Hiệu quả từ mô hình nuôi vịt trời

Thứ ba - 10/05/2016 23:20 - Đã xem: 1093
Thời gian qua, việc nuôi vịt trời đã đem lại mức thu nhập cao cho gia đình ông Phạm Bá Hải ở thôn 2 xã Đắk Búk So (Tuy Đức).

Theo ông Hải thì vào năm 2014, thấy mô hình nuôi vịt trời ở Bắc Giang hiệu quả, ông đã lần theo địa chỉ tìm đến học hỏi kinh nghiệm. Sau đó, ông mua 30 con về nuôi thử nghiệm với ý định nếu thành công thì sẽ nuôi với quy mô lớn.

Theo hướng dẫn, ông tuân thủ mọi kỹ thuật với hy vọng có thể tăng đàn, nâng cao thu nhập cho gia đình. Thật may, với điều kiện khí hậu phù hợp, được chăm sóc tốt, đàn vịt phát triển nhanh, không bị bệnh. Chỉ sau thời gian nuôi gần 3 tháng, đàn vịt đã đẻ trứng.

Cứ thế, ông tiếp tục lấy trứng đưa đi ấp và nhân đàn lên. Khoảng một năm sau thì đàn vịt đẻ của gia đình ông Hải đã phát triển lên đến 300 con. Thấy vậy, không ít hộ dân quanh vùng đã đến học tập, mua giống về nuôi. Hiện nay, gia đình ông đang sở hữu đàn vịt khoảng 7.000 con, trong đó có 300 con vịt đẻ.

Sau 6 tháng nuôi, gia đình ông Phạm Bá Hải ở thôn 2, xã Đắk Búk So (Tuy Đức) có thể xuất bán vịt thịt với giá 150.000 đồng/con

Ông Hải cho biết: “Vịt trời có những ưu điểm như thịt ngọt, dai, cân nặng vừa phải, con trưởng thành khoảng 1,1 kg, dễ tiêu thụ tại các điểm bán lẻ, đối với các nhà hàng, khách sạn càng thuận lợi hơn”.

Về kỹ thuật chăn nuôi, ông Hải cho biết thêm: Gia đình tôi làm chuồng trại với quy mô vừa phải, có máng ăn, uống, vòi nước để vịt có thể tắm rửa hàng ngày. Do đã được thuần chủng nên chuồng trại không cần che chắn kỹ, không quá cao mà cần thông thoáng, cũng có thể nuôi nhốt tại chuồng hoặc tận dụng ao hồ để nuôi đều phù hợp.

Vịt trời có khả năng kháng bệnh tốt hơn so với các giống vịt khác nên cả quá trình nuôi đến khi xuất bán, nhà nông chỉ cần tiêm một mũi vắc xin phòng bệnh vào thời gian vịt được 35 ngày tuổi. Việc sử dụng các loại thuốc bổ không nên quá sớm vì lúc nhỏ hệ tiêu hóa của vịt còn yếu dễ gây tổn thương ảnh hưởng đến cả quá trình phát triển về sau.

Cũng theo ông Hải, lúc vịt còn nhỏ thì nên cho ăn cám, còn khi đã trưởng thành thì cho ăn thóc là vịt phát triển nhanh nhất. Mỗi ngày cho ăn 3 lần vào các buổi sáng, trưa, tối. Trung bình 6 tháng, gia đình ông có thể xuất bán vịt thịt một lứa.

Về vệ sinh chuồng trại, gia đình ông đã sử dụng các loại phụ phẩm nông nghiệp như vỏ cà phê, trấu để làm nệm lót kết hợp với vôi bột, các loại men vi sinh để khử mùi, diệt vi khuẩn. Hoạt động này cũng giúp cho việc vệ sinh chuồng trại đơn giản hơn. Lượng chất thải này làm phân bón cũng rất tốt cho các loại cây trồng như cà phê, hồ tiêu.

Với việc bán vịt giống khoảng 5.500 con, giá mỗi con 20.000 đồng, vịt thịt khoảng 100 con với giá 150.000 đồng/ con, hằng tháng, ông luôn thu về mức lãi khoảng 100 triệu đồng, cao điểm có thể lên tới 200 triệu đồng.

Đánh giá về mô hình nuôi vịt trời này, bà Trịnh Thị Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắk Búk So khẳng định: “Đây là một loại vật nuôi khá mới, qua theo dõi, tìm hiểu ưu điểm nhất là về kháng bệnh cao, thịt ngon nên rất dễ tiêu thụ. Chính vì thế, Hội đang đẩy mạnh việc vận động, tuyên truyền cho hội viên, nông dân trong địa bàn học tập, ứng dụng để phát triển kinh tế gia đình, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nhất là đối với những hộ ít vốn, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, Hội khuyến khích việc học hỏi, nhân rộng, liên kết theo nhóm, tổ để phát triển chăn nuôi bền vững, an toàn dịch bệnh, thực phẩm”.

Bài, ảnh: Hồng Thoan

Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây