Tăng cường các giải pháp phòng, chống khô hạn

Thứ hai - 09/03/2015 02:54 - Đã xem: 804
Trước tình hình nắng nóng đang diễn ra gay gắt, nhiều công trình thủy lợi, hồ chứa đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nước.

Hiện nay, mực nước ở một số hồ chứa đã và đang giảm mạnh như hồ Buôn Lang, Đắk Rồ (Krông Nô); Núi Lửa (Đắk Mil); Chư Pu, Ea Diêr (Chư Jút); hồ thôn 2, xã Trường Xuân (Đắk Song)... Trước thực tế đó, ngành Nông nghiệp tỉnh đã xây dựng kế hoạch, giải pháp đối với từng công trình, từng khu vực tưới theo mỗi thời điểm.

Người dân xã Quảng Khê (Đắk Glong) bơm nước từ công trình thủy lợi Phi Mur để tưới cho cây trồng

Theo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh thì tổng diện tích nước tưới vụ đông xuân 2014 – 2015 trên địa bàn toàn tỉnh là hơn 33.195 ha. Trong đó, lúa nước trên 4.409 ha; cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, hoa, dược liệu trên 25.206 ha; rau, màu, cây ngắn ngày trên 3.364 ha; nuôi trồng thủy sản hơn 215 ha.

Với diện tích khá lớn so với khả năng đáp ứng nhu cầu cung cấp nước của các công trình thủy lợi ở các địa phương nên nếu tình hình thời tiết không có mưa kéo dài, khả năng nhiều khu vực sản xuất thì nguy cơ hạn hán, thiếu nước tưới vài thời điểm giữa và cuối vụ đông xuân có thể xảy ra.

Cụ thể, vào thời điểm đầu tháng 3, các công trình thủy lợi mở nước đồng loạt, lưu lượng lớn để phục vụ sản xuất. Tại thời điểm này, nhu cầu sử dụng nước nhiều, nguồn nước trong các hồ giảm mạnh. Do vậy, các địa phương cần tăng cường tưới luân phiên, điều tiết nước hợp lý, hạn chế rò rỉ, thất thoát nguồn nước.

Còn đến thời điểm giữa cuối tháng 3, theo nhận định, toàn tỉnh sẽ có khoảng 20 công trình thiếu nước, tương ứng với khoảng 4.000 ha cây trồng bị hạn hán, thiếu nước. Trong đó, lúa trên 711 ha, cây công nghiệp dài ngày, hoa, cây ăn quả, dược liệu hơn 2.867 ha, rau màu, nuôi trồng thủy sản hơn 32 ha...

Trên cơ sở nhận định đó thì đến thời điểm cuối vụ đông xuân, số lượng công trình thủy lợi bị thiếu hụt nước sẽ tăng lên nhiều hơn và diện tích cây trồng bị hạn hán tương ứng lan rộng ra ở nhiều vùng là điều rất dễ xảy ra.

Theo ông Trịnh Văn Tường, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh thì trong thời gian qua, đơn vị đã triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý nguồn nước, sử dụng nguồn nước hợp lý. Trong đó, ngoài việc tăng cường kiểm tra, theo dõi nguồn nước ở các hồ đập, sông, suối thì đơn vị cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức thực hiện quản lý chặt chẽ nguồn nước, chống thất thoát, vận hành, điều tiết phục vụ nhu cầu phù hợp theo chu kỳ sinh trưởng của cây trồng. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tỉnh cùng với chính quyền địa phương đã khuyến cáo người dân không thực hiện gieo cấy ở những vùng không đủ nguồn nước tưới.

Theo đó, ở những vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp trong vụ đông xuân như Krông Nô, Chư Jút, Đắk R’lấp...., bà con nông dân đã biết tận dụng nguồn nước đầu vụ để triển khai xuống giống sớm, đồng thời áp dụng các giải pháp tưới tiết kiệm, tuân thủ lịch điều tiết, vận hành của các tổ chức quản lý thủy nông... Không những thế, người dân ở các địa phương trong tỉnh còn chủ động đóng góp nhân lực, vật lực nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, bơm tưới chống hạn...

Cũng theo ông Trịnh Văn Tường thì để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, giảm thiểu thiệt hại do hạn hán, thiếu nước gây ra, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước sát với từng thời điểm thực tế tại các địa phương.

Cụ thể, đối với các công trình mực nước xuống dưới mực nước chết thì đơn vị tiến hành khảo sát, lắp đặt máy bơm dã chiến để tận dụng dung tích nước còn lại của lòng hồ như hồ Đắk Ké, Đắk B’liêng, Đắk Huýt (Tuy Đức); hồ Cầu Tư, Bu Ja Ráh (Đắk R’lấp); Đèo 52 (Đắk Glong).

Còn đối với các công trình có nguồn nước cạn kiệt ở gần các hồ chứa nước có dung tích nước, nguồn nước dồi dào, đơn vị cũng tiến hành lắp đặt máy bơm dã chiến chuyển nước từ các hồ chứa lớn để phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân như hồ Đắk Ken, Đắk Kloou thì dùng biện pháp chuyển nước từ hồ Tây (Đắk Mil), hồ Đắk Mâm thì chuyển nước từ hồ thị trấn Đắk Mâm (Krông Nô)...

Riêng đối với các công trình đập dâng trên suối theo hình thức bậc thang bên cạnh điều tiết hợp lý thì việc gia cố các đập dâng, xây dựng các đập tạm nhằm tận dụng tối đa nguồn nước. Hiện ở các địa phương có khá nhiều công trình đập thủy lợi quan trọng trên các dòng suối như đập dâng Bu Ja Ráh, Quảng Thuận, Quảng Hòa, Quảng Phước (Đắk R’lấp), Thọ Hoàng, Thái Bá Long (Đắk Mil), Y Oanh (Đắk Song), Đắk Huýt (Tuy Đức)....

Với số lượng công trình khá nhiều nhưng nhỏ lẻ, dung tích thấp và đang xuống cấp trầm trọng, do đó, theo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh thì hiện nay, để triển khai tốt các giải pháp phòng, chống hạn hán vụ đông xuân 2014 – 2015, các địa phương trong tỉnh cần nguồn kinh phí khoảng 40 tỷ đồng để tiến hành nạo vét kênh mương, tu sửa hệ thống các công trình, hỗ trợ nhiên liệu bơm tưới, đắp đập dâng trên các suối, tại các ngưỡng tràn... giúp người dân sản xuất vụ đông xuân hiệu quả hơn.

Bài, ảnh: Văn Tâm

Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

emc
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây