Lo lắng vì được... đánh giá
Bộ tiêu chuẩn đánh giá mới yêu cầu nghiêm ngặt về sĩ số học sinh (HS) và cơ sở vật chất. Đây là 2 tiêu chí mà ngay các trường đã được chứng nhận chất lượng giáo dục cũng chưa đạt.
Giai đoạn 2008 - 2012, khi Bộ GD-ĐT triển khai công tác kiểm định chất lượng giáo dục các trường phổ thông, TP.HCM đã có 9 trường được cấp giấy chứng nhận.
|
Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền có điểm tuyển sinh hằng năm vào lớp 10 cao nhất thành phố, nằm trong số gần 10 trường THPT được đầu tư về cơ sở vật chất với khuôn viên khá đồ sộ, khu thể dục thể thao đa năng đầy đủ thiết bị luyện tập. Dù đã được chứng nhận chất lượng giáo dục đạt tiêu chuẩn cấp độ 3 (cấp độ cao nhất) trong giai đoạn vừa qua, nhưng đến nay lãnh đạo trường cũng hết sức lo lắng nếu áp dụng bộ chuẩn mới. Bà Hồ Cam Thanh, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: “Năm học vừa qua, do có 39 HS cùng điểm chuẩn tuyển sinh vào trường nên chúng tôi phải thực hiện tiếp nhận hết số lượng này. Vì vậy, chỉ tiêu năm vừa rồi vượt nên một số lớp không còn đảm bảo đúng quy định về sĩ số của trường trung học là 45 HS/lớp theo quy định”.
|
Quận Gò Vấp có 4 trường THCS: Nguyễn Văn Trỗi, Phan Tây Hồ, Thông Tây Hội, Nguyễn Văn Nghi được chứng nhận đạt kiểm định chất lượng. Trong đó chỉ có Trường Phan Tây Hồ đạt tiêu chí về tổng diện tích mặt bằng của nhà trường tính theo đầu HS (ít nhất 6 m2/HS trở lên). Riêng tiêu chí sĩ số thì không trường nào thỏa mãn được. Ông Trần Phú Thảo, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, nhìn nhận: “Đúng là 2 tiêu chí về sĩ số và diện tích làm cho các trường gặp khó khăn trong công tác kiểm định. Gò Vấp là một trong những quận dân số đông, còn thiếu thốn về trường lớp nên sĩ số 50 HS/lớp là chuyện bình thường”.
Theo kế hoạch trong năm 2013, Sở GD-ĐT TP sẽ thực hiện đánh giá ngoài ở 91 trường từ mầm non cho đến THPT. Có tên trong danh sách trường được đánh giá, bà Nguyễn Thị Kim Ân, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Bình Trọng (Q.5), lo lắng: “Căn cứ vào thực tế và áp vào bộ chuẩn, trường có thể bị mất điểm ở tiêu chí sĩ số và diện tích tính theo số lượng HS”.
Ông Nguyễn Văn Vượng, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Q.Tân Bình), cho rằng: “Hai tiêu chí trên đều là những yếu tố cần thiết trong việc nâng cao chất lượng giáo dục nhằm dạy và học theo hướng cá thể hóa. Tuy nhiên, hiện nay thành phố còn gần 50% số trường học được xây dựng cách đây hơn 40 năm, diện tích khá nhỏ, không còn phù hợp với quy mô hiện nay. Trong đó có những trường hằng năm gặp áp lực tuyển sinh rất lớn. Vì vậy những tiêu chí này lại trở thành một nghịch lý”.
|
Cách xa thực tế
Ông Nguyễn Văn Vượng thông tin: “Hiện nhà trường có 2.100 HS, để thỏa mãn tiêu chí về cơ sở vật chất thì trường phải có tổng diện tích mặt bằng hơn 12.000 m2. Trong khi đó, trên thực tế trường chỉ có khoảng 9.000 m2, bãi tập không có, sân chơi nhỏ hẹp... Hằng năm để phục vụ yêu cầu thể dục thể thao trong chương trình, nhà trường ký hợp đồng với trung tâm bơi lội, trung tâm thể dục thể thao của quận. Thế nhưng, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế”.
Ông Trần Phú Thảo, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (Q.Gò Vấp), băn khoăn: “Trường nào càng có tiếng về chất lượng thì càng đông HS muốn vào học. Nên để đảm bảo chất lượng chỉ còn cách phải giải tỏa áp lực sĩ số, xây dựng trường mới hoặc mở rộng cơ sở vật chất trường cũ”.
Hiệu trưởng các trường đều khẳng định mục đích của việc kiểm định là ưu việt, nhằm giúp các cơ sở giáo dục xác định mức độ đáp ứng mục tiêu, cải tiến chất lượng… Thế nhưng trên thực tế, đâu phải trường nào muốn cũng được mở rộng hay quận nào muốn xây thêm trường là có ngay.
Thống kê hiện nay, thành phố vẫn tồn tại hàng chục dự án trường học “trên giấy” vì chưa có đất, khó khăn về ngân sách… dù HS phải học trong những ngôi trường xập xệ, không sân chơi. Chính vì lý do này mà nguyên Trưởng phòng Giáo dục Q.Tân Bình cho rằng: “Chỉ lo việc kiểm định chất lượng có khi chỉ mang tính hình thức. Việc làm này có thể sẽ đi vào ngõ cụt tương tự với việc công nhận trường chuẩn quốc gia. Có trường được công nhận chuẩn nhưng nợ tiêu chí sĩ số hay có trường vừa đạt danh hiệu năm trước năm sau phải tự phá chuẩn vì áp lực về sĩ số”.
Ý kiến Phải xây dựng trường mới “Ở Q.Tân Phú, mỗi năm, cứ mỗi bậc học có ít nhất một trường mới được đưa vào sử dụng nhưng vẫn không đủ đáp ứng so với tốc độ phát triển dân số. Hiện nay, bậc tiểu học trung bình là 40 HS/lớp, những lớp bán trú có khi lên tới 45 HS/lớp. Mà muốn đưa về sĩ số chuẩn thì chỉ còn cách tăng cường xây dựng trường lớp”. Ông Trần Trọng Khiêm (Phó phòng GD Q.Tân Phú - thành viên của đoàn đánh giá ngoài của Sở GD-ĐT) Cần một quá trình “Tiêu chuẩn về sĩ số là một định hướng để các trường tiến tới. Mấy năm gần đây, phấn đấu mãi sĩ số còn được khoảng 40 HS/lớp, còn trước kia trung bình là 50. Giờ muốn đạt chất lượng thì phải giảm sĩ số xuống còn 35 HS nhưng nói thật là khá khó khăn, cần cả một quá trình và kế hoạch bài bản”. Bà Phạm Thị Ngọc Anh (Hiệu trưởng Trường tiểu học Trưng Trắc, Q.11) |
Bích Thanh
Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...