Nước tưới cho cà phê có nguy cơ thiếu hụt

Thứ hai - 16/03/2015 04:32 - Đã xem: 796
Qua khảo sát thì các địa phương hiện nay đã có 4 công trình hồ chứa đã xảy ra tình trạng cạn kiệt, trữ lượng nước xuống dưới mực nước chết là hồ Ea Diêr ở huyện Chư Jút; Đắk M’bai, Đắk Ken và Đắk Loou ở huyện Đắk Mil.

Ngoài ra, một số vùng không phụ thuộc vào các công trình thủy lợi, người dân sử dụng các giếng khơi, ao hồ tự đào, các khe suối nhỏ..., tình trạng thiếu nước tưới do cạn kiệt nguồn nước cũng diễn ra trên diện rộng.

Hồ Ea Diêr thiếu nước trong mùa khô hạn

Tại huyện Đắk Mil, trong những ngày qua, những hộ trồng cà phê quanh khu vực hồ chứa Đắk M’bai, xã Đắk Lao luôn chứng kiến mỗi ngày có đến 20 - 25 máy bơm nước chạy hết công suất suốt ngày đêm để hút nước tưới cà phê.

Bà Nguyễn Thị Hồng có 1,5 ha cà phê tại khu vực hồ Đắk M’bai cho hay: “Mấy năm trở lại đây, hồ chứa nước này đã luôn bị thiếu nước, năm nay tình hình vẫn không khả quan mấy. Mới đầu tháng Giêng, còn hai, ba tháng tháng nữa mới có mưa mà hồ nước đã cạn kiệt rồi...”.

Những hộ trồng cà phê quanh khu vực hồ Ea Diêr, xã Đắk D’rông (Chư Jút) năm nay cũng lặp lại cảnh chạy nước cho cây trồng.

Ông Hoàng Văn Hiền ở thôn 15 cho biết: “Do lòng hồ Ea Diêr khá nông lại không có nguồn nước khe suối bổ sung nên cứ gặp nắng nóng vài tháng là cạn kiệt. Nếu bà con nông dân không tiết kiệm, mạnh ai nấy đưa máy bơm hút liên tục thì mực nước càng xuống nhanh hơn”.

Ngoài các hộ sử dụng nước tưới cà phê từ các công trình thủy lợi, hồ chứa thì nhiều hộ dân trồng cà phê chỉ phụ thuộc vào ao chứa, khe suối, giếng đào… cũng không khỏi lo lắng do nguồn nước ngày càng cạn kiệt.

Ông Lê Văn Thành ở thôn 3, xã Trường Xuân cho biết: “Nhiều năm nay, tôi thường dùng chung cái ao cuối rẫy cùng với các hộ dân lân cận để tưới cho 1 ha cà phê của gia đình. Nhưng năm nay, mới đầu tháng Giêng, dù mới chỉ tưới xong đợt 2, bước sang đợt 3, nhưng nước trong ao đã cạn thấy rõ. Chưa năm nào khu vực này đứt nước sớm như năm nay”.

Khác với vườn cà phê của gia đình ông Thành phụ thuộc vào nguồn nước từ ao chứa đào ven rẫy, diện tích cà phê trên 2 ha của gia đình ông Nguyễn Thanh Nam ở thôn Đức Vinh, xã Đức Mạnh (Đắk Mil) còn khó khăn hơn gấp bội vì phải trông chờ vào lượng nước khiêm tốn từ cái giếng đào ngay trong vườn cà phê.

Ông Nam cho biết: “Vào thời điểm này của những năm trước, nguồn nước trong giếng chưa bị cạn thì tôi bơm hút tưới tràn thoải mái, nhưng năm nay khi tưới được 70% diện tích thì đã thấy lộ hẳn mạch nước dưới đáy giếng ra rồi. Cứ đà này, các đợt tưới sau có lẽ tưới ba bốn giờ lại nghỉ để đợi nước mất thôi”.

Theo ông Nam, nhiều năm nay, nhiều hộ trong xã luôn lặp lại cách làm là khi thấy nước giếng cạn kiệt thì đổ xô đi thuê máy để khoan giếng. Do những người được thuê khoan giếng chủ yếu hoạt động tự phát, lại không am hiểu kết cấu địa tầng, độ sâu mực nước ngầm tại khu vực khoan giếng nên nhiều gia đình khoan đến 2 – 3 mũi khoan vẫn không gặp nước. Một số hộ khoan đến 150 – 190 m mới đến túi nước ngầm khiến cho nguồn nước của các giếng đào gần đó ngày một cạn kiệt, do bị đứt mạch nước mặt…

Để giảm thiệt hại do hạn hán gây ra, theo ngành Nông nghiệp tỉnh thì biện pháp hiệu quả nhất là nông dân cần áp dụng giải pháp tưới tiết kiệm và thực hiện kỹ thuật canh tác tích cực như thiết lập lại hệ thống đai rừng, cây che bóng để cây sinh trưởng, phát triển ổn định. Quan trọng hơn, bà con nông dân chỉ nên cung cấp đủ nhu cầu nước tưới cho cây cà phê là khoảng 450 – 500 lít/gốc.

Điều này không những giúp hạn chế lãng phí nước mà còn giữ ổn định độ phì nhiêu của đất, phân bón do không bị nước cuốn theo chất dinh dưỡng thấm xuống tầng đất sâu. Có thể nói, việc áp dụng giải pháp tưới nước tiết kiệm cho mỗi lần tưới cà phê sẽ giúp cho nông dân giảm được khoản chi phí cho xăng dầu bơm tưới, đào, khoan giếng không nhỏ và qua đó góp phần làm giảm giá thành sản xuất cà phê.

Do vậy, nhiều năm qua, các cấp, ngành chuyên môn và địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo về tưới nước hợp lý cho cây cà phê và xây dựng mô hình thí điểm trình diễn về tưới tiết kiệm nước tại các nông hộ ở nhiều địa phương. Đến nay, các mô hình này ở một số địa bàn trong tỉnh đã và đang phát huy hiệu quả, giúp thay đổi dần tập quán canh tác của người trồng cà phê.

Bài, ảnh: Văn Tâm

Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

 Từ khóa: hiện nay

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

emc
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây