Ngó lơ hàng Trung Quốc

Thứ năm - 07/02/2013 03:24 - Đã xem: 1070
Tết năm nay, lần đầu tiên, hầu hết các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm của Trung Quốc bị người tiêu dùng quay lưng, thậm chí tẩy chay
Sau hàng loạt cảnh báo về chất lượng hàng hóa Trung Quốc (TQ), người tiêu dùng dần quay lưng với các sản phẩm có xuất xứ từ nước này. Xu hướng chê hàng TQ càng thể hiện rõ trong những ngày cận Tết – thời điểm mà những năm trước, hàng loại này bán đắt như tôm tươi.
 
Rất ít người tiêu dùng chọn mua trái cây cũng như hàng Trung Quốc nói chung. Ảnh: HỒNG THÚY

Không có chỗ!

Từ mấy tháng nay, lượng hàng TQ về chợ đầu mối TPHCM giảm dần và ngày càng giảm sâu. Đến thời điểm này, dù cận Tết nhưng lượng hàng TQ về chợ thấp kỷ lục: giảm đến 30% - 40% so với trước đây.
 
Rất ít người tiêu dùng chọn mua trái cây Trung Quốc. Ảnh: HỒNG THÚY

Nếu trước đây, rau củ TQ chiếm 10% -20% tổng lượng hàng về chợ, trái cây TQ chiếm 30% lượng trái cây ngoại thì hiện tại, mỗi đêm chỉ khoảng 100-110 tấn rau củ TQ về chợ (chiếm 7% - 8% tổng lượng rau củ, trái cây giảm chỉ còn 20%. Dù vậy, sức mua những mặt hàng này vẫn rất thấp.

Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức - TPHCM, cho biết dịp Tết, trái cây TQ có bom, lê, cam, dưa kim cô nương, dưa Tân Cương, dưa lưới, hồng khô, lựu... Trong khi nhiều loại trái cây Việt Nam bắt đầu nhích giá từ tuần trước thì hàng TQ vẫn không tăng và bán rất chậm.

Tại chợ đầu mối Bình Tây (quận 6 - TPHCM) - nơi tập trung các mặt hàng thực phẩm, bánh kẹo TQ - tình hình diễn ra cũng tương tự. Từ đầu tháng 1-2013, tiểu thương rục rịch nhận chào mẫu, nhập hàng bán Tết nhưng không có chỗ cho hàng TQ. Theo bà Ứng Thị Liên, trưởng ngành hàng bánh kẹo, năm nay, bánh mứt, kẹo TQ  rất khó bán. Tết năm nay, buôn bán khó khăn, tiểu thương không dám mạo hiểm nhập hàng TQ vì lỡ bị phát hiện, lập biên bản tịch thu hoặc tiêu thụ không trôi thì khổ. Theo ghi nhận của chúng tôi, nếu như thời điểm năm 2007-2008, tỉ lệ bánh kẹo TQ - nội địa khoảng 40% - 60% thì nay, hàng TQ chỉ còn khoảng 10%.

Bán hàng Trung Quốc “cho vui”

Không chỉ tiểu thương chợ đầu mối giảm nhập hàng TQ mà các siêu thị cũng hạn chế bán hàng này. Tại các siêu thị Co.opmart, BigC…, hàng Việt Nam đã chiếm đến 90%. Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết siêu thị này cam kết không bán thực phẩm TQ. Hai năm nay, Co.opmart đã ngưng bán trái cây TQ mà chủ yếu phân phối hàng nội địa (chiếm 90% - 95%) và một số loại trái cây nhập từ Mỹ, New Zealand, Úc…

“Chủ trương của chúng tôi là không bán hàng không  bảo đảm chất lượng. Cuối năm 2012, gà dai, gà thải loại từ TQ, Hàn Quốc nhập về nhiều, các hệ thống siêu thị khác bán rất chạy, khách hàng thắc mắc vì sao Co.op không bán nhưng chúng tôi vẫn kiên quyết không nhập hàng này vì không yên tâm về chất lượng” - ông Nhân nói.

Tại các hệ thống BigC, Lotte Mart…, trái cây, thực phẩm TQ chiếm tỉ lệ rất nhỏ và được kiểm soát nghiêm ngặt về chứng từ nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tại các chợ ở TPHCM như Vườn Chuối (quận 3), An Đông (quận 5), Thị Nghè (Bình Thạnh)…, trái cây TQ bày bán lẫn với trái cây nội và hàng nhập từ New Zealand, Úc. Tuy nhiên, các tiểu thương cho biết chủ yếu bày hàng  TQ “cho vui” chứ ít ai mua.  Với mặt hàng bánh kẹo, thực phẩm, tình trạng tương tự cũng diễn ra. “Khách đi chợ, lựa hàng, câu đầu tiên hỏi là “hàng này của Việt Nam hay TQ sản xuất?” rồi mới nhìn tới nhãn mác, hỏi giá, ăn thử. Hàng nào không có nhãn mác rõ ràng thì rất khó bán” - một tiểu thương bán bánh mứt ở chợ An Đông cho hay.

Không chỉ chê hàng TQ, nhiều người tiêu dùng còn tẩy chay hàng không nhãn mác, bao bì, không  bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
 

Phải dạt về vùng ven

Không tiêu thụ được ở nội thành, các siêu thị, cửa hàng lớn nên bánh kẹo, thực phẩm, trái cây, rau củ TQ chủ yếu đổ về các chợ vùng ven, chợ tự phát, hàng gánh lề đường và các tỉnh. Xung quanh chợ Nhị Thiên Đường (quận 8 - TPHCM), trái cây TQ được đổ đống bán quanh năm, mùa nào trái nấy và người mua tấp nập. Nhiều công nhân lao động, người có thu nhập thấp…, dù biết hàng TQ có nguy cơ chứa nhiều chất độc hại, không an toàn cho sức khỏe nhưng vẫn bấm bụng mua vì giá rẻ.

ĐÔNG NGHI

Nguồn tin: Người Lao Động

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây