Gắn kết cộng đồng khoa học

Chủ nhật - 04/08/2013 22:27 - Đã xem: 1194
Sự kiện 5 nhà khoa học từng đoạt giải Nobel đến tham dự hội nghị “Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 9” tại TP.Quy Nhơn (Bình Định) từ ngày 28.7 đến 17.8 khẳng định mạnh mẽ uy tín và tâm huyết đối với đất nước của giới trí thức Việt kiều và tạo cơ hội nâng tầm khoa học Việt Nam.

Gắn kết cộng đồng khoa học

Giáo sư Roland Triay, TS Nguyễn Trọng Hiền, Giáo sư Trần Thanh Vân (từ trái sang) trao đổi bên lề hội nghị - Ảnh: Đào Tiến Đạt

Báo Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với  3 trong 5 nhà khoa học này. Đó là  Giáo sư Jack Steinberger, nhà khoa học người Mỹ gốc Đức đoạt giải Nobel Vật lý năm 1988 tại Trung tâm nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) ở Geneva (Thụy Sĩ) do phương pháp chùm neutrino và chứng minh của họ về cấu trúc bộ đôi (doublet) của các lepton thông qua phát minh neutrino muon; Giáo sư David Gross, nhà vật lý người Mỹ đoạt giải Nobel Vật lý năm 2004 cho khám phá hiện tượng tiệm cận tự do trong lý thuyết tương tác mạnh; Giáo sư George Fitzgerald Smooth III, nhà vật lý thiên văn và vũ trụ học, đoạt giải Nobel Vật lý năm 2006 cho những khám phá làm cho việc đo lường lỗ đen và bức xạ vũ trụ trở nên khả thi và chính xác hơn nhiều.

Gắn kết cộng đồng khoa học2 
GS Steinberger

Vì sao ông nhận lời tham dự Gặp gỡ Việt Nam (GGVN)? Điều gì gây cho ông nhiều xúc cảm nhất khi đến VN lần này?

GS Steinberger: GS Trần Thanh Vân là người bạn lâu năm mà tôi vô cùng quý trọng vì những đóng góp to lớn của ông cho lĩnh vực mà tôi nghiên cứu. GS Vân còn là người sáng lập và tổ chức rất thành công các sự kiện khoa học vô cùng hữu ích như “Gặp gỡ Moriond”, “Gặp gỡ Blois”, và GGVN. Tôi cũng rất trân trọng những nỗ lực của GS Vân nhằm vực dậy nền khoa học VN. Đó là lý do đầu tiên tôi nhận lời tham dự.

Lý do thứ hai tôi muốn đến VN là để xem đất nước các bạn đã phát triển như thế nào sau nhiều thập niên chịu thiệt thòi, trong đó có những hệ quả còn nặng nề do chính đất nước tôi gây ra. Tôi thực sự muốn nhìn thấy một VN phát triển trong chuyến thăm này.

GS Gross: Các đồng nghiệp thân thiết của tôi là GS Vân và GS Đàm Thanh Sơn đã có những nỗ lực tột bậc để sắp xếp chuyến đi này. Tôi đã đến nhiều nước Đông Nam Á nhưng đây là lần đầu sang VN.

Ngoài việc có cơ hội kiểm chứng về những gì đã nghe về một VN tươi đẹp, tôi nóng lòng được tham dự lễ khánh thành Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE), thăm các trường đại học VN và giao lưu với các đồng nghiệp tại đây.

Khoa học vốn không biên giới, và những sự kiện như thế này đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc gắn kết cộng đồng khoa học với nhau.

 
GS Gross

Việc 5 nhà khoa học Nobel nhận lời tham dự hội nghị (ban đầu có 7 người nhưng sau đó 2 người hủy vào giờ chót vì lý do cá nhân - PV) được coi là hết sức hãn hữu. Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của sự kiện này đối với VN?

GS Steinberger: Tôi mừng là có nhiều đồng nghiệp như tôi đứng ra ủng hộ những nỗ lực của GS Vân. Nhưng thành thật mà nói, tôi không phải là tín đồ của giải Nobel, bởi vì suy cho cùng giải thưởng này cũng chỉ là vô chừng mà thôi.

Quanh tôi, còn biết bao nhiêu đồng nghiệp khác xứng đáng hơn tôi hay các nhà Nobel khác rất nhiều mà cho đến giờ, họ vẫn chưa được công nhận.

Giới khoa học chúng tôi yêu thích công việc chúng tôi theo đuổi và không bao giờ đặt nặng giải thưởng.

GS Smooth III: Việc các nhà khoa học đoạt giải Nobel cùng những đồng nghiệp uy tín khác có mặt tại lễ khánh thành ICISE cho thấy cộng đồng các nhà khoa học quốc tế thực sự xem VN là một nhân tố mới đầy tiềm năng.

Tôi đồng ý con số nhà khoa học và thành tựu xứng đáng đoạt giải Nobel nhiều hơn số giải Nobel được phát ra. Khoa học cũng vậy, là sự biến đổi không ngừng; khoa học đã và đang phát triển hơn rất nhiều thời điểm cách đây 100 năm khi mà giải Nobel bắt đầu được trao. Khoa học không bao giờ cho phép những ai theo đuổi nó được phép dừng lại.

Ông sẽ mang đến và chia sẻ những tri thức gì đối với các đồng nghiệp quốc tế và VN?

Gắn kết cộng đồng khoa học3 
GS Smooth III

GS Smooth III: Theo kế hoạch, tôi sẽ đến nói chuyện tại ĐH Quốc gia Hà Nội và hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho các bạn sinh viên về khoa học và vũ trụ cũng như suy nghĩ nghiêm túc về sự nghiệp nghiên cứu sau này.

GS Steinberger: Mối quan tâm chính của tôi là làm sao giảm nhẹ những tác động của thiên tai và những mối nguy từ sự cạn kiệt của nhiên liệu hóa thạch. Tôi cũng sẽ nói  về những lợi ích từ việc giải giới vũ khí hạt nhân toàn cầu. Đó là những trăn trở và niềm tin khoa học mà tôi muốn chia sẻ với tất cả. Thế nhưng, tôi không trông đợi chỉ bằng những điều đó, mình có thể cứu rỗi thế giới này. Đó là một việc chẳng hề dễ dàng.

“Chẳng hề dễ dàng”, vì sao thưa ông?

GS Steinberger: Chẳng cần phải bàn cãi về tương lai của năng lượng và nguy cơ của chiến tranh hạt nhân là mối nguy nghiêm trọng đối với loài người. Cái tôi muốn nói chính là những thử thách đối với một nhà khoa học như tôi để tìm ra giải pháp cho những mối nguy đó. Có tìm được giải pháp hay không, điều đó hoàn toàn nằm trong tay của các chính trị gia. Là một công dân Mỹ, tôi thấy mình có trách nhiệm đối với các quyết định của nước mình ở nhiều nơi trên thế giới. Tất nhiên, những điều này không gây ảnh hưởng đến công việc của tôi. Thế nhưng, tôi cảm thấy mình bất lực trong việc thúc đẩy giải giới hạt nhân và tìm kiếm các nguồn năng lượng mới.

Gắn kết cộng đồng khoa học1

GS Trần Thanh Vân (giữa, hàng đầu) và các nhà khoa học tham dự hội thảo vật lý quốc tế - Ảnh: Đào Tiến Đạt

 

Hơn 200 nhà khoa học vật lý quốc tế đến vn

GGVN lần thứ 9 với một loạt các cuộc hội nghị khoa học và hội thảo, quy tụ hơn 180 nhà vật lý đến từ 29 nước và vùng lãnh thổ, cùng 30 nhà vật lý người VN. Giáo sư vật lý Trần Thanh Vân (Việt kiều Pháp) là người chủ trì hội nghị. Trong số hơn 200 nhà khoa học quốc tế dự GGVN lần này có 5 nhà khoa học từng đoạt giải Nobel. Ngoài 3 nhà khoa học đã kể, còn có GS Sheldon Lee Glashow (1936), là một nhà vật lý lý thuyết người Mỹ đoạt giải Nobel Vật lý năm 1979 vì những đóng góp cho thống nhất tương tác điện yếu và dự đoán về dòng trung hòa yếu; GS Klaus von Klitzing (1943) là nhà vật lý người Đức nổi tiếng về công trình phát hiện Hiệu ứng Hall lượng tử, đoạt giải Nobel năm 1985.

Tiêu điểm của hội nghị là việc khánh thành khu hội trường trong Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) ở P.Ghềnh Ráng, TP.Quy Nhơn, Bình Định vào ngày 12.8.

AN ĐIỀN - HOÀNG TRỌNG

An Điền (thực hiện

Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây