Nợ đọng thuế tăng cao

Thứ tư - 14/08/2013 22:49 - Đã xem: 1029
Thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm ước đạt 356.520 tỉ đồng, chi ngân sách đạt 448.910 tỉ đồng, bội chi ước khoảng 92.390 tỉ đồng

Theo Tổng cục Thuế, tính chung 6 tháng đầu năm, nợ đọng thuế đã tăng 32% so với cuối năm 2012 và đây là mức cao so với các năm trước . Trong đó có nhiều địa phương có số nợ thuế tăng trên 100% như Lai Châu, An Giang và thậm chí ở Đắk Nông, tỉ lệ này là 152,8%.

Nợ, xin gia hạn

Tính theo số tuyệt đối, nợ đọng thuế 6 tháng đầu năm nay lên đến 64.632 tỉ đồng, tăng 15.497 tỉ đồng so với thời điểm ngày 31-12-2012. Nguyên nhân do công tác thanh tra, kiểm tra chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Trong 5 tháng đầu năm, tiến độ thanh tra, kiểm tra của toàn ngành chỉ đạt khoảng 25% kế hoạch đề ra. Có đến 32 trong tổng số 63 địa phương có tiến độ thu thấp, đạt dưới 48%.
 
Theo dự báo, ngân sách cả nước năm 2013 sẽ hụt thu khoảng 65.000 tỉ đồng Ảnh: HỒNG THÚY
Trong 6 tháng đầu năm, có hàng loạt doanh nghiệp ô tô xin giãn thuế với số tiền hàng chục ngàn tỉ đồng. Trong đó, doanh nghiệp khởi đầu cho “trào lưu” này là Công ty Ô tô Trường Hải xin giãn thuế 1.200 tỉ đồng do đang nợ các ngân hàng khoảng 6.500 tỉ đồng,  tồn kho khoảng 3.300 tỉ đồng. Xin giãn thuế có cả doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân với số thuế xin nộp muộn vài trăm tỉ đồng/doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, một yếu tố ảnh hưởng đến thu thuế năm nay là hiện tượng hàng loạt doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng của chính sách quản lý và sử dụng hóa đơn để mua bán lòng vòng, sử dụng hợp đồng bất hợp pháp nhằm gian lận trong khấu trừ thuế GTGT.

Tổng cục Thuế cho biết một trong các giải pháp chống thất thu thuế trong thời gian tới là thành lập Ban Chỉ đạo chống thất thu thuế tại một số địa phương trọng điểm, tập trung thanh tra, kiểm tra chống chuyển giá, cơ cấu lại hợp đồng mua bán khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam …

Hụt thu ngân sách khoảng 65.000 tỉ đồng

Theo dự báo của Bộ Tài chính, hụt thu ngân sách năm nay có thể lên đến 65.000 tỉ đồng. Đây là con số đáng lo ngại vì trong nhiều năm liên tục ngân sách nhà nước đều có “truyền thống” vượt thu hàng chục ngàn tỉ đồng, có năm vượt thu đến 50.000 tỉ đồng.

Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 356.520 tỉ đồng, bằng 43,7% dự toán và là mức thu thấp so với nhiều năm qua. Chi ngân sách đạt khoảng 448.910 tỉ đồng, bằng 45,9% dự toán. Bội chi ước khoảng 92.390 tỉ đồng, bằng 57% mức bội chi Quốc hội phê duyệt.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh đánh giá mức giảm thu ngân sách năm nay tương đối lớn. Nguyên nhân do kinh tế khó khăn, có địa phương báo hụt thu 300 tỉ đồng chỉ riêng đối với một sản phẩm của doanh nghiệp ô tô do họ không mở rộng đầu tư dây chuyền sản xuất như dự kiến bởi sản xuất không thuận lợi như thời điểm lập kế hoạch. Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp phá sản, tạm dừng sản xuất vẫn rất cao. Tính đến ngày 30-6, cả nước có 40.523 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong khi có gần 25.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động. Như vậy cả nước hiện còn 457.343 doanh nghiệp đang hoạt động.

Số liệu của ngành hải quan cũng cho thấy thu ngân sách trong lĩnh vực này gặp rất nhiều khó khăn. Số thu của toàn ngành trong 6 tháng đầu năm đạt 94.693 tỉ đồng, chỉ đạt gần 40% dự toán. Số hụt thu tính chung 6 tháng là hơn 24.000 tỉ đồng. Nguyên nhân hụt thu của ngành hải quan một phần do được tính toán trên cơ sở ước thu ngân sách đạt mức cao, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 5,5%... trong khi diễn biến thực tế đều xấu hơn so với dự báo ở thời điểm lập kế hoạch.

GIA LINH
TÌNH TRẠNG NỢ ĐỌNG THUẾ HIỆN NAY DO KÉO DÀI THỜI GIAN NỘP THUẾ
Hiện nay nước ta tình hình hình kinh tế khó khăn , thị trường bất động sản bị đóng băng , nên có nhiều doanh nghiệp kinh doanh bị thua lỗ, nợ vay ngân hàng không thanh tóan được, nên chưa thực hiện được nghĩa vụ nộp thuế đúng thời gian quy định. Tuy nhiên vẫn có nhiều doanh nghiệp họat động kinh doanh có lãi , có khả năng nộp ngân sách, nhưng vẫn cố tình không chấp hành nghĩa vụ nộp thuế. Do cơ chế chính sách Bộ Tài chính quy định kéo dài thời gian cho các đối tượng nộp thuế, có nhiều trường hợp chuyển sang năm sau mới nộp, nên những năm qua vấn đề nợ đọng thuế của các doanh nghiệp và các hộ kinh doanh liên tục gia tăng, mặc dù chính quyền địa phương các cấp và ngành thuế đã tích cực có nhiều biện pháp tích cực nhưng cũng chưa chuyển biến . Bộ tài chính chỉ đạo phấn đấu nợ tồn đọng thuế cuối năm chỉ dưới 5% , nhưng thực tế các địa phương đều nợ thuế tồn đọng trên 10% , cá biệt có địa phương hơn 50% nợ thuế tồn đọng. Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, về mặt khách quan do chế độ chính sách nộp thuế các đối tượng nộp thuế trước đây được kéo dài đến 90 ngày, nay quy định cho phép kéo dài đến 180 ngày, nếu quá thời gian đó ngành thuế mới áp dụng các biện pháp hành chính để xử lý . Trong thời gian này các đối tượng nộp thuế chỉ nộp tiền phạt thuế do nộp chậm, số tiền nộp phạt chậm thấp hơn so với mức lãi vay hiện nay của các ngân hàng, do vậy không doanh nghiệp, hộ kinh doanh nào lại đi vay ngân hàng để nộp thuế. Về mặt chủ quan có nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh làm ăn có tinh thần trách nhiệm , đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đúng theo thời gian quy định, tuy nhiên có doanh nghiệp , hộ kinh doanh cố tình trốn thuế ,khi biết đến thời điểm ngành thuế sẽ áp dụng các biện pháp hành chính thì các đơn vị này đã tẩu tán tài sản , nơi kinh doanh chỉ là nơi thuê mặt bằng để kinh doanh , nơi ngân hàng đăng ký tài khoản thì không còn số dư . Cuối cùng cơ quan thuế chuyển hồ sơ sang cơ quan công an điều tra để xử lý , nhưng không xử lý được do chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm tội trốn thuế , vì các tổ chức này chỉ nợ thuế chứ không phải trốn thuế. Ngoài ra việc hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng xuất khẩu cũng là vấn đề báo động , vì có nhiều doanh nghiệp đã làm hồ sơ khống để hoàn thuế giá trị gia tăng, nhiều vụ đã có đến hàng trăm tỷ đồng. Nếu trước đây việc mua bán, sử dụng trái phép hoá đơn VAT chủ yếu là dùng hóa đơn thật để lập hồ sơ, xuất khẩu hàng hóa khống, chiếm đoạt tiền thuế thì hiện nay các đối tượng lại có những mánh mới: gian lận, chiếm đoạt tiền thuế Nhà nước thông qua việc mua bán hóa đơn, hợp thức hóa đầu vào, tăng chi phí, giảm thu nhập chịu thuế, hợp thức hóa hàng nhập lậu... Nguồn cung cấp hóa đơn chủ yếu vẫn do các doanh nghiệp ảo lập ra, mục đích các doanh nghiệp này không phải để sản xuất kinh doanh mà để bán hóa đơn hoặc chỉ kinh doanh trá hình, qua mắt cơ quan chức năng. Với những hành vi mua bán hóa đơn đã làm thất thu thuế nhà nước rất lớn Để khắc phục các vấn đề nêu trên cần phải nghiêm khắc xử lý các hành vi mua bán hóa đơn, cố tình không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của người tham gia kinh doanh , đối các nước trên thế giới vấn đề trốn thuế là tội rất nặng, được điều chỉnh trong bộ luật hình sự, nhưng đối với nước ta chỉ xử lý biện pháp hành chính là chủ yếu, nên không mang tính răn đe. Xác định thuế là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi công dân, đề nghị Chính phủ nên có hướng dẫn quy định thời gian cụ thể yêu cầu phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế , nếu quá thời gian các đối tượng phải nộp thuế mà không nộp thì coi như tội trốn thuế phải xử lý theo bộ luật hình sự. Đề nghị Bộ Tài chính không nên ban hành chính sách kéo dài thời gian nộp thuế như các năm qua, vì không phải tất cả các doanh nghiệp đều không có khả năng nộp thuế, điều đó dễ dẫn đến các doanh nghiệp sẽ cố tình trì hoãn việc nộp thuế, nên giao cho các chính quyền các địa phương dưới sự tham mưu của ngành thuế sẽ xem xét cụ thể các doanh nghiệp nào thật sự có khăn làm ăn bị thua lỗ không có điều kiện nộp thuế, thì cho phép kéo dài thời gian nộp thuế không quá 180 ngày như quy định của Bộ Tài chính. Do thời gian kéo dài thời gian nộp thuế không hợp lý các năm qua ,rất nhiều các địa phương không hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách của cấp trên giao năm 2012, hiện nay gần 8 tháng đầu năm 2013 tiến độ thu thuế rất ì ạch, nhiều địa phương thu mới đạt từ 30 đến 40 % con số quá thấp không đảm bảo chi thường xuyên, chi lương và các chế độ chính sách đây là vấn đề hết sức báo động. Để đảm bảo hòan thành chỉ tiêu nộp ngân sách đối với ngành thuế đã được cấp trên giao dự tóan thu ngay từ đầu năm cho các địa phương. Đề nghị các tổ chức Thanh tra nhà nước , Thanh tra chuyên ngành thuế tăng cường công tác thanh tra các đơn vị nào có dấu hiệu hoạt động tài chính không lành mạnh,không chấp hành nghĩa vụ nộp thuế. Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, hy vọng trong năm 2013 tình hình chay ì ,nợ đọng thuế sẽ giảm, các địa phương sẽ hoàn thành công tác thu ngân sách.
MINH TRÍ

Nguồn tin: Người Lao Động

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây