Nhiều trang trại có thu nhập tiền tỷ mỗi năm

Thứ bảy - 01/08/2015 18:37 - Đã xem: 992
Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, hiện nay trên toàn tỉnh có 935 trang trại (877 trang trại trồng trọt và tổng hợp, 58 trang trại chăn nuôi) với tổng diện tích sản xuất trên 6.670 ha, đạt tiêu chí theo Thông tư 27 của Bộ Nông nghiệp - PTNT.

Qua đánh giá, hiện nay, tất cả các trang trại đã và đang khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế về đất đai, nguồn nước… để sản xuất nông-lâm nghiệp, với nguồn thu bình quân hàng năm đạt trên 1,1 tỷ đồng, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 13.000 lao động. Trong đó, có nhiều trang trại đã áp dụng hiệu quả những tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, đầu tư sản xuất theo chiều sâu, đạt tiêu chuẩn VietGap...

Điển hình như trang trại Gia Trung ở bon Sê Rê Ú, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) hiện có khoảng 62 ha sầu riêng (35 ha đang trong thời kỳ kinh doanh) đã góp phần giải quyết cho khoảng 20 lao động địa phương. Chỉ tính riêng vụ mùa năm nay, sản lượng ước tính của trang trại vào khoảng 400 tấn, với giá bán dao động từ 20.000-23.000 đồng/kg tại vườn thì chủ trang trại có doanh thu ổn định gần 10 tỷ đồng.

Trang trại Gia Trung có doanh thu gần 10 tỷ đồng từ sản phẩm sầu riêng

Tương tự, cũng tại bon Sê Rê Ú, trang trại Gia Ân với quy mô 20 ha trồng các loại cây như: bơ, măng cụt, tiêu… đã và đang mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình.

 

Theo chị Nguyễn Thị Thanh Hằng, chủ trang trại Gia Ân thì hiện nay, trừ các chi phí đầu tư, hàng năm trang trại có nguồn thu gần 2 tỷ đồng. Không những vậy, trang trại đang còn tạo công ăn việc làm ổn định cho 17 lao động với thu nhập 3,5 triệu đồng/tháng. Trong thời gian tới, trang trại sẽ tiếp tục phát triển sản xuất theo hướng đảm bảo đạt tiêu chuẩn VietGap để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của thị trường. 

Trang trại Gia Ân có nguồn thu 2 tỷ đồng/năm và tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương

Theo ông Đinh Gia Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, thời gian qua, việc phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển khả quan, góp phần khai thác thêm nguồn vốn trong nhân dân, xóa bỏ dần diện tích đất trống, đồi núi trọc, đất hoang hóa nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Sự phát triển của các trang trại còn tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, giúp người dân xóa đói giảm nghèo một cách hiệu quả, bền vững. Bên cạnh đó, các trang trại còn góp phần định hướng sản xuất của kinh tế hộ nông dân cũng như cung ứng giống tốt, làm dịch vụ, kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân trong vùng.

Nói về định hướng phát triển trang trại, ông Thủy cũng cho rằng, thực tế cho thấy, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để người dân có thể đầu tư sản xuất theo quy mô trang trại. Tuy nhiên, để sản phẩm của trang trại có thể cạnh tranh, đứng vững trên thị trường, đòi hỏi phải tạo ra mối liên kết “4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp).

Thông qua đó, nông dân có thêm những điều kiện để tiếp cận, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế của sản phẩm. Mặt khác, tỉnh cũng cần có chính sách về tín dụng, tạo điều kiện cho các trang trại được tiếp cận với các nguồn vốn, nhất là vay theo dự án, thời gian phù hợp với chu kỳ kinh doanh của từng loại cây trồng, vật nuôi.

Bài, ảnh: Phan Tuấn


Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây