Là tiến sỹ kinh tế chuyên về lý thuyết tỷ giá hối đoái, ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), cho rằng những quan điểm trái chiều hiện nay không hẳn là mâu thuẫn, vì tỷ giá luôn là một vấn đề quan trọng, phức tạp dưới những góc nhìn khác nhau, và nó hấp dẫn.
Những quan điểm trái chiều về tỷ giá cũng là một điều hay. Nhà điều hành cần lắng nghe... (ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank)
Không nên chủ động phá giá VND
Những ngày gần đây, một số chuyên gia cùng hướng về khuyến nghị Việt Nam cần phá giá VND trong năm nay với mức độ từ 3 - 4%, và tiếp tục như vậy trong những năm tiếp theo. Nguyên do chủ yếu là VND đang bị định giá quá cao, khoảng 20 - 21% so với USD, do tỷ giá quá ổn định gần hai năm qua gây khó khăn cho xuất khẩu… Theo ông, liệu có nên chủ động phá giá như vậy không và vì sao?
Tỷ giá hối đoái luôn là đề tài hấp dẫn cho giới học thuật tranh luận, và các lực lượng thị trường suy đoán, dự báo. Có hai biến số kinh tế vĩ mô của các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong cách nhìn của giới đầu tư nước ngoài, là lạm phát và tỷ giá. Hơn thế nữa, hai biến số này lại tác động qua lại lẫn nhau khá phức tạp. Cho nên tôi không ngạc nhiên khi có rất nhiều ý kiến bình luận về tỷ giá.
Bây giờ nói về tỷ giá USD/VND đang là thế nào, thì cũng phải đứng trên nhiều giả định. Với những giả định đó, thì ta mới có thể nói hết sức tương đối rằng giá trị thực của đồng tiền Việt Nam so với đô la Mỹ là trên hay dưới giá trị của nó. Bản thân tôi chưa thấy thuyết phục khi nghe rằng “VND đang bị định giá quá cao so với USD…; do tỷ giá quá ổn định gần hai năm qua gây khó khăn cho xuất khẩu”.
Tính từ 2008 đến nay, VND đã mất giá trên 30%, từ mức xấp xỉ 16.000 đồng, nay đang tiệm cận mức 21.000 VND/USD. Kim ngạch xuất khẩu của nước ta trong 5 năm qua, chỉ trừ năm 2009 giảm 10% do các tác động tức thời của khủng hoảng kinh tế thế giới, đều tăng với một tốc độ cao; năm 2011 tăng 34%, 2012 tăng 19%.
Không ai phủ định quy luật “đồng tiền giảm giá thì hỗ trợ cho xuất khẩu” cả. Nhưng cũng cần phải lưu ý rằng bản thân tỷ giá riêng lẻ nó không quyết định cho tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, vì kim ngạch xuất khẩu có thể xem như là một hàm nhiều biến, mà tỷ giá hối đoái chỉ là một biến số.
Trong 5 năm vừa qua, tính trung bình thì hàng năm lãi suất VND cao hơn USD khoảng 10% trong khi bình quân tỷ giá VND giảm so USD là 6%/năm. Cho nên, có một lực đẩy thực tế của thị trường theo chiều đi xuống không cho USD tăng giá nhiều thêm vì người nắm giữ VND vẫn hưởng lợi ròng là 10% - 6% = 4%.
Vả lại, xuất khẩu ở Việt Nam phụ thuộc không quá nhiều vào tỷ giá hối đoái. Đây là kết quả của các công trình nghiên cứu nghiêm túc về sự tác động của tỷ giá hối đoái đến xuất khẩu ở nước ta. Đó là chỉ xem tỷ giá dưới góc độ cạnh tranh thương mại, mà sâu xa của nó là chênh lệch lạm phát của các đồng tiền trong một rổ tiền tệ làm cơ sở để điều hành chính sách tỷ giá hối đoái.
Còn tỷ giá thì bị/được thị trường điều tiết một cách lạnh lùng, vì nó dựa vào quy luật ngang giá lãi suất, dựa vào kỳ vọng, dựa vào mơ ước của thị trường. Nói một cách nôm na, đồng tiền nào có lãi suất cao thì lợi thế tăng giá nhiều hơn.
Trong 5 năm vừa qua, tính trung bình thì hàng năm lãi suất VND cao hơn USD khoảng 10% trong khi bình quân tỷ giá VND giảm so USD là 6%/năm. Cho nên, có một lực đẩy thực tế của thị trường theo chiều đi xuống không cho USD tăng giá nhiều thêm vì người nắm giữ VND vẫn hưởng lợi ròng là 10% - 6% = 4%.
Ông nói chưa thấy thuyết phục về kết quả định giá trên, cụ thể chưa thuyết phục thế nào?
Ở đây cần phải nói thêm về khái niệm “định giá”. Khái niệm này chủ yếu nằm trong cơ chế tỷ giá cố định. Nêu khái niệm này trong cơ chế tỷ giá đặc thù của Việt Nam là không phải. Vì thực ra các lực đẩy của thị trường về cung cầu là một tham chiếu cho hành động can thiệp của Ngân hàng Nhà nước trên thị trường ngoại hối.
Theo tôi, trong môi trường đó cần tiếp cận khái niệm “ngang giá tiền tệ” thay cho “định giá” thì đúng hơn. Xác định mức “ngang giá tiền tệ” này là việc phức tạp nhưng có thể làm được. Lựa chọn “năm cơ sở” là việc khó nhất, vì nó phụ thuộc vào quan điểm, vào giả định các điều kiện tối ưu của nền kinh tế…
Ý kiến riêng của tôi dựa trên những tính toán của riêng mình thì VND đang tịnh tiến về “vùng tỷ giá mục tiêu” theo các nguyên tắc xác lập mức “ngang giá tiền tệ”, nên không cần thiết, và không nên phá giá VND. Nhưng điều này cũng không có nghĩa là cố định tỷ giá, mà tùy vào nhiều yếu tố để Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tỷ giá trên nền tảng cơ chế tỷ giá hối đoái đã lựa chọn.
Chưa thấy thuyết phục là nhìn nhận của ông, nhưng nếu đó là một thực tế thì theo ông nó đi cùng với những bất cập gì và hướng xử lý?
Tôi hơi ngạc nhiên về ý kiến “VND bị định giá cao” mà số liệu còn nêu cụ thể “20 - 21% so với USD”. Như tôi đã trình bày ở trên, việc lựa chọn “năm cơ sở” là rất quan trọng trong các mô hình tính toán tỷ giá thực. Nó như là những “cột mốc” cần phải đuổi theo “cỗ xe” hội nhập kinh tế thế giới. Vì trong quá trình toàn cầu hoá, các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các chính sách kinh tế và thương mại quốc tế, quá trình tự do hoá các dòng vốn, hiện tượng xuất khẩu lạm phát… làm cho các mô hình tính toán tỷ giá phải được điều chỉnh các biến số rất nhạy bén.
Cho nên tôi không cho rằng ý kiến nêu trên là chính xác. Hãy quan sát thị trường, xem thanh khoản trên thị trường ngoại hối thế nào, cung cầu ngoại tệ ra sao, các chỉ số kinh tế vĩ mô khác biến động bao nhiêu, kể cả sự tăng hay giảm giá của đồng USD so với các đồng tiền của các quốc gia khác mà Việt Nam có quan hệ về thương mại, đầu tư, vay nợ… để có các ứng xử phù hợp. Đó là cách mà tôi nghĩ Ngân hàng Nhà nước đang và sẽ tiếp tục làm như thế.
Tăng dự trữ ngoại hối đâu đơn giản!
Có một tính toán đưa ra là, nếu Việt Nam phá giá VND 4%/năm trong 3 năm liên tục thì dự trữ ngoại hối sẽ tăng gấp đôi. Ông nhìn nhận thế nào về mối quan hệ giữa điều chỉnh tỷ giá USD/VND với sự tăng - giảm của dự trữ ngoại hối?
Nếu có một nhà toán học nào chịu khó ngồi mô hình hoá quan hệ giữa tỷ giá hối đoái và mức tăng, giảm dự trữ ngoại hối thì mô hình đó, theo tôi nghĩ, xác lập tương quan “phi tuyến tính”, chứ không có quy luật “tỷ giá tăng α thì dự trữ tăng β”. Mức tăng dự trữ ngoại hối đâu đơn giản như thế được!
Chỉ có một quy luật đơn giản tác động lên kho dự trữ của bất kỳ một loại hàng hoá nào, đó là lượng xuất và nhập hàng ra vào kho. Dự trữ ngoại hối của nước ta năm rồi tăng mạnh, đó là do xuất khẩu ta tăng cao hơn mức mức tăng của nhập khẩu, tạo ra hiện tượng xuất siêu. Không bàn sâu xa xuất siêu tác động ra sao đến nền kinh tế, phải thừa nhận rằng xuất siêu đã cải thiện cán cân vãng lai tốt hơn nhiều so với trước. Cùng với thặng dư trên cán cân vốn, xuất siêu đã làm cán cân thanh toán tổng thể tốt hơn, dự trữ ngoại hối tăng cao hơn trước.
Trở lại với khuyến nghị trên của một số chuyên gia, có một điểm ngoài chuyên môn thế này: dễ nhận thấy có một mâu thuẫn trong dư luận, những năm trước tỷ giá USD/VND liên tục biến động và tăng mạnh, yêu cầu đặt ra căng thẳng là Ngân hàng Nhà nước phải bình ổn và giữ ổn định. Nay, giữ ổn định được rồi thì lại là áp lực yêu cầu “phải” phá giá. Ông có thể nói về mâu thuẫn này không, hay đó là áp lực luôn có?
Cũng phải công tâm mà nhìn nhận rằng có một quy luật khách quan, phổ biến là ở đất nước nào mà sức mua đối nội của đồng tiền, biểu hiện qua lạm phát, giảm xuống thì cũng kéo theo sức mua đối ngoại của đồng tiền đó, biểu hiện qua tỷ giá, thấp đi.
Mấy năm rồi lạm phát của nước ta tăng cao, tạo ra một tâm lý đồng tiền liên tục mất giá. Thực ra Ngân hàng Nhà nước cũng đã điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng và biên độ dao động cho phép phù hợp với các điều kiện của thị trường nên đã đem đến sự ổn định của tỷ giá. Chứ mấy năm trước tỷ giá cũng rất nhiều biến động.
Luôn luôn có những ý kiến bình luận về tỷ giá, suy cho cùng, cũng là một điều hay. Vì nhờ đó các cơ quan quản lý luôn đặt mình trong một trạng thái phải quan sát thường trực các biến động của thị trường ngoại hối. Còn các loại ý kiến, tôi cho là cũng có một mức độ chính xác nào đấy chứ không có mâu thuẫn gì cả, vì tỷ giá luôn là một vấn đề quan trọng và phức tạp. Mỗi người có quyền tiếp cận ở những chiều khác nhau.
Năm nay tỷ giá sẽ biến động theo chiều tăng
Năm nay, Ngân hàng Nhà nước không nêu định hướng kiểm soát khoảng biến động cụ thể của tỷ giá USD/VND như năm ngoái. Còn ông, có dự tính của mình hay một dự báo có thể chia sẻ không?
Công bố trước tỷ giá sẽ là bao nhiêu trong một năm có ưu điểm và nhược điểm mà người làm chính sách phải cân nhắc.
Ưu điểm là làm cho các lực lượng thị trường có liên quan đến tỷ giá tính toán dễ dàng hơn, ở một khía cạnh nào đó như là được bảo hiểm ngầm. Nhược điểm là định hướng trước tỷ lệ % tăng giảm tỷ giá, vô hình trung làm méo mó kỳ vọng thị trường và các hệ quả có thể không tốt xảy ra. Vì chẳng may từ lý do nào đó tỷ giá không như thế thì sao?
Nhưng vì tôi không phải là người làm chính sách tỷ giá nên việc dự báo có vẻ thoải mái hơn. Dự báo của tôi có thể chính xác hoặc không. Nhưng tôi phải đảm bảo dự báo này là trung thực từ tính toán, suy đoán của mình.
Tôi nghĩ, tăng tỷ giá nhiều trong năm nay không có lợi. Cần quan tâm quy luật cộng hưởng, truyền dẫn qua lại giữa tỷ giá hối đoái và lạm phát. Nếu năm nay kinh tế từng bước phục hồi thì cầu nhập khẩu sẽ tăng lên. Có dự báo kim ngạch nhập khẩu năm nay trên 130 tỷ USD. Nếu tỷ giá tăng mạnh thì lạm phát sẽ bị ảnh hưởng. Nếu lạm phát không được kiềm chế tốt sẽ tác động ngược lại, buộc tỷ giá phải tăng lên. Nghĩa vụ nợ đến hạn của quốc gia cũng là một chủ đề cần tính toán kỹ khi xem xét tỷ giá… Đó là nền tảng suy nghĩ của tôi khi dự báo rằng, năm nay tỷ giá sẽ biến động theo chiều tăng, từ 2 - 3%.
Theo MInh Đức ( Economy)