Internet: Lợi thật - Hại thật!

Thứ sáu - 18/04/2014 05:15 - Đã xem: 1157
Internet ra đời năm 1974 trong công nghệ quốc phòng Mỹ. Từ năm 1990 nó được phổ biến trong dân dụng. Năm 1991 Tim Berners-Lee phát minh ra WWW tức world wide web - mạng toàn cầu. Năm 1994 video đầu tiên được truyền trên Internet.

Dù năm 1985 đã có mạng không dây nhưng chỉ từ 1999 wi-fi mới trở nên phổ biến... Hiện nay có khoảng 35 triệu người Việt Nam sử dụng Internet. Cùng với sự phát triển ngành viễn thông, sự bùng nổ Internet là một “thành công ngoạn mục” nhất của Việt Nam 2 thập kỷ qua.

Nếu năm 1974 một sinh viên cần các thông tin dạng như trên anh ta sẽ phải mất hàng tuần hoặc hơn nữa để mò mẫm trong các thư viện. Thậm chí, sinh viên kém có thể không bao giờ tìm được nếu không có phương pháp ta cứu và ngoại ngữ. Hôm nay tôi chỉ cần 10 phút lướt Internet.

Nếu trước đây khoảng chục năm có một khảo sát bỏ túi viết rằng khoảng 40% GS và PGS của ta không biết gửi Email thì trong thảo luận cải cách giáo dục gần đây đã có ý kiến phải phổ cập tin học cho học sinh từ tiểu học trở đi bởi ở Ấn Độ người ta có dự án cung cấp cho mỗi học sinh một máy tính bảng giá rẻ (dưới 50USD/cái).

Khoảng 5 năm nay lại bùng nổ các thiết bị cầm tay kết hợp điện thoại thông minh với các dịch vụ - ứng dụng Internet bao gồm cả chụp - ghi - gửi hình cùng các tiện ích từ TV. Thay đổi cuộc sống chúng ta còn mạnh hơn nữa là các mạng xã hội. Các bloger có thể trở thành các đối thủ chính trị đáng ngại.

Blog dọa cạnh tranh với các nhà xuất bản và nhiều vị tiên đoán văn học sẽ bùng nổ, các thiên tài sẽ xuất hiện như nấm vì hết kiểm duyệt, áp chế. Facebook của Zuckenberg trở thành thú vui riêng và chung không thể thiếu của hàng tỉ người.

Vụ rò rỉ thông tin mật tình báo Snowden làm nghiêng ngả chính trường liệt cường. Vụ này chứng tỏ hệ tình báo Mỹ mỏng mảnh dễ vỡ thế nào (vì phụ thuộc vào máy tính và Internet) đồng thời mạnh đến thế nào để có thể nghe lén chính khách chóp bu hàng trăm nước và hàng triệu triệu công dân toàn cầu! Nghe nói TT Putin vì bảo mật đã quay lại các cách thức truyền tin cổ điển “tiền Internet”! Liên Hiệp Quốc phải ra nghị quyết về việc bảo vệ quyền riêng tư trên mạng.

An ninh mạng, chiến tranh mạng đã thành hiện thực bề bộn, tốn kém không thua xe tăng, tàu ngầm, tàu bay. Hàng vạn vụ gián điệp kinh tế bị tố cáo. Thiệt hại đo bằng hàng trăm tỉ đô! Thương mại điện tử là một kỳ tích Internet nhưng ở ta lại còn quá èo uột. Quản trị bằng mạng tin học giúp chống tham nhũng nhưng ở ta tham nhũng lại đồng hành cùng mạng!

Chính phủ thông minh, quản trị thông minh, điện thoại thông minh, căn hộ thông minh… Từ “thông minh” được dùng làm tính/trạng từ cho các danh từ gắn với CNTT và Internet. Có đúng là con người thông minh hơn nhờ mạng hay ngược lại họ đang ngu đần đi, thụ động ăn nhanh, ăn sẵn rồi ngộ độc, bội thực thông tin?

Thế giới với Internet trở nên hỗn loạn hơn hay ổn định hơn, rộng lớn hay chật hẹp hơn, tự do hơn hay nô lệ hơn, tươi đẹp hơn hay xấu xí hơn, cá nhân tôi hạnh phúc hay bất hạnh hơn, thông thái hơn hay trì độn hơn… đều còn là những câu hỏi bỏ ngỏ!

Thử ước lượng tỉ lệ thời gian “bạn làm gì” với Internet? Bức tranh có thể như sau: 1% để học và nghiên cứu. Với số ít người học tập và nghiên cứu nghiêm túc Internet là công cụ đắc lực nhưng nó lại làm cho nhiều người lười học ỷ vào kho dữ liệu có sẵn, nhiều kẻ thiếu nghiêm túc khi đưa bừa các thông tin ngụy tạo, kém chất lượng lên mạng và ngày nay đội ngũ các “học giả Internet” chỉ “tái lăn” thông tin mạng ngày càng đông đảo.

29% cho thương mại. Internet với doanh thu quảng cáo ngất trời và mua bán qua mạng quàng một cái thòng lọng thứ hai vào cổ bạn sau các siêu thị. 60% cho công nghệ giải trí đại chúng cào bằng toàn cầu: Chơi Games, xem phim, nghe nhạc, xem thể thao, cá độ… Mảng này nhiều thích thú nhất nhưng cũng “độc hại” nhất. Còn lại 10% là truyền thông, gửi Mail, vào mạng xã hội…

Ở đây bạn tự do nhất nhưng cũng sợ bị theo dõi nhất, phụ thuộc nhất. Bạn kết nối toàn cầu để trở nên cô độc hơn bao giờ hết vì muôn đời không thể tìm thấy một người tri kỷ trên “phây”. Phần đông mạng xã hội cũng như tám chuyện vỉa hè mà thôi. Muốn chân thực nhưng lại trở nên giả dối hơn là bi kịch của mảng này!

Nhân tứ tuần đại khánh của Internet cảm thán rằng: Internet lợi thật mà cũng hại thật. Và sẽ là “lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn” với ai không đủ bản lĩnh. Người qua đường hỏi rằng: Phải chăng thành công thương mại của Internet ở VN thực ra lại là một sự thất bại hay chí ít là một sự lãng phí?

Nguồn tin: Lao Động Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây