đinh La Thăng: “Phải biết xấu hổ khi chậm, hủy chuyến bay”

Chủ nhật - 13/07/2014 18:13 - Đã xem: 1130
Ngày 11.7, Bộ GTVT có buổi làm việc, nghe Cục Hàng không Việt Nam và các hãng hàng không giải trình rõ nguyên nhân tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến bay và cách khắc phục. Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã chỉ rõ, nếu không biết tự xấu hổ khi chậm chuyến, hủy chuyến thì các hãng hàng không của Việt Nam không thể khắc phục được những yếu kém đang tồn tại.

Cố tình chậm chuyến, hủy chuyến

Theo Cục Hàng không Việt Nam, 6 tháng đầu năm, các hãng hàng không đã vận chuyển được 16,3 triệu lượt hành khách (tăng 13,2%) và 372.000 tấn hàng hóa (tăng 24,3%). Tỉ lệ chậm chuyến, hủy chuyến của các hãng là 25%, trong đó: Viejet Air là 51% (chậm chuyến 48,4%), Jestar Pacific là 50% (chậm chuyến 46,6%) và Vietnam Airlines 14% (chậm chuyến 11,8%), Vasco là 17% - gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng phục vụ hành khác.

Theo ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không VN, nguyên nhân chậm, hủy chuyến có đến 90% là do chủ quan, 10% là do khách quan. Trong đó có đến 50% số chuyến bị chậm, hủy liên quan đến việc dồn chuyến, hủy chuyến vì lý do thương mại, và cơ sở vật chất của cảng hàng không chưa đáp ứng được vào giờ cao điểm. Việc thông tin cho khách hàng cũng chưa thỏa đáng, dẫn tới việc khách đi máy bay bức xúc khi phải chờ đợi. Theo đó, việc dãn chuyến mới là quan trọng vì đó là nguyên nhân dẫn đến chậm chuyến.

Sau khi nghe lãnh đạo Cục Hàng không báo cáo, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã phê bình trách nhiệm của lãnh đạo Cục và cho rằng, tại sao không so sánh với chính bản thân mình thông qua sự tăng trưởng và phát triển của các năm mà lại đi so sánh với các nước. Cần phải thay đổi tư duy quản lý của lãnh đạo, ngành hàng không hãy cùng đồng hành cùng khách hàng thì mới biết họ khó khăn, vất vả như thế nào khi bị chậm chuyến. Điều này khẳng định Cục trưởng Cục Hàng không chưa nhận ra khuyết điểm của mình và của ngành hàng không, như vậy thì không thể phát triển được.

Bộ trưởng Đinh La Thăng đặt câu hỏi: Tại sao những năm trước, Viejet Air, Jestar Pacific đúng giờ, năm 2014 lại chậm giờ. Tình trạng ngành hàng không như vậy mà lãnh đạo vẫn vô cảm, không chịu trách nhiệm thì làm sao phát triển được. “Tại sao không có thống kê từ đầu năm đến nay có bao nhiêu chuyến bay bị chậm và phải dãn chuyến do ít khách. Đây là sự cố tình chậm chứ không phải do khách quan”, ông Thăng nhấn mạnh.

Bị Bộ trưởng thẳng thắn phê bình, Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh đã nhận khuyết điểm chưa sát thực tế, vẫn buông lỏng việc quản lý giám sát các hãng hàng không để ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ của ngành. Ông Thanh đưa ra những giải pháp cụ thể như: Kiểm soát cụ thể, sâu sát về thời gian làm thủ cho hành khách, tổ chức lại vùng trời và tối ưu hóa phương thức bay, xin phép Cục Tác chiến và Binh chủng Phòng không không quân về thời gian khởi hành, tăng cường công tác đào tạo nhân viên dự báo khí tượng…

Các hãng hàng không vẫn loanh quanh

Nói về việc khắc phục chậm chuyến, hủy chuyến, Tổng Giám đốc Vietnam Airline – ông Phạm Ngọc Minh cho rằng phải thông tin đến khách, giải quyết cho hành khách để đi dược chuyến bay gần nhất là điều quan trọng nhất chứ không phải xin lỗi, đền bù đơn thuần. Ông Minh cho rằng, cần đánh giá lại lực lượng khai thác bay, tính toán lại chuyến bay dự phòng, quay vòng chuyến bay ở các căn cứ. Nguyên nhân gây khó khăn cho việc này là quản lý chuyến bay, điều phối slot. Hiện nay vẫn xảy ra tình trạng tất cả các máy bay xếp hàng ra đầu đường bay đợi điều phối.

Chỉ ra 4 nguyên nhân chậm, hủy chuyến, ông Lưu Đức Khánh – Giám đốc đều hành Vietjet Air cho rằng là do lịch bay; chuyến bay thay đổi; hạn chế về quản lý: "Chúng tôi đang lấy đây là mục tiêu phấn đấu; và cuối cùng là cơ sở hạ tầng (cùng với vấn đề thời gian cất hạ cánh gây ra tình trạng chậm, hoãn dây chuyền - chiếm 55%). Vietjet không có mặt bằng, kho phụ tùng, phòng chờ, 80% dịch vụ phải thuê ngoài nên giải quyết chậm chuyến là nhiệm vụ của rất nhiều bên: Quản lý nhà nước, Các sân bay, Các Cty mặt đất, Cty xăng dầu, TCty Quản lý bay... Một mình Vietjet Air không thể làm được gì khi tất cả các dịch vụ đều do các DN độc quyền cung cấp.

TCty cảng đầu tư, chúng tôi có thể hỗ trợ hoặc ứng trước để đảm bảo có đủ cơ sở thiết bị. Chúng tôi cố gắng tháng 7 và 8 đạt 65% và đến tháng 9 sẽ đạt 95% giảm chậm chuyến, hủy chuyến. Vì hệ số lấp đầy của Vietjet là 95% trở lên, nên hoàn toàn không có chuyện chúng tôi dồn chuyến, bởi nếu dồn chuyến thì phải đơi đến 5 - 6 chuyến mới dồn được". 

Đại diện Jetstar Pacific cũng hứa sẽ cố gắng khắc phục nguyên nhân do ảnh hưởng dây chuyền, chuyến bay 1 bị hủy ảnh hưởng đến các chuyến bay sau. Jetstar Pacific đã thực hiện quản lý tốt mặt đất và giảm được 10% chậm chuyến, hủy chuyến. Phấn đấu trong tháng 7 - 8 giảm 50% chậm chuyến, hủy chuyến.

Còn coi thường khách hàng

Đại diện Vụ trưởng vụ vận tải (Bộ GTVT), ông Khuất Việt Hùng cho rằng, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc chậm chuyến hủy chuyến chưa rõ ràng. Trong đó, Vụ Vận tải cũng phải chịu trách nhiệm vì chưa thực hiện việc đôn đốc Cục Hàng không giải quyết vấn đề chậm, hủy chuyến. Cần phải tăng cường thêm quyền lực của cảng vụ trong vấn đề này, có quyền gì, trách nhiệm gì trong việc xử lý chậm, hủy chuyến.

Lỗi lớn nhất của các đơn vị là đùn đẩy trách nhiệm, không thừa nhận trách nhiệm của mình. Trách nhiệm trước hết thuộc về các cơ quan quản lý như: Vụ Pháp chế, Vụ Vận tải,.. rồi mới đến các hãng hàng không. Không thể có việc gì cũng đổ hết lỗi cho các hãng hàng không.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng thừa nhận, ngành hàng không chưa nhận thức đầy đủ mọi vấn đề, chưa vì lợi ích của khách hàng của người dân, còn coi thường khách hàng. Đề nghị các đơn vị liên quan phải kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm của mình, phải xác định rõ những nguyên nhân thật của việc chậm chuyến hủy chuyến. Đây là sự việc cực kỳ nghiêm trọng không thể nghĩ đơn giản được, phải liệt kê từ 6 tháng đầu năm đến nay đã vi phạm đến bao nhiêu lần. “Cần thực hiện tất cả các giải pháp đồng bộ và cần có sự quyết tâm cao của toàn ngành GTVT. Phải coi đây là sự xấu hổ chung của cả ngành, không bao giờ để lặp lại nữa. Chúng ta không so sánh với các nước khác yếu hơn mình, mà phải so với chính mình xem tại sao vẫn kém so với năm trước và so với các nước lớn trong khu vực để nâng cao chất lượng lên”, ông Thăng nhấn mạnh.

 

 

Ngay sau cuộc họp với Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, nhiều bạn đọc đã liên tục phản ánh về tình trạng bị chậm huỷ chuyến. Cụ thể, chuyến bay của Vietnam Airline mang số hiệu VN7233 Hà Nội – Phú Quốc đã chậm chuyến tới 2 lần. Giờ khởi hành theo vé là 11h55 ngày 11.7, nhưng đến 12h25 vẫn chưa cất cánh.
Ngoài ra, chuyến bay khác mang số hiệu VN 235 từ Hà Nội đi TP. Hồ Chí Minh giờ khởi hành là 11 giờ 30 phút ngày 11.7, nhưng hãng hàng không thông báo chậm chuyến 2 lần và đến 12 giờ 15 phút mới khởi hành được với lý do: Máy bay đến trễ.

 

 

Nguồn tin: Lao Động Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây