Phá giá VNĐ: Chưa phải lúc

Thứ sáu - 22/02/2013 21:17 - Đã xem: 1018
Các chuyên gia đề xuất nên phá giá nhẹ VNĐ mỗi năm song Ngân hàng Nhà nước khẳng định cách làm này gây bất lợi cho nền kinh tế

Trước Tết Quý Tỵ, khả năng phá giá VNĐ mới dừng ở mức ý kiến của các chuyên gia kinh tế,  thị trường gần như không có phản ứng. Nhưng nay, đồng USD đã đồng loạt tăng giá ở cả thị trường chính thức lẫn chợ đen.

Nên tăng tỉ giá 4%?

Đây là diễn biến khá bất thường vì nhu cầu ngoại tệ đầu năm thường không tăng mạnh. Khả năng USD tăng giá được giới chuyên môn nhận định rất có thể là do tâm lý thị trường khi đang có nhiều ý kiến cho rằng nên phá giá VNĐ.

TS Nguyễn Đức Thành, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội (VEPR), cho rằng việc tiếp tục neo tỉ giá là rất đáng lo ngại. Vì trong thời kỳ tỉ giá ổn định nhưng lạm phát cao khiến giá trị thực của đồng nội tệ bị đẩy lên rất cao, sự yếu đi của VNĐ không tương ứng so với lạm phát. So với thời gian đầu mở cửa, VNĐ đã tăng 11%. “Nhiều nhà kinh tế cho rằng tỉ giá ổn định là tốt nhưng theo tôi, nó sẽ khiến  cạnh tranh của hàng Việt Nam yếu đi từ từ, như một cái thòng lọng dần siết lại” - TS Thành nhìn nhận.
 
Quan điểm của cơ quan quản lý Nhà nước về tiền tệ là giữ ổn tỉ giá để tránh đầu cơ USD. Ảnh: HỒNG THÚY

Hậu quả là các ngành phụ thuộc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Ngay cả với ngành mà Việt Nam đang có lợi thế gần như độc quyền trên thế giới như xuất khẩu cá da trơn cũng phá sản hàng loạt. Có ý kiến cho rằng cá da trơn phá sản do quản trị yếu kém nhưng theo ông Thành, non kém về quản trị chỉ dẫn tới phá sản doanh nghiệp, không thể phá sản cả một ngành. Từ phân tích trên, VEPR đề xuất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên chủ động phá giá nhẹ VNĐ khoảng 3%-4% trong cả năm thông qua một số bước với biên độ 1%-1,5%. Nếu mỗi năm phá giá 4% thì khoảng 15 năm sau, Việt Nam có thể tăng được gấp đôi dự trữ ngoại hối.

TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia, cũng đồng ý với quan điểm chủ động tăng tỉ giá khoảng 4%. Theo ông Nghĩa, đồng nội tệ đang bị đánh giá cao khoảng 23% so với USD vì lạm phát của Việt Nam quá cao so với lạm phát Mỹ trong nhiều năm qua. Trong 5 năm qua, bình quân lạm phát của Việt Nam là 12%/năm nhưng Mỹ chỉ lạm phát 2%. Như vậy, tỉ giá thực đã tăng nhưng Chính phủ lại không cho mức biến động giá trị VNĐ tương ứng là bất lợi cho xuất khẩu. Nếu không chủ động thừa nhận về mức độ chênh lệch giữa 2 đồng tiền quá lớn, để dồn nén năm này qua năm khác thì tất yếu sẽ đến lúc thị trường  đòi hỏi một quy luật vận hành công bằng.

Lo bùng phát đầu cơ, găm giữ USD

Ở góc nhìn của cơ quan quản lý, NHNN lại cho rằng chưa nên tăng tỉ giá vào lúc này. Đại diện Vụ Chính sách tiền tệ phân tích: Tăng tỉ giá sẽ làm giá các mặt hàng nhập khẩu tăng, gây áp lực lạm phát trong nước. Hơn nữa, lạm phát tháng 1 ở mức 1,25%, nhiều khả năng tháng 2 còn tăng cao hơn nên điều  chỉnh tỉ giá lúc này sẽ có nhiều yếu tố “bồi” thêm áp lực lên lạm phát. Bên cạnh đó, tăng tỉ giá sẽ ảnh hưởng đến nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp và Chính phủ do cơ cấu đồng tiền nợ vay chủ yếu bằng USD, gây khó khăn cho ngân sách.

Không chỉ lo nhập khẩu lạm phát, NHNN còn lo ngại tăng tỉ giá đồng nghĩa với giảm giá VNĐ sẽ làm trầm trọng thêm tâm lý kỳ vọng tỉ giá tăng. Khi đó sẽ xóa sạch thành quả bình ổn tỉ giá vốn là điểm sáng trong điều hành chính sách tiền tệ năm 2012, dẫn đến nguy cơ tái diễn hiện tượng người dân chuyển VNĐ sang găm giữ USD. Đây là vấn đề rất đáng lưu tâm vì nhờ giữ được ổn định tỉ giá gần như suốt cả năm 2012, thị trường ngoại tệ đã không có những cơn sốt. Tỉ giá trên thị trường chợ đen bám sát thị trường chính thức, thanh khoản ngoại tệ dồi dào, một lượng ngoại tệ lớn găm giữ trong  dân và doanh nghiệp được chuyển đổi sang VNĐ để hưởng chênh lệch lãi suất khiến NHNN mua thêm đến 15 tỉ USD dự trữ ngoại hối. 

Các nguy cơ khác cũng phải tính đến khi tăng tỉ giá VNĐ là có khả năng ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư nước ngoài vì lợi nhuận của họ bị giảm đi do rủi ro tỉ giá. Bên cạnh đó, đối với nền kinh tế nhập siêu như Việt Nam thì phá giá VNĐ có thể khiến  nhập siêu trở nên trầm trọng hơn mà lợi ích do kích thích xuất khẩu đem lại không thể bù đắp được.

Trong điều hành chính sách tiền tệ, năm nay, NHNN không nêu định hướng kiểm soát khoảng biến động cụ thể của tỉ giá USD/VNĐ như năm ngoái.
 

Giá USD chợ đen có lúc 21.200 đồng

Ngày 20-2, tỉ giá giao dịch trên cả thị trường chính thức và chợ đen biến động mạnh theo xu hướng tăng vào đầu ngày, giảm vào cuối ngày.

Mở cửa giao dịch, giá USD chợ đen ở Hà Nội thiết lập ngưỡng 21.000 đồng/USD khi tăng 80 đồng/USD so với ngày hôm trước, ở mức mua vào - bán ra là 20.980 - 21.060 đồng. Đến sau 10 giờ, giá mua vào - bán ra đều vượt mốc 21.000, cụ thể là 21.050 - 21.100 đồng. Đầu giờ chiều, giá giao dịch giảm nhẹ xuống 21.040 - 21.090 đồng, một vài điểm giao dịch nhỏ vẫn giữ nguyên giá bán từ lúc trưa do trước đó điều chỉnh tăng chậm.

Tại TPHCM, cùng ngày, giá USD  tiếp tục biến động mạnh. Trên thị trường tự do, đầu ngày, một số điểm thu đổi ngoại tệ báo giá USD ở mức 21.000 đồng/USD mua vào, 21.170 đồng/USD bán ra, một số tiệm vàng báo giá USD bán ra nhảy vọt lên 21.200 đồng/USD. Chênh lệch mua vào bán ra cũng dãn rộng lên 17 đồng/USD. Cuối ngày, giá USD tự do giảm còn 21.150 đồng/USD (bán ra), tăng 70 đồng/USD so với cuối ngày hôm trước. 

Trên thị trường chính thức, tỉ giá cũng có xu hướng tăng từ 10 - 20 đồng/USD mặc dù tỉ giá bình quân liên ngân hàng do NHNN công bố vẫn không thay đổi. Giá mua - bán được Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) công bố  lúc cuối giờ trưa 20-2 là 20.840 - 20.910 đồng; giá công bố của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) là 20.835 - 20.900 đồng.
 
T.Hà - T.Phương
TÔ HÀ

Nguồn tin: Người Lao Động

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây