Học bổng chính phủ là gì ?
Đây là những học bổng do các chính phủ tài trợ ngân sách nhằm hỗ trợ các ứng viên đủ điều kiện đi du học.
Học bổng bao gồm 2 loại: Nội địa là học bổng do chính phủ nước sở tại cung cấp cho công dân nước mình. Ở Việt Nam, học bổng chính phủ bao gồm học bổng 322, 911 (Cục Đào tạo nước ngoài, Bộ GD-ĐT quản lý), học bổng 165 (Ban Tổ chức T.Ư Đảng). Các học bổng này thường được cấp cho các cán bộ nhà nước, giảng viên ĐH và gần đây mở rộng cho cả sinh viên. Học bổng chính phủ nước ngoài do chính phủ các nước cung cấp cho Việt Nam thông qua hợp tác song phương. Ở Việt Nam, nổi tiếng nhất là học bổng Fulbright (của Mỹ), Chevening (Anh), BTC (Bỉ), Eramus Mundus (Liên minh Châu Âu), ADS, Endeavour, ALA (Úc)…
|
Một trong những đặc tính quan trọng nhất của học bổng chính phủ là sự giới hạn về địa lý đối với ứng viên dự tuyển, chỉ áp dụng cho một nhóm đối tượng ở một khu vực địa lý nhất định. Ví dụ học bổng Fulbright dành cho Việt Nam thì chỉ công dân Việt Nam mới được nộp hồ sơ. Như vậy, nếu so với học bổng của các trường ĐH thì tính cạnh tranh của học bổng chính phủ không cao bằng. Nếu bạn nộp hồ sơ vào ĐH Harvard chẳng hạn thì bạn phải cạnh tranh với hàng vạn hồ sơ khác từ các nước khác nhau. Trong khi đó, nếu bạn nộp hồ sơ theo học bổng chính phủ, bạn sẽ chỉ phải cạnh tranh với các cá nhân ở Việt Nam mà thôi. Nói như vậy không có nghĩa là học bổng chính phủ không cạnh tranh, bởi thực tế với số lượng có hạn thì học bổng chính phủ danh giá có sự cạnh tranh cũng rất cao.
Một sự khác biệt rất quan trọng nữa của học bổng chính phủ là những ràng buộc kèm theo, phổ biến nhất là điều kiện “học xong phải quay về nước”.
Đa phần các học bổng chính phủ sẽ trang trải các chi phí sau: Toàn bộ tiền học phí, bảo hiểm, vé máy bay khứ hồi, chi phí thị thực (không phải tất cả học bổng đều hỗ trợ), bảo hiểm y tế, trợ cấp sinh hoạt hằng tháng. Học bổng chính phủ không trang trải chi phí cho người đi kèm như vợ hoặc con.
Các đối tượng tuyển chọn
Đối tượng chính của học bổng chính phủ Việt Nam là công chức, viên chức nhà nước, giảng viên ĐH. Các học bổng của chính phủ nước ngoài thường không giới hạn đối tượng mà còn khuyến khích các đối tượng vùng sâu, vùng xa, có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật… Có học bổng ưu tiên cho khối nhà nước như học bổng ADS của chính phủ Úc, có học bổng không ưu tiên đối tượng nào cả. Nếu có một ước mơ cháy bỏng là đi du học mà điều kiện tài chính của gia đình có hạn thì học bổng chính phủ là một lựa chọn phù hợp giúp bạn thực hiện ước mơ du học của mình.
Các yêu cầu nhận và địa chỉ học bổng
Mỗi học bổng đều có những quy định khác nhau, nhưng tựu trung lại thì có mấy yêu cầu sau:
Bảng điểm: Một số học bổng yêu cầu phải có điểm tổng kết ở một mức nhất định, chỉ khi cao hơn mức đó bạn mới được nộp hồ sơ. Điểm tổng kết yêu cầu đa phần phải cao hơn 7 do vậy, nếu bạn có dự định xin học bổng chính phủ, hãy đầu tư cho việc học tập của bạn ngay từ bây giờ.
Bằng tốt nghiệp đại học: Đối với những học bổng yêu cầu đã tốt nghiệp đại học.
Giấy chứng nhận công việc: Nếu cần chứng minh bạn làm cho các đơn vị nhà nước.
Số năm kinh nghiệm đi làm: Fulbright tính số năm đi làm từ ngày ghi trên bằng tốt nghiệp chứ không phải là ngày bạn bắt đầu đi làm bán thời gian.
Điểm tiếng Anh: Hầu hết các học bổng đòi hỏi điểm tiếng Anh đầu vào cho ứng viên. Điểm số tối thiểu với TOEFL iBT phải là 70/120 và 6/9 cho IELTS. Đây không phải là con số chính xác, mỗi học bổng có mức khác nhau. Tiếng Anh luôn là một rào cản lớn cho các bạn khi tìm học bổng do vậy nếu bạn có ước mơ du học, hãy đầu tư học tiếng Anh sớm nhất có thể.
Nếu có một ước mơ du học thì chả bao giờ là quá sớm để tìm hiểu về học bổng chính phủ mà bạn muốn nhắm tới. Do vậy, lời khuyên là hãy bắt đầu tìm hiểu ngay khi bạn có dự định đi du học. Sự tìm hiểu càng sớm càng giúp bạn có sự chuẩn bị chu đáo và cẩn trọng nhất.
Hiện nay ở Việt Nam có rất nhiều học bổng chính phủ, bạn có thể vào đây để tham khảo một số học bổng.
Cần chuẩn bị gì cho bộ hồ sơ ? Sau khi đáp ứng những điều kiện ứng tuyển kể trên, ứng viên cần phải chuẩn bị một bộ hồ sơ để nộp theo yêu cầu của từng học bổng. Đây là những yêu cầu phổ biến nhất của một bộ hồ sơ: - Điền mẫu đơn (form) học bổng: Thường khá đơn giản, chỉ cần khai thông tin cá nhân, học vấn, các thông tin khác. - Sơ yếu lý lịch (Curriculum Vitae): Nên viết ngắn gọn làm nổi bật quá trình công việc và thành tích học tập, hoạt động xã hội. - Thư giới thiệu: Điều này nhằm mục đích cho ban tuyển chọn hiểu rõ hơn về bạn, do vậy người viết thư giới thiệu quan trọng nhất phải là người gần gũi và hiểu bạn nhất. Họ phải là người có thể làm nổi bật những điểm mạnh của bạn và chứng minh cho ban tuyển chọn thấy bạn là người xứng đáng được trao học bổng. Nếu xin 3 thư thì cân nhắc 3 đối tượng sau: (1) giảng viên ĐH của bạn, có thể là trưởng khoa nếu người đó có trực tiếp dạy bạn; (2) đồng nghiệp hoặc lãnh đạo ở cơ quan; (3) một người bạn hay quen biết ngoài xã hội có tiếng tăm một chút thì tốt. Bạn nên trao đổi với người đồng ý viết thư giới thiệu cho mình xem họ thích thế nào, nhưng tốt nhất bạn nên dự thảo trước và đưa cho họ xem, sửa và ký. - Bài luận về bản thân (Personal Statement): Giống như bạn kể một câu chuyện về bản thân mình theo trình tự thời gian, trong đó bạn giống như một nhân vật chính, các tình tiết xảy ra trong cốt truyện, các nhân vật phụ giúp bạn nổi bật nên. - Mục tiêu học tập (Study Objective): Mục đích chính của bài luận này là nói đến mục tiêu học tập của bạn khi được trao học bổng. Mà đã là mục tiêu thì phải rõ ràng, cụ thể, đo lường được. Bạn có thể trình bày công trình nghiên cứu mà bạn dự định triển khai khi được học bổng. Tất nhiên đây chỉ là một bản trình bày ngắn gọn cho những người cho dù không có chuyên môn về lĩnh vực đấy cũng hiểu được, chứ không phải như cái đề cương nghiên cứu chi tiết. - Đề cương nghiên cứu (Research Proposal): Thường phổ biến hơn với các bạn theo học thạc sĩ nghiên cứu hoặc tiến sĩ. - Thư chấp nhận nhập học (Admission Letter): Ở một số học bổng chính phủ nước ngoài, một yêu cầu cần có nữa trong bộ hồ sơ xin học bổng là phải có thư chấp nhận học của trường mà bạn dự định học. Đây là lá thư mà trường bạn dự định học cung cấp cho bạn chứng minh rằng bạn đã được trường chấp nhận bạn trở thành sinh viên. Để xin được thư này, bạn phải liên hệ trực tiếp với các trường và phải nộp một bộ hồ sơ xin học vào trường đó. Bộ hồ sơ xin học này cũng gồm các giấy tờ khá giống như bộ hồ sơ xin học bổng chính phủ. - Các văn bằng, chứng chỉ, bảng điểm: Bạn chỉ nộp bản sao có công chứng của bản gốc thôi. Với tài liệu mà bằng tiếng Việt thì bạn cần mang đem dịch ra tiếng Anh rồi công chứng. |
Trần Ngọc Thịnh
Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...