Y B’ Luât Kanh người con buôn làng đam mê chế tác nhạc cụ truyền thống
Thứ năm - 09/01/2014 03:38
- Đã xem: 997
Hiện nay, ở một số bon, buôn trên địa bàn huyện Cư Jút vẫn còn nhiều nghệ nhân giữ gìn được những bí quyết của nghề chế tác nhạc cụ Đinh Năm – Đinh Tuk, họ là những người đã và đang ngày đêm dốc hết tâm huyết cho việc bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống của người dân tộc Ê đê trên vùng đất Tây Nguyên. Nghệ nhân Y B’ Luât Kanh ở buôn Ea Pô - xã Tâm Thắng là một ví dụ điển hình.
Trong những ngày đầu tháng 1/2014 này, chúng tôi có dịp đến thăm nghệ nhân Y B’Luất Kanh ở Buôn Ea Pô xã Tâm Thắng. Vừa miệt mài bên những nguyên liệu để chế tạo nhạc cụ của mình, ông vừa kể cho chúng tôi nghe về chặng đường đưa ông đến với nghề chế tác Đinh Năm – Đinh Tuk. “Không như những đứa trẻ đồng trang lứa trong làng ham chơi đùa nghịch, ngay từ khi còn nhỏ cậu bé Y B’Luât Kanh đã tỏ ra là một người có niềm đam mê với các loại nhạc cụ và chỉ thích ngồi nghe những người cao tuổi trong buôn làng thổi Đinh Năm – Đinh Tuk. Những âm thanh trong trẻo lúc trầm lắng, lúc bay bổng như những bản tình ca núi rừng đã thực sự cuốn hút và ăn sâu vào trong tiềm thức của cậu đã thôi thúc nhen nhóm trong cậu ước mơ, lòng quyết tâm học bằng được cách chế tạo nhạc cụ của cha ông. Bằng sự cố gắng không ngừng nghỉ của bản thân, đến nay, cậu bé Y B’Luất Kanh đã trở thành một cái tên được nhiều người biết đến với tên gọi người nghệ nhân đam mê chế tác nhạc cụ Đinh Năm - Đinh Tuk điêu luyện của người dân tộc Ê Đê ở huyện Cư Jut”.
Có được chứng kiến tận mắt cảnh nghệ nhân Y B’Luất Kanh chế tác và thổi Đinh Năm – Đinh Tuk, chúng tôi mới thấu hiểu hết sự kỳ công , tỉ mỉ, kiên trì, sự tinh tế trong từng cử chỉ, thao tác để cho ra đời những âm thanh kỳ diệu đó, đặc biệt là đối với một con người lớn tuổi tật nguyền như ông thì đó là cả một sự cố gắng phi thường. Chỉ bằng những nguyên liệu đơn giản tưởng chừng như thô sơ là một quả bầu khô, ống nứa, tre, sáp ong và một chiếc rìu nhỏ nhưng dưới đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân Y B’ Luât Kanh nó đã trở thành những chiếc nhạc cụ Đinh Năm – Đinh Tuk tinh xảo với những âm thanh kỳ bí làm say đắm lòng người. Theo ông Y Minh H’Đơk - Buôn trưởng Buôn Ea Pô xã Tâm Thắng cho biết: “Đối với những người con của Buôn làng Tây Nguyên thì Đinh Năm – Đinh Tuk là hai loại nhạc cụ được dùng chủ yếu trong các dịp lễ hội lớn như: Lúa mới, cưới hỏi …và thời gian để chế tác một loại nhạc cụ cũng không nhiều. Đối với Đinh Năm là một tuần còn Đinh Tuk thì chi mất từ 2 – 3 tiếng. Hiện nay ở một số Bon, Buôn trên địa bàn xã Tâm Thắng vẫn còn một số nghệ nhân còn lưu giữ được một vài bí quyết để chế tác hai loại nhạc cụ này; tuy nhiên, để có thể thổi, sử dụng thành thạo và chế tác ra được một cách thành thục thì nghệ nhân Y B ‘Luât Kanh là một điển hình”.
Có thể nói, một thực tế hiện nay cho thấy: do rất nhiều nguyên nhân nên những bản sắc văn hóa truyền thống riêng biệt của người ĐBDTTS tại chỗ đang ngày càng có nguy cơ mai một dần, đặc biệt là trong giới trẻ ngày nay. Chính vì vậy, việc gìn giữ nghề chế tác nhạc cụ Đinh Năm – Đinh Tuk của nghệ nhân Y B ‘ Luât Kanh ở Buôn Ea Pô xã Tâm Thắng đã có ý nghĩa rất thiết thực, không những góp phần bảo lưu một kho tàng gía trị văn hóa truyển thống tinh thần của cha ông mà còn góp phần truyền dạy lại cho thế hệ sau kế thừa và phát huy./. Thanh Thủy - Hương Thơm
Nguồn tin: Đài TT-TH huyện Cư Jút