Tăng cường hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước

Thứ tư - 29/07/2015 23:14 - Đã xem: 862
Việc ban hành các cơ chế xác định tài sản Nhà nước (TSNN), giao quản lý TSNN… phải gắn với công khai minh bạch, hạn chế tối đa các kẽ hở pháp luật có thể khiến các cá nhân, tổ chức lợi dụng khai thác tài sản này sai mục đích.

Theo Cơ sở dữ liệu quốc gia về TSNN, hiện có 4 loại TSNN có giá trị lớn gồm: Đất, nhà, ô tô, tài sản có giá trị khác từ 500 triệu đồng/đơn vị tài sản. Tính đến hết 2014, tổng nguyên giá TSNN là 999.692,08 tỉ đồng.

Trong số gần 1 triệu tỉ đồng TSNN thì các đơn vị sự nghiệp công lập đang quản lý số tài sản nguyên giá lên tới 690.590 tỉ đồng (chiếm 69,08% tổng giá trị TSNN).

Tại buổi họp báo chuyên đề của Bộ Tài chính diễn ra vào chiều 28/7, Cục trưởng Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) Trần Đức Thắng đánh giá, nhiều đơn vị được giao quản lý vốn đã phát huy tốt tiềm năng thế mạnh, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, vừa nâng chất lượng dịch vụ, tăng thu nhập cho lao động, đóng góp một phần vào ngân sách.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu, cơ chế và công tác tổ chức thực hiện còn một số hạn chế cần khắc phục.

Cụ thể, một số tiêu chí xác định điều kiện được Nhà nước xác định giá trị tài sản và giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn còn chưa hợp lý. Việc xác định giá trị tài sản để giao vốn, đặc biệt là giá trị chuyển quyền sử dụng đất còn phức tạp do phải xác định giá đất cụ thể theo giá thị trường. Ngoài ra, một số đơn vị sự nghiệp công lập còn tâm lý ngại thay đổi, trông chờ vào sự bao cấp của Nhà nước…

Những hạn chế trên làm cho kết quả thực hiện việc xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính chưa cao.

Theo báo cáo chưa đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương, đến nay mới có 579 đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính được giao vốn với tổng giá trị tài sản là hơn 19.000 tỉ đồng.

Thực tế hiện nay có không ít tài sản của các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập còn bỏ hoang, lãng phí, hoặc sử dụng không hết hiệu suất.

Do đó, ông Trần Đức Thắng cho biết, sẽ tiếp tục sửa đổi, bổ sung các quy định và cơ chế tổ chức thực hiện.

Cụ thể, sẽ mở rộng đối tượng đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước xác định giá trị TSNN để giao cho đơn vị quản lý theo hướng các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi (cả chi thường xuyên và đầu tư hoặc một phần); loại bỏ một số điều kiện, tạo điều kiện đẩy nhanh quá trình xác định giá trị tài sản giao cho các đơn vị; rút ngắn thời hạn bàn giao tài sản cho các đơn vị thuộc diện giao tài sản từ 60 ngày xuống còn 15 ngày.

Bộ Tài chính cũng đổi mới các chính sách tài chính đất đai để thực hiện khuyến khích xã hội hóa. Giao TSNN phải gắn liền với quản lý chặt chẽ việc sử dụng tài sản đúng mục đích. Ví dụ giao làm bệnh viện, trường học… mà đơn vị sử dụng làm nhà hàng là sai phạm.

Các trường hợp vi phạm đều có chế tài quản lý, từ phạt hành chính, đến các hình thức xử lý kỷ luật cao hơn.

“Việc ban hành các cơ chế xác định TSNN, giao quản lý TSNN… phải gắn với công khai minh bạch, hạn chế tối đa các kẽ hở pháp luật có thể khiến các cá nhân, tổ chức lợi dụng khai thác tài sản này sai mục đích”, ông Trần Đức Thắng nhấn mạnh.

Nguồn Chinhphu.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây