Làm khó bệnh nhân

Thứ tư - 29/05/2013 22:58 - Đã xem: 1018
Tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên đã ở mức báo động từ nhiều năm nay. Giảm tải cho các bệnh viện là vấn đề cấp thiết để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.

Bộ Y tế đã nhiều lần bàn bạc, nghiên cứu, đề xuất hàng loạt biện pháp để giảm tải nhưng đến nay vẫn chưa cải thiện được.

Trong khi người dân đang bức xúc vì quy trình khám bệnh rườm rà, mất thời gian; phải nằm ghép 3-4 người/giường bệnh thì mới đây, Bộ Y tế lại đề xuất giảm tải bằng quy trình ngược. Ðó là trong dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Bộ Y tế chủ trương đánh vào túi tiền người bệnh bằng cách giảm mức chi trả hoặc không thanh toán đối với bệnh nhân khám chữa bệnh trái tuyến nhằm hạn chế bệnh nhân vượt tuyến. Ngoài ra, dự thảo cũng đề nghị tăng mức đóng BHYT từ 4,5% lên 6% lương cơ bản.

Lãnh đạo ngành y tế đã nhiều lần khẳng định một trong những biện pháp giảm tải bệnh viện là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến cơ sở, đặc biệt là các bệnh viện quận, huyện. Ðây mới là biện pháp căn cơ nhưng để giải quyết bài toán này phải có thời gian và nguồn nhân lực y tế chất lượng cao.

Thực tế, rất nhiều bệnh nhân đã gặp "lang băm" ở các bệnh viện tuyến dưới. Một bệnh nhân lớn tuổi tại Tây Ninh khám bệnh ở tuyến huyện được chẩn đoán bị bệnh tiểu đường. Sau hơn 1 tháng uống thuốc tiểu đường, bệnh nhân này phải đi cấp cứu vì đường huyết hạ quá thấp. Bệnh nhân buộc vượt tuyến về điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy và các bác sĩ tại bệnh viện này hết sức ngạc nhiên vì sao bệnh nhân không bị tiểu đường lại được bác sĩ cho uống thuốc tiểu đường! Hay như những tai biến sản khoa dồn dập xảy ra ở Bệnh viện Ða khoa Quảng Ngãi trong thời gian qua khiến nhiều sản phụ "xa lánh" bệnh viện này.

Chủ trương giảm tải bệnh viện nếu thực hiện theo dự thảo trên chưa chắc đã hiệu quả. Bệnh nhân khá giả vẫn sẽ vượt tuyến ào ào bởi tâm lý thà mất tiền còn hơn mất mạng. Thiệt thòi nhất vẫn là những người nghèo phải chấp nhận điều trị tại các tuyến cơ sở mà họ biết rằng chất lượng bèo bọt. Ngoài ra, còn có thể nảy sinh những tiêu cực khác như "đưa phong bì" để được chuyển viện.

Vào tháng 6-2012, Bộ Y tế đã trình Chính phủ đề án giảm tải bệnh viện với hàng loạt biện pháp như tăng cường cơ sở vật chất, tài chính, nhân lực... Thế nhưng, bộ đang đứng trước nhiều khó khăn, đặc biệt về ngân sách y tế nên các biện pháp khả thi để giảm tải bệnh viện vẫn đang "giậm chân tại chỗ". Dù vậy, chủ trương giảm tải bệnh viện như trong dự thảo nêu trên chắc chắn không thuận lòng dân. Dư luận đang băn khoăn liệu thực hiện việc tăng thu, giảm chi, đánh vào túi tiền của bệnh nhân có giảm tải được các bệnh viện hay chỉ làm khó thêm cho người nghèo.

LƯU NHI DŨ

KHÔNG THỂ NGĂN CẢN BỆNH NHÂN KHÁM BỆNH VƯỢT TUYẾN
Hiện nay tình trạng ở các bệnh viện bị quá tải ,nhất là các bệnh viện của trung ương tập trung ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh , như bệnh viện Bạch mai, bệnh viện K, Chợ rẫy, Việt Đức, Nhi đồng vv... . Nguyên nhân trong thời gian vừa qua một số bệnh viện ở các tỉnh trình độ chuyên môn của y, bác sĩ trong quá trình điều trị chẩn đoán bệnh không chính xác, nên dẫn đến cái chết của bệnh nhân ; hoặc có trường hợp bệnh nhân bị bệnh nặng, người nhà phải đưa đến bệnh viện cấp cứu, nhưng thái độ của y bác sĩ thiếu sự quan tâm đến bệnh nhân, chẩn đoán điều trị không chính xác, không kịp thời , dẫn đến cái chết của bệnh nhân , đã làm cho người nhà của bệnh nhân bức xúc, thiếu kiềm chế , đã có những hành động xung đột với y bác sĩ tại bệnh viện. Các vụ việc trên đã được báo đài phản ánh, nhưng đến nay cũng chưa khắc phục được. Có nhiều vụ các cơ quan pháp luật phải vào cuộc, ra quyết định khởi tố vụ án và đã đưa ra xét xử. Trong khi đó tại các bệnh viện trung ương người dân theo dõi, thấy có rất nhiều ca bệnh nhân rất nặng nghĩ rằng khó qua khỏi, nhưng khi đưa vào các bênh viện trung ương đã được chữa khỏi, vì vậy đã làm tăng niềm tin của người dân đối với các bệnh viện này. Chính vì vậy người dân thiếu sự tin tưởng với trình độ chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ ở các bệnh viện của địa phương , nếu phát hiện người nhà có bệnh, gia đình cố gắng đưa người bệnh vào các bệnh viện tuyến trung ương để khám và điều trị, do vậy các bệnh viện trung ương bị quá tải là điều tất nhiên. Để có thể khắc phục giảm tải hiện nay ở các bệnh viện trung ương , đề nghị Bộ y tế tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị hiện đại, có đội ngũ y bác sĩ chuyên môn vững vàng có y đức ở bệnh viện cấp tỉnh và huyện. Trước mắt đề nghị Bộ y tế sớm hoàn thành đề án xây dựng bệnh viện tuyến huyện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt được đầu tư từ nguồn trái phiếu chính phủ, nhưng đến nay chưa hoàn thành đề án. Cụ thể qua phản ánh của chương trình thời sự Đài Truyền hình Việt nam ngày 22/5/2013 tại Bệnh viện đa khoa mới của huyện Cư Jút, tỉnh Đăk Nông khởi công năm 2008, với tổng mức đầu tư 116 tỷ đồng, được thực hiện từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên, đến năm 2011 Trung ương không tiếp tục bố trí vốn, nên công trình phải tạm dừng từ đó đến nay.“Nếu như nguồn vốn bố trí đủ thì bệnh viện Đa khoa Cư Jút, tỉnh Đăk Nông sẽ hoàn thành vào tháng 9/2011. Như vậy là chúng ta đã chậm mất trên 2 năm về hoàn thành bệnh viện này. Trong khi đó mấy năm qua, bệnh viện cũ đã xuống cấp ảnh hưởng rất lớn đến khám chữa bệnh cho nhân dân”, ông Ngô Minh Trực, GĐ Sở Y tế tỉnh Đăk Nông cho biết. Vì thiếu vốn mà một bệnh viện đa khoa cấp huyện có quy mô lớn nhất nhì tỉnh Đăk Nông xây dựng đã 5 năm vẫn chưa xong. Những dãy nhà, phòng điều trị chưa một lần sử dụng đã bắt đầu xuống cấp, thấm nước hoặc rong rêu bám trên tường. Đây là một sự lãng phí quá lớn, tổn thất đến tiền của Nhà nước và nhân dân. Đề nghị Bộ Y tế sớm có biện pháp để hoàn thành đề án xây dựng bệnh viện tuyến huyện, nhằm giảm tải bệnh nhân lên điều trị ở tuyến trên trong tình hình hiện nay.
MINH TRÍ

Nguồn tin: Người Lao Động

emc
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây