Trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp
Thứ năm - 07/02/2013 03:15
- Đã xem: 1177
Ngân sách bảo đảm nguồn kinh phí hỗ trợ quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo mức bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm thất nghiệp
Sau khi chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) có hiệu lực từ ngày 1-1-2009, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 96/2009/TT-BTC hướng dẫn chế độ tài chính đối với quỹ BHTN. Thông tư này quy định nguồn kinh phí đóng BHTN thuộc trách nhiệm đóng của đơn vị sử dụng lao động; hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước thực hiện chính sách, quản lý và sử dụng quỹ BHTN.
Người lao động đăng ký thất nghiệp tại Trung tâm Giới thiệu Việc làm TPHCM Nguồn kinh phí đóng BHTN
Đối với đơn vị sử dụng lao động là cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp được ngân sách Nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động thường xuyên thì ngân sách Nhà nước bảo đảm nguồn kinh phí đóng BHTN của đơn vị sử dụng lao động theo mức quy định và bố trí dự toán chi thường xuyên hằng năm của đơn vị theo phân cấp quản lý ngân sách Nhà nước hiện hành. Khoản kinh phí BHTN của đơn vị sử dụng lao động được hạch toán, quyết toán vào loại, khoản mục và tiểu mục theo quy định của mục lục Ngân sách Nhà nước hiện hành.
Còn đối với đơn vị sử dụng lao động là đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập; doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng và trả công cho người lao động; cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài; tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có sử dụng lao động là người Việt Nam phải tự bảo đảm nguồn kinh phí đóng BHTN theo quy định. Khoản kinh phí đóng BHTN của đơn vị sử dụng lao động được hạch toán vào chi phí dịch vụ, sản xuất, kinh doanh trong kỳ.
Chuyển kinh phí từ ngân sách vào quỹ BHTN
Vào quý II hằng năm, căn cứ dự toán ngân sách hỗ trợ quỹ BHTN được cấp có thẩm quyền giao Sở Tài chính chuyển một lần từ ngân sách địa phương vào quỹ BHTN do BHXH cấp tỉnh quản lý theo hình thức lệnh chi tiền. Kết thúc năm tài chính, Sở Tài chính căn cứ báo cáo quyết toán thu BHTN do BHXH cấp tỉnh lập gửi đến thực hiện kiểm định để xác định cụ thể số kinh phí ngân sách địa phương hỗ trợ quỹ BHTN theo quy định.
Trường hợp số kinh phí Bộ Tài chính đã cấp lớn hơn mức hỗ trợ theo quy định thì được chuyển nguồn sang năm sau sử dụng và giảm trừ vào dự toán ngân sách hỗ trợ quỹ BHTN năm sau. Trường hợp thiếu kinh phí thì Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cấp bổ sung vào dự toán ngân sách hỗ trợ quỹ BHTN năm sau.
Hỗ trợ 1% kinh phí từ ngân sách
Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách thực hiện chính sách BHTN theo mức quy định tại khoản 3 điều 25 Nghị định số 127/2008/NĐ-CP thực hiện theo phân cấp quản lý ngân sách Nhà nước như sau: Ngân sách địa phương bảo đảm nguồn kinh phí hỗ trợ quỹ BHTN theo mức bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công đóng BHTN của những người lao động tham gia BHTN làm việc trong các đơn vị sử dụng lao động quy định mà kinh phí hoạt động từ ngân sách địa phương.
Ngân sách Trung ương bảo đảm nguồn kinh phí hỗ trợ quỹ BHTN theo mức bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công đóng BHTN của những người lao động tham gia BHTN làm việc trong các đơn vị sử dụng lao động quy định tại khoản 1 điều 2 mà kinh phí hoạt động từ ngân sách Trung ương và các đơn vị sử dụng lao động tại khoản 2 và 3 điều 2 Thông tư số 96/2009/TT-BTC. Hằng năm, cùng thời gian quy định về lập dự toán ngân sách Nhà nước, cơ quan tài chính các cấp chủ trì phối hợp với cơ quan BHXH cùng cấp lập dự toán mức ngân sách hỗ trợ quỹ BHTN theo phân cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định hiện hành về lập và phân bổ dự toán ngân sách Nhà nước. |
Bài và ảnh: MAI THANH
Nguồn tin: Người Lao Động