17 ngân hàng vào cuộc
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng NH Nhà nước, cho biết dựa trên danh sách các NH thương mại đăng ký chỉ tiêu cho vay, NH Nhà nước đã đồng ý 17 NH được tham gia.
“Ngoài mức lãi suất ngân sách hỗ trợ tối đa trong 4 tháng, các NH thương mại phải chủ động cân nhắc, tính toán mức lãi suất cho doanh nghiệp (DN) vay trong thời gian còn lại. Mọi yêu cầu về điều kiện vay vốn, thẩm định khách hàng được thực hiện như các khoản vay thông thường và rủi ro NH thương mại tự chịu. Các NH cho DN vay vốn mua tạm trữ theo chỉ tiêu, danh sách do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) gửi NH Nhà nước” - ông Đông nói.
Ông Phạm Linh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank), cho biết đã đăng ký tham gia cho vay mua tạm trữ lúa gạo đợt này với khoảng 3.000 tỉ đồng. NH chủ yếu cho những DN trong ngành lương thực đã có quan hệ từ trước vay và đều tuân thủ các yêu cầu về thẩm định, thế chấp tài sản, dự án hiệu quả. Bởi lẽ, sau 4 tháng ngân sách hỗ trợ lãi suất, thời gian cho vay còn lại NH phải tự đưa ra mức lãi suất để cạnh tranh và tính toán có lời.
Theo các NH thương mại, nếu so với DN các ngành khác, DN ngành lương thực thường không thế chấp bằng bất động sản mà bằng dòng tiền thu về trong tương lai, nhà xưởng, kho bãi và hàng hóa (lúa gạo) nên NH cần đội ngũ quản lý, giám sát hoạt động của DN kỹ lưỡng.
“Cho DN xuất khẩu gạo vay vốn NH cũng được lợi không chỉ lãi vay mà cả dòng ngoại tệ thu về trong tương lai, các khoản phí dịch vụ bù đắp lại. Đến nay, những DN xuất khẩu gạo còn trụ lại được trên thị trường đều phải tìm hiểu kỹ đối tác nhập khẩu, chứ không làm ăn chụp giựt như trước nên phía NH không lo phát sinh nợ xấu” - lãnh đạo một NH cổ phần nhận xét.
Lo đầu ra gạo tạm trữ
Ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát, cho biết dù chưa nhận được chỉ tiêu cụ thể nhưng công ty đã có kế hoạch mua tạm trữ khoảng 10.000 tấn gạo trong đợt này. Đến nay, DN đã làm việc với 2 NH thương mại để vay vốn với lãi suất khoảng 5,5%/năm.
“Vay vốn không khó, quan trọng là thu mua tạm trữ với mặt bằng giá như hiện nay sẽ khó có lãi khi xuất khẩu. Hiện giá gạo 5% tấm của Việt Nam khoảng 365 USD/tấn, trong khi giá chào bán ra nước ngoài chỉ ở mức 355-360 USD/tấn. Sau 4 tháng tạm trữ, dù không phải chịu lãi suất vay NH nhưng các chi phí hao hụt, bảo quản, kho bãi..., DN vẫn phải chịu mà chưa chắc lúc đó xuất gạo được giá cao” - ông Tuấn lo ngại.
Theo các DN, xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện gặp nhiều khó khăn và bị sức ép cạnh tranh gay gắt từ các nước. Ngay nước cần mua gạo như Philippines đến thời điểm này cũng chưa vội vàng đặt hàng, trong khi những năm trước có kế hoạch mua từ rất sớm. Thị trường châu Phi đang hạn chế nhập gạo tiểu ngạch mà dần chuyển sang chính ngạch khiến gạo Việt Nam bị cạnh tranh gay gắt bởi gạo của Ấn Độ, Pakistan...
“Sát bên ta là Thái Lan, theo thông tin mới nhất, nước này muốn bán ra 5 triệu tấn gạo tồn kho, hiện đã bán được 2 triệu tấn và sẵn sàng bán số còn lại với bất kỳ giá nào” - ông Lâm Anh Tuấn dẫn chứng.
Nguồn tin: Người Lao Động
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...