Xử bầu Kiên: Đề nghị khởi tố vụ án thiếu trách nhiệm

Chủ nhật - 01/06/2014 23:32 - Đã xem: 1014
Theo các luật sư, việc bầu Kiên bị khởi tố tội “Cố ý làm trái” một phần do Ngân hàng Nhà nước thiếu trách nhiệm

Ngày 28-5, phiên xét xử Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Chủ tịch Hội đồng Đầu tư ACB) và đồng phạm bước qua ngày thứ tám với phần tranh tụng tại tòa.

Ngân hàng Nhà nước chậm ban hành hướng dẫn luật

Liên quan đến cáo buộc bầu Kiên cùng đồng phạm ra chủ trương ủy thác cho 19 nhân viên Ngân hàng (NH) TMCP Á Châu (ACB) gửi 718 tỉ đồng ở NH TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) để Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt, luật sư Hoàng Đôn Hùng cho rằng với tư cách là cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý các NH, NH Nhà nước (NN) đã chậm ban hành hướng dẫn luật; Thanh tra NHNN đã không can thiệp, không ngăn chặn, xử lý kịp thời các cá nhân có hành vi ủy thác gửi tiền. Nếu quy kết các bị cáo tội “Cố ý làm trái” thì hàng loạt NH phải ngừng hoạt động để chờ thêm 2 năm NHNN mới ra hướng dẫn việc thực hiện ủy thác theo Luật Các tổ chức tín dụng. Luật sư Hùng kiến nghị HĐXX xem xét khởi tố vụ án thiếu trách nhiệm tại NHNN, Cơ quan Thanh tra Giám sát NH để làm rõ và xử lý hành vi có dấu hiệu thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của từng cá nhân có liên quan.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên tại phiên tòa ngày 28-5. (Ảnh chụp qua màn hình)
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên tại phiên tòa ngày 28-5. (Ảnh chụp qua màn hình)

Dẫn chứng việc này, luật sư Hùng đề nghị làm rõ giá trị pháp lý của Công văn 350/NHNN-TTGSNH ký ngày 17-5-2012 của NHNN vì đây là tài liệu quan trọng trả lời CQĐT về hành vi cố ý làm trái. Nội dung công văn trả lời: ACB được thực hiện nghiệp vụ ủy thác nhưng việc ủy thác cho cá nhân khi chưa có hướng dẫn của NHNN là vi phạm Điều 106 Luật Các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, điều 106 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định: NH thương mại được quyền ủy thác, nhận ủy thác, đại lý ủy thác trong các lĩnh vực liên quan đến hoạt động NH, kinh doanh bảo hiểm, quản lý tài sản theo quy định của NHNN. Với nội dung này, ACB không vi phạm.

Luật sư Hùng dẫn lại lời của đại diện NHNN cho rằng Công văn 350 chỉ có tính tham khảo. Nếu vậy, việc dựa vào công văn này để kết tội bị cáo Kiên thể hiện sự lúng túng của cơ quan công tố vì không biết ACB vi phạm quy định nào trong pháp luật. Luật sư Hùng đề nghị NHNN cần có văn bản trả lời rõ vấn đề này.

Chung quan điểm, luật sư Nguyễn Minh Tâm bổ sung: “Nếu Công văn 350 giải thích luật thì thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chứ không thuộc NHNN”.

CQĐT, VKSND lúng túng trong quyết định

Nói về phần luận tội của VKSND, luật sư Nguyễn Minh Tâm cho rằng có những tình tiết mới đã xuất hiện so với hồ sơ, được xem xét công khai nhưng đại diện VKSND không đề cập. Cụ thể, vụ án Nguyễn Đức Kiên xảy ra trong giai đoạn mang tính chất phức tạp vì gắn liền với lĩnh vực tài chính, tiền tệ, hoạt động đầu tư cổ phiếu; hoạt động có liên quan tới thị trường vàng, chứng khoán… trong khi luật còn nhiều khiếm khuyết. Vì vậy, CQĐT, VKSND đã lúng túng trong việc ứng xử, quyết định.

Luật sư Nguyễn Minh Tâm lý luận: “Ngay cả các cơ quan chuyên môn lĩnh vực tài chính tiền tệ như NHNN Việt Nam, khi trả lời về thị trường vàng, vàng vật chất, đầu tư giá trị vàng… cũng không phân biệt được các khái niệm ấy thì làm sao buộc bị cáo hiểu biết để hành xử cho đúng? Cho nên cáo trạng này nói không có tội, cáo trạng khác lại nói có tội”.

Luật sư Lưu Văn Tám bào chữa cho bị cáo Lý Xuân Hải và Huỳnh Quang Tuấn cũng cho rằng VKSND chỉ tập trung vào chứng cứ buộc tội chứ chưa đề cập, xem xét đến các chứng cứ mới có tính chất giảm tội trong phần xét hỏi.

Căn cứ nào truy tố bị cáo?

Theo luật sư Nguyễn Minh Tâm, trong việc ủy thác cho 19 nhân viên ACB gửi tiền, hành vi cố ý làm trái nếu có thì không thể tách rời với việc xác định thiệt hại tại VietinBank. Kết quả bản án sơ thẩm vụ Huỳnh Thị Huyền Như tuyên xử ACB bị hại 718 tỉ đồng nhưng ACB kháng cáo cho rằng không phải là bị hại trong vụ án của Huyền Như cũng như vụ án này. “Khoản tiền 718 tỉ đồng không phải thiệt hại do hành vi cố ý làm trái gây ra. VKSND nói không xem xét hậu quả, nếu không chứng minh được hậu quả thì căn cứ vào đâu để kết luận các bị cáo cố ý làm trái? Nhân viên ACB đã gửi tiền hợp pháp vào VietinBank. Việc mất tiền là do Huyền Như lừa nhân viên, lãnh đạo của mình. Tiền Huyền Như chiếm đoạt là từ “túi” VietinBank chứ không phải của ACB” - luật sư Tâm lập luận.

 

Bài và ảnh: Nguyễn Quyết
 

Chúng ta nhận thấy trong những năm qua Ngân hàng Nhà nước cho phép thành lập các ngân hàng thương mại quá dễ dãi, trong cả nước hàng loạt các ngân hàng thương mại mới ra đời tranh nhau tự quy định lãi suất cho riêng mình, bất chấp các quy định ràng buộc của Ngân hàng Nhà nước để huy động vốn cho ngân hàng mình, làm cho khách hàng không biết nên giao dịch với ngân hàng nào. Khách hàng thấy ngân hàng kia có huy động lãi suất cao hơn vội vàng rút tiền chuyển từ ngân hàng này đến ngân hàng kia, làm cho thị trường tiền tệ bị rối lọan. Đồng thời việc cho vay không đảm bảo thế chấp, không có phương án kinh doanh hiệu quả, lãi suất vay quá cao, doanh nghiệp kinh doanh bị thua lỗ. Chính vì vậy đã để lại hệ lụy quá nhiều nợ xấu trên 200 ngàn tỉ đồng không thể nào giải quyết dứt điểm được. Do vậy cũng phải cần xem xét việc thiếu trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước là cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước đã chậm ban hành hướng dẫn luật; Thanh tra NHNN đã không can thiệp, không ngăn chặn, xử lý kịp thời các cá nhân có hành vi ủy thác gửi tiền, nếu ngăn chặn từ ban đầu có lẽ không gây ra hậu quả xấu như ngày hôm nay.

MINH TRÍ

 

Nguồn tin: Người Lao Động

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

emc
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây