Khi trị bệnh cao huyết áp

Thứ năm - 13/06/2013 09:47 - Đã xem: 1049
Có nhiều lý do làm bệnh cao huyết áp trở nặng dù bệnh nhân vẫn tuân thủ y lệnh
Mặc cho ngành y tranh thủ báo cáo về tiến bộ nhảy vọt trong kỹ thuật chẩn đoán và phương tiện điều trị, bệnh tim mạch vẫn tiếp tục đứng đầu trên bảng tử vong. Tình trạng đó sở dĩ đang và sẽ tiếp tục tồn tại phần lớn là vì bệnh cao huyết áp hoặc không được phát hiện đúng lúc hoặc tuy đã được chẩn đoán nhưng không được điều trị đúng bài bản.
 
Kiểm tra huyết áp để điều trị bệnh tim mạch
Ảnh: NGỌC DUNG

Đáng tiếc là không ít bệnh nhân tuy tuân thủ y lệnh nhưng huyết áp vẫn ngoài vòng kiểm soát do thuốc bị giảm tác dụng vì những lý do sau đây:

- Bệnh nhân tự ý giảm liều hay thậm chí ngưng vài loại thuốc khi huyết áp ổn định mà không ngờ là huyết áp rất dễ đột biến khi thiếu thuốc.

- Vì phản ứng cũng như thể trạng cá biệt của mỗi bệnh nhân nên thầy thuốc khó giữ nguyên liều lượng thuốc hạ áp trong suốt liệu trình. Việc dùng thuốc hạ áp theo kiểu năm này qua tháng khác cứ thế mà mua thuốc tiếp là sai lầm nghiêm trọng.

- Phác đồ điều trị không thể chỉ đơn phương với thuốc hạ áp mà phải được kết hợp với thuốc lợi tiểu, hạ mỡ máu, chống co thắt, giữ máu loãng, an thần… tùy mỗi trường hợp cá biệt. Bệnh nhân vì thế cần được theo dõi qua một số tiêu chí tối thiểu như ion đồ để bổ sung các chất điện giải dễ thất thoát khi dùng thuốc lợi tiểu, chức năng gan để phát hiện phản ứng phụ, sợi huyết để đánh giá độ nhớt của máu… Điều trị cao huyết áp mà thiếu theo dõi xét nghiệm huyết học, sinh hóa, điện ký… chính là một trong các lý do khiến trở tay không kịp với biến chứng.

- Khéo hơn nữa nếu thầy thuốc biết cách kết hợp với dược thảo để vừa giảm lượng thuốc hóa chất vừa giới hạn phản ứng phụ của thuốc hóa chất. Nhưng dù dưới dạng nào cũng thế, phác đồ điều trị chỉ được xem là hiệu quả khi tác dụng được xác minh qua tiêu chí thực nghiệm khách quan. Đừng trị cao huyết áp theo “phương thuốc gia truyền” hay lời đồn vô căn cứ.

- Áp dụng các phương pháp không dùng thuốc như châm cứu, dưỡng sinh, thiền định… là điều nên làm, nếu thực hiện đúng bài bản, nhưng chỉ là nhân tố đi kèm trong phác đồ điều trị, nghĩa là không thể thay thế thuốc đặc hiệu.

- Lạm dụng thuốc canxi có thể làm mất tác dụng của một số thuốc hạ áp, nhất là thuốc thuộc nhóm chẹn beta. Bệnh nhân vì thế không nên uống thuốc hạ áp cùng lúc với sữa. Cũng đừng tự ý dùng thuốc canxi liều cao vì sợ loãng xương mà không hội ý với thầy thuốc.

- Nước ép trái cây, đặc biệt là nước ép bưởi, nếu dùng gần giờ uống thuốc cũng là lý do khiến nhiều loại thuốc hạ áp hoặc khởi động tác dụng chậm hơn, hoặc mất tác dụng nhanh hơn khiến huyết áp dễ dao động.

- Không thuốc nào có thể triển khai tác dụng như mong muốn nếu thiếu nước. Người dùng thuốc hạ áp vì thế đừng quên chất phụ gia tối quan trọng của thuốc, đó là uống nước cho đủ trong ngày, thay vì chỉ lo uống thuốc.
 

Hiểu bệnh và đừng né tránh

Có một điều chắc chắn cao huyết áp nhiêu khê không vì bệnh khó chữa mà lắm khi chỉ vì thầy thuốc chưa huy động được sự cộng tác của người bệnh và thân nhân. Muốn được như vậy, biện pháp cơ bản chính là làm sao để mọi người hiểu rõ hơn về căn bệnh này, hiểu để đừng sợ, biết để đừng tránh né. Vì thế cần “đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng” - đọc những bài về y khoa trên báo, tạp chí… vì tri thức y học nhiều khi quan trọng hơn viên thuốc.

BS LƯƠNG LỄ HOÀNG (Trung tâm Điều trị Ôxy cao áp, TP HCM)

Nguồn tin: Người Lao Động

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây