Ảnh minh họa
Theo nghiên cứu sắp được công bố trên tạp chí Acta Paediatrica, các nhà khoa học Mỹ đã khảo sát 40 trẻ sơ sinh hơn 1 ngày tuổi tại thành phố Tacoma, bang Washington (Mỹ) và Stockholm (Thụy Điển).
Các bé được nghe âm thanh của các nguyên âm trong tiếng mẹ đẻ và tiếng nước ngoài. Sau đó, các nhà khoa học tìm hiểu sự chú ý của trẻ về âm thanh nghe được nhờ vào hệ thống máy tính nối với núm vú giả để đo thời lượng trẻ nút núm vú khi nghe âm thanh.
Khảo sát cho thấy tại cả Mỹ và Thụy Điển, trẻ đều nút núm vú lâu hơn khi nghe tiếng nước ngoài. Khác biệt này giúp các nhà khoa học đi đến kết luận rằng trẻ phân biệt được tiếng mẹ đẻ với tiếng nước ngoài.
Để có được khả năng này, nhóm nghiên cứu cho rằng trẻ em đã biết tập nghe ngôn ngữ ngay từ trong bụng mẹ. Trưởng nhóm nghiên cứu, giáo sư Christine Moon thuộc Đại học Pacific Lutheran ở Tacoma cho rằng thời gian này vào khoảng 6 tháng trước khi sinh.
Đồng tác giả nghiên cứu nói trên, Patricia Kuhl - Giám đốc Viện Khoa học về Não và Học tập thuộc Đại học Washington - cho rằng những nguyên âm trong lời nói của bà mẹ vào thai kỳ là những đơn vị âm thanh khiến trẻ dễ chú ý nhất. Tr.Lâm - H.Trang (Theo Live Science)