Ngày 9/1, Ban chỉ đạo 197 (UBND thành phố Hà Nội) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và triển khai chương trình công tác năm 2014. Theo báo cáo tại Hội nghị, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, đảm bảo trật tự an toàn xã hội đã đạt được nhiều kết quả đáng chú ý.
Tội phạm ngân hàng đều có “tay trong”
Theo Ban chỉ đạo 197 (BCĐ 197), trong năm 2013, tội phạm về kinh tế, tham nhũng giảm so với năm 2012. Cơ quan điều tra đã khởi tố 284 vụ (414 đối tượng) phạm tội về kinh tế, chức vụ; thu hồi cho ngân sách nhà nước, cơ quan, người bị hại hơn 365 tỷ đồng; phát hiện, điều tra 46 vụ, 122 đối tượng phạm các tội về tham nhũng.
Theo nhận định của BCĐ 197, tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng gây thiệt hại lớn về tài sản. Hầu hết các vụ án trong lĩnh vực ngân hàng đều có sự tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp của các cán bộ ngân hàng, với thủ đoạn lợi dụng sự buông lỏng quản lý, giám sát của ngân hàng để thông đồng, lập khống hợp đồng, hồ sơ tín đụng để rút tiền.
Siêu lừa Huyền Như hầu tòa.
Tình hình kinh tế khó khăn và ảnh hưởng của việc thắt chặt tín dụng, nhiều doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh lâm vào tình trạng khó khăn thua lỗ, phá sản… là nguyên nhân làm cho tội phạm lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, chứng khoán, đầu tư, xây dựng cơ bản, bất động sản… gia tăng.
Tội phạm tham nhũng xảy ra ở nhiều lĩnh vực: quản lý tài sản công, đầu tư công, quản lý, sử dụng đất đai, ngân hàng, đầu tư xây dựng cơ bản. Tội phạm tham nhũng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng nổi lên là tham ô, lạm quyền trong khi thi hành công vụ; cấp, bán, giao thầu cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích.
Đáng chú ý, một số vụ tham nhũng trong lĩnh vực y tế (vụ “nhân bản” phiếu xét nghiệm ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức; vụ lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ để vụ lợi ở Bệnh viện Nội tiết Trung ương…) ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với cơ quan nhà nước.
Hoạt động buôn lậu, trốn thuế, buôn bán, vận chuyển hàng cấm và gian lận thương mại ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh trong nước. Nổi lên trong hoạt động buôn lậu là tình trạng lợi dụng chính sách của nhà nước về miễn thuế nhập khẩu, xuất khẩu đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất; chính sách ưu đãi của nhà nước đối với Việt kiều hồi hương và chính sách cho phép các hộ kinh doanh, cá nhân sinh sống tại đường biên giới được mua hàng hóa từ nước ngoài và xuất hóa đơn tài chính… để buôn lậu ô tô, xe điện, xe đạp điện, hàng điện tử cao cấp.
Mại dâm ngày càng công khai
Trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm hình sự, cơ quan công an phát hiện 6.294 vụ phạm pháp hình sự, trong đó có 230 vụ trọng án. Cơ quan điều tra đã khám phá 4.881 vụ phạm pháp hình sự, bắt 98.47 đối tượng. Trong đó, khám phá 218 vụ trọng án, bắt 421 đối tượng. Triệt phá 1.313 ổ nhóm hình sự lưu manh, chuyên nghiệp, bắt giữ 3.917 đối tượng.
Nhận định của cơ quan côn an cho thấy, tình hình tội phạm vẫn còn diễn biến phức tạp. Các vụ vướp, cướp giật tài sản xảy ra chủ yếu ở các khu vực ngoại thành. Các đối tượng thường hoạt động phạm tội vào ban đêm, ở các tuyến giao thông, khu vực công cộng, địa bàn giáp danh, khu vực ít người; sử dụng dao, gậy… bất ngờ tấn công nạn nhân để cướp, cướp giật tài sản.
Hoạt động mại dâm ngày càng công khai. (Ảnh minh họa)
Hoạt động của các ổ nhóm tội phạm không công khai, lộng hành nhưng tiềm ẩn dấu hiệu phức tạp, nhất là hoạt động của các ổ nhóm tội phạm dưới dạng bảo kê, siết nợ thuê, cho vay nặng lãi, tổ chức các hoạt động tệ nạn xã hội.
Tội phạm sử dụng công nghệ cao nổi lên là tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua các hoạt động kinh doanh đa cấp trên mạng internet; đánh cắp dữ liệu rồi làm thẻ giả mạo, sau đó rút tiền tại ATM hoặc thanh toán mua hàng tại các đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ; xâm nhập hệ thống thông tin của các cơ quan, tổ chức, nhắn tin gây hoang mang dư luận, gây mất đoàn kết nội bộ, mất uy tín các tổ chức, cá nhân; tổ chức cờ bạc, mại dâm, buôn bán, kinh doanh trái phép; xâm nhập vào website của các công ty lớn, các đơn vụ kinh doanh trò chơi trực tuyến, tạo website giả, thay đổi đường link để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Hoạt động của gái mại dâm có xu hướng công khai hơn, xuất hiện hình thức môi giới mại dâm núp dưới hình thức công ty tổ chức sự kiện hay sử dụng các trang mạng xã hội để thông tin, quảng bá gái mại dâm với đầy đủ hình ảnh, giá tiền, số điện thoại, mật khẩu để tiếp cận… gây khó khăn cho công tác phòng ngừa.
Gia tăng hoạt động mại dâm sử dụng khoa học kỹ thuật để giao dịch mua bán dâm như qua điện thoại di động, mạng internet, mạng xã hội facebook, Zalo… Loại hình mại dâm trá hình dưới hình thức tẩm quất, mát-xa, cà phê vườn, cắt tóc gội đầu… đang có chiều hướng phát triển ở các địa bàn giáp danh, các huyện ngoại thành và các vùng đang được đô thị hóa như Hà Đông, Quốc Oai, Sóc Sơn, Gia Lâm, Đông Anh…
Tiến Nguyên
Nguồn tin: Báo điện tử Dân Trí
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...