Chỉ trong tháng qua, nhiều tai nạn đuối nước thương tâm đã xảy ra. Ðiển hình là vụ 4 em học sinh (HS) chết trên dòng sông Sêrêpốk (ngày 14-5), 3 em HS khác chết trên sông Quán Trường - Nha Trang (ngày 26-5). Hàng loạt vụ đuối nước thương tâm cũng đã xảy ra ở Nghệ An trong gần 1 tháng qua làm 14 em nhỏ chết thảm...
Học sinh Ðà Nẵng được học bơi miễn phí trong dự án "Bơi an toàn" Ảnh: BÍCH VÂN
Ðuối nước - Nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ
Tháng 5-2012, Bộ LÐ-TB-XH công bố kết quả "Cuộc khảo sát tai nạn thương tích quốc gia năm 2010". Trong đó, đuối nước là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em, với khoảng 4.500 em chết mỗi năm. Tính trung bình, mỗi ngày có 12 em bỏ mạng vì chết đuối.
Ðuối nước là do các em nhỏ không biết bơi hoặc biết bơi nhưng thiếu kỹ năng xử lý các tình huống nguy hiểm dưới nước. Nước ta có hơn 3.200 km bờ biển, 392 con sông lớn chảy liên tỉnh, với tổng chiều dài các con sông hơn 41.000 km và rất nhiều kênh, mương, rạch chằng chịt. Ðó cũng là lý do làm cho trẻ em ở nước ta chết vì đuối nước rất cao.
Trước thực trạng này, tháng 2-2010, Bộ GD-ÐT đã chỉ thị cho các sở GD-ÐT triển khai việc thí điểm dạy bơi ở các trường tiểu học giai đoạn 2010-2015. Trong đó, tập trung vào HS lớp 4 và mở rộng cho lớp 3 và lớp 5. Tuy nhiên, việc thực hiện chỉ thị này lại không dễ dàng chút nào vì thiếu cơ sở vật chất lẫn kinh phí.
Ông Lê Văn Ngọ, Giám đốc Sở GD-ÐT Nghệ An, lo lắng: "Việc đưa chương trình dạy bơi vào nhà trường là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc thực hiện rất khó khăn vì để dạy bơi cần phải có hệ thống bể bơi, có đội ngũ giáo viên nhưng các trường ở Nghệ An đều không thể có những điều kiện này". Lãnh đạo một sở GD-ÐT khác cho rằng Bộ GD-ÐT chỉ thị dạy bơi cho HS… trên giấy vì lấy đâu ra hồ bơi, giáo viên dạy bơi cho HS?
Học sinh Ðà Nẵng được học bơi miễn phí trong dự án "Bơi an toàn" Ảnh: BÍCH VÂN
Kế hoạch không tưởng
TPHCM là nơi có cơ sở vật chất tốt nhất nước để dạy bơi cho HS nhưng toàn TP mới chỉ 14 trường học có hồ bơi, lại không đủ chuẩn để dạy bơi. Hiện chỉ có 40 trường tiểu học, 69 trường THCS, 83 trường THPT phổ cập bơi lội. Nguyên nhân vẫn do thiếu hồ bơi, việc thuê hồ bơi bên ngoài gặp khó khăn, số giáo viên dạy bơi không đủ.
Quận 1 - TPHCM là địa phương tổ chức tốt nhất chương trình phổ cập bơi cho HS tiểu học, thực hiện từ năm 2011-2012 bằng sự liên kết của phòng GD-ÐT quận với hồ bơi Nguyễn Bỉnh Khiêm để dạy bơi cho HS lớp 3 thuộc 16 trường tiểu học trên địa bàn. Việc học bơi hoàn toàn miễn phí nhờ kinh phí do UBND quận cấp. Mỗi HS được học bơi 60 phút/ tuần. Theo Phòng GD-ÐT quận 1, đến nay đã có khoảng 3.000 HS được dạy bơi, tương đương 80% HS biết bơi.
Từ năm học 2010-2011, Sở GD-ÐT TP cũng đã ký với Liên đoàn TDTT dưới nước TP để thực hiện kế hoạch phổ cập bơi lội cho HS giai đoạn 2010-2015. Tuy nhiên, theo ông Chung Tấn Phong, Tổng Thư ký Liên đoàn TDTT dưới nước TPHCM, để dạy bơi cho toàn bộ HS tiểu học là chuyện không tưởng. Ðến nay chỉ có các quận nội thành làm tốt việc dạy bơi cho HS, còn lại hơn 10 quận, huyện ngoại thành không thể thực hiện được. Cũng theo ông Phong, hiện toàn TP chỉ có 20 hồ bơi đủ điều kiện dạy bơi thì làm sao phổ cập bơi lội cho HS.
Chỉ thị dạy bơi của Bộ GD-ÐT là rất cần thiết nhưng để thực hiện trước hết phải có tiền. Không phải dễ có những dự án như Liên minh Vì sự an toàn của trẻ em (TASC) nhưng những kinh nghiệm của dự án này, đặc biệt việc sử dụng bể bơi di động, các địa phương khác hoàn toàn có thể thực hiện được, còn kinh phí dạy bơi nên thực hiện theo hình thức xã hội hóa.
Ðà Nẵng: Học sinh học bơi miễn phí Ðà Nẵng là TP duy nhất trong cả nước thực hiện dự án "Bơi an toàn" dưới sự tài trợ của TASC và Hiệp hội Cứu hộ Hoàng gia Úc. Dự án này được triển khai từ năm 2009, đến nay đã dạy bơi miễn phí cho 22.700 HS tiểu học. Phần lớn việc dạy bơi được triển khai tại 11 bể bơi di động, lắp đặt tại các trường tiểu học khác nhau ở Ðà Nẵng. Chương trình dạy bơi của dự án này khá khoa học, bao gồm 20 bài học với thời lượng mỗi bài 45 phút. Trong đó cung cấp cho HS kiến thức và kỹ năng cơ bản về an toàn trong môi trường nước như các kỹ năng bơi sống sót, kiến thức giảm các mối nguy hiểm, kỹ năng xử lý cứu đuối… Học sinh đạt yêu cầu của dự án có thể bơi liên tục không nghỉ 25 m. Ông Võ Trung Minh, Phó trưởng Phòng Giáo dục tiểu học - Sở GD-ÐT TP Ðà Nẵng, cho biết trong năm 2013 sẽ tiếp tục thực hiện dự án này, dự kiến sẽ có hơn 75.000 HS tham gia. Tổng kinh phí cho chương trình được tổ chức TASC tài trợ trong năm 2013 là 80.000 USD. Ông Minh cho biết kế hoạch của UBND TP Ðà Nẵng là sẽ phấn đấu đến năm học 2016-2017, tất cả HS hoàn thành chương trình tiểu học của TP đều biết bơi. |