Xuất thân là kỹ sư hóa của Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ (nay là Trường Ðại học Bách khoa TPHCM), ông Lê Lộc có thời gian làm việc trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Nhưng rồi niềm đam mê nghiên cứu, ứng dụng liên quan đến môi trường đã kéo ông ra khỏi ngành xuất nhập khẩu, trở lại với lĩnh vực hóa nhựa. Năm 1996, ông xách vali sang Mỹ, xin vào làm tại một công ty chuyên về hóa chất, nhựa bê tông...
Ở đó, ông thấy mình như cá gặp nước. Những công nghệ tiên tiến về ngành này đã cuốn hút ông, gieo vào ông ý nghĩ phải tìm ra một công nghệ có ích để mang về nước. Hình ảnh những túi rác ni lông vương vãi trên đường phố hay lềnh bềnh trên những con rạch đen ngòm nơi quê nhà cứ ám ảnh ông. Thế là, ông quyết tìm cho được bí quyết về công nghệ sản xuất bao bì tự hủy.
Trong số bảy công ty ở Mỹ có liên quan đến ngành hóa chất phục vụ môi trường, chỉ một công ty sở hữu công nghệ này nhưng họ đã bán bằng sáng chế cho một công ty ở Nhật Bản. Ông Lê Lộc lại cất công bay sang xứ sở hoa anh đào để tiếp cận công nghệ đó. Thay vì phải mua trọn gói công nghệ của họ, ông chỉ mua lại chất phụ gia. Với chất này, khi cho vào sản xuất thì chỉ trong thời gian ngắn bị thải ra môi trường, bao bì sẽ tự hủy.
Ông Lê Lộc, Giám đốc Công ty TNHH TM - DV Phúc Lê Gia. Ảnh: S.N
Ðã có được hạt giống trong tay nhưng ươm cho nó nảy mầm, dưỡng thành cây sao cho ra quả ngọt đối với ông Lê Lộc là cả một quá trình gian nan. Ông xin vào làm công ở nhiều nhà máy nhựa để tìm cách đưa chất phụ gia ấy vào sản xuất thử nghiệm. Một thời gian sau, ông lập cơ sở riêng chế tác rồi đưa đi kiểm nghiệm để sản xuất hàng loạt. Có sản phẩm rồi, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng thế nào đây trong khi vào những năm đầu thế kỷ XXI, ở Việt Nam chưa nhiều người màng tới bao bì tự hủy?
Ông Lộc có cách làm riêng. Suốt hai năm, ông đưa bao bì tự hủy của mình đi khắp các tỉnh từ Nam chí Bắc để giới thiệu. Ðến đâu, ông cũng dò hỏi người dân và tiểu thương về cách họ sử dụng bao ni lông , rồi nói cho họ nghe lợi ích của bao bì tự hủy. Nhưng chẳng mấy ai tin, ông Lộc đành phát không cho họ dùng thử.
Trong khi đó, vợ con ông Lộc lắm phen trách móc ông "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng". "Có lần khách hàng gọi điện thoại đến nhà hỏi về bao bì, bả nghe máy, nói gay: "Tôi không biết gì hết, tôi chỉ là người ở!"... Bả giận tôi suốt gần chục năm" - ông Lộc kể.
Còn người ngoài thì bảo chắc ông... điên vì có ai bình thường mà năm lần mang giấy tờ nhà đi thế chấp ngân hàng để vay tiền đầu tư sản xuất bao bì tự hủy rồi phát không cho thiên hạ! Nhớ về những ngày tháng đó, ông Lộc cả quyết: "Ai nói tôi điên, mặc họ. Tôi muốn chứng minh rằng mình sẽ biến ý tưởng thành hiện thực, không chỉ cho cá nhân tôi mà rất hữu ích đối với môi trường và xã hội".
Bằng khát vọng lớn ấy, ông Lê Lộc đã chạm vào thành công. Năm 2009, bao bì tự hủy của công ty ông chính thức được tung ra thị trường. Ðến tháng 11-2012, Công ty Phúc Lê Gia mới chính thức có lãi từ hoạt động sản xuất, kinh doanh bao bì tự hủy. 80% khách hàng của công ty là các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm, y tế, công trình công ích…
Ngoài một nhà máy sản xuất ở Sa Ðéc (Ðồng Tháp) có công suất 150 tấn sản phẩm/tháng, công ty đang trong giai đoạn hoàn thành việc xây dựng hai nhà máy ở quận Thủ Ðức - TPHCM (công suất 300 tấn sản phẩm/tháng) và ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (công suất 500 tấn sản phẩm/tháng).
Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) đã cấp bằng độc quyền sáng chế cho sản phẩm nhựa tự hủy và bao bì làm bằng nhựa tự hủy của Công ty Phúc Lê Gia. Hiện ông Lộc còn làm thủ tục xin cấp bảo hộ bằng độc quyền sáng chế và thương hiệu ở Mỹ cho bao bì tự hủy của công ty.
Tôi hỏi: "Bây giờ vợ con đã hết giận ông chưa?", ông Lộc cười như được mùa: "Và con tim đã vui trở lại...!". Chắc rằng ông đang vui rạng rỡ bởi bao cay đắng, nhọc nhằn đã lùi xa và quả ngọt đã vào mùa thu hái. Trước mắt người đàn ông sinh năm 1948 này là tiếp tục chuỗi ngày miệt mài nghiên cứu và cống hiến cho xã hội...