Mời giáo sư quốc tế đến Việt Nam đừng hữu hảo

Thứ hai - 21/12/2015 20:47 - Đã xem: 882
Viện Nghiên cứu cao cấp về toán VIASM là nơi duy nhất trong nước hiện nay quy tụ được số lượng lớn các nhà khoa học hàng đầu thế giới đến làm việc.
Theo GS Ngô Bảo Châu, Giám đốc Khoa học VIASM, để tạo được môi trường học thuật quốc tế, các cơ quan khoa học trong nước phải mời GS quốc tế đến VN để được làm việc chứ không chỉ giao lưu hữu hảo hay đi du lịch.
Quan niệm sai lầm
* Để đảm bảo tính hiệu quả công việc như giáo sư nói, việc lựa chọn để mời những ai sang làm việc với các nhà khoa học, các giảng viên ĐH trong nước thường thực hiện theo cách thức nào?
- Trước hết chúng tôi cân nhắc, lựa chọn để đưa ra một danh sách những nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực chuyên môn của họ, sau đó chính lãnh đạo VIASM sẽ đích thân mời họ sang để báo cáo những thành tựu mới nhất của mình tại các hội thảo hằng năm do viện tổ chức. Nhưng số này ít thôi. Phần lớn các nhà khoa học quốc tế được mời đến viện giảng bài hoặc làm việc ngắn hạn căn cứ vào đề xuất, nhu cầu nghiên cứu của các nhóm nghiên cứu của viện, nhằm giúp các nhóm đạt hiệu suất cao nhất trong thời gian ngắn ngủi mà họ làm việc tại viện.
Việc mời ai, chúng tôi cũng cân nhắc trên 2 phương diện. Thứ nhất, ưu tiên những người có tầm ảnh hưởng lớn về mặt khoa học, từ đó tạo dựng một mối quan hệ có chiều sâu giữa cộng đồng toán học VN và cộng đồng toán học quốc tế. Thứ hai, chúng tôi mời thầy cũ của các nhà khoa học VN khi họ du học. Việc này có ý nghĩa rất lớn trong việc giúp các nhà khoa học trẻ được đào tạo ở nước ngoài khi trở về “bám rễ” được ở VN mà vẫn phát triển được sự nghiệp khoa học của mình.
* Nhiều nhà khoa học trong nước cho rằng sở dĩ VIASM mời được nhiều “siêu sao” toán học quốc tế đến VN chủ yếu nhờ uy tín của cá nhân GS Ngô Bảo Châu, còn các nơi khác sẽ khó làm được như thế, cho dù họ được đầu tư kinh phí?
- Tôi nghĩ vấn đề của chúng ta là sự thiếu chuẩn bị về mặt khoa học, bao gồm môi trường làm việc cũng như vấn đề con người. Cho đến nay, trong giới khoa học VN vẫn có một quan niệm sai lầm là quan hệ quốc tế để tạo… quan hệ, vì thế rất mất thời gian với các màn giao đãi như đón tiếp, gặp lãnh đạo, bắt tay, chụp ảnh, mời chào nhau đi ăn, đi tham quan. Cần phải thay đổi cách nhìn đó để tạo ra một mối quan hệ hợp tác bình đẳng, để các nhà khoa học quốc tế thấy họ sang ta không chỉ để đi “đổi gió”. Muốn vậy, chúng ta phải có các nhà khoa học đang làm khoa học một cách tích cực, hợp tác với các nhà khoa học quốc tế trên tâm thế chúng ta cần làm việc chứ không phải lợi dụng uy tín khoa học hay tên tuổi của họ. Việc hợp tác chỉ bền vững khi họ cảm thấy những gì họ trao đổi với cộng sự VN có sự tiến bộ về mặt khoa học, bởi đấy là cái khiến họ cảm thấy không bị mất thời gian.
Thực tiễn của VIASM cho thấy để tạo một môi trường khoa học tích cực, từ đó thu hút sự tham gia cộng tác của các nhà khoa học quốc tế không khó như mình tưởng và cũng không quá tốn kém (kinh phí hoạt động của VIASM mỗi năm chỉ 14 - 15 tỉ đồng).
Tạo ngôi nhà chung cho nhà khoa học Việt kiều
* Được biết giáo sư cũng chủ trương tận dụng triệt để sự đóng góp của các nhà khoa học quốc tế người Việt để tạo nên chất lượng học thuật của môi trường nghiên cứu trong nước?
- Trong số hơn 150 nhà khoa học quốc tế đến VIASM làm việc thời gian qua, gần 1/3 là các nhà toán học người Việt, trong đó có những người đang rất có uy tín trên thế giới trong lĩnh vực của mình như GS Vũ Hà Văn (ĐH Yale), GS Phạm Hữu Tiệp (ĐH Arizona)… Tạo sự gắn bó sâu sắc với cộng đồng khoa học trong nước với các nhà khoa học quốc tế người Việt là một phần quan trọng trong chính sách của VIASM. Chúng tôi muốn cho dù họ về VN làm việc hẳn hay chỉ về trong một thời gian ngắn, đều xem VIASM là ngôi nhà của chính mình, để họ đến với nó một cách tự nhiên nhất.
Không chỉ các giáo sư đã thành danh mà các nghiên cứu sinh hoặc các nhà khoa học trẻ mỗi lần về VN đều “tự động” đến viện làm việc.
* Triển vọng “giữ chân” những người trẻ ở lại làm việc luôn trong nước như thế nào?
- Hiện tại con đường gửi người trẻ VN đi học ở Mỹ và các nước có nền toán học phát triển rất thông, nhưng con đường ngược lại (thu hút nhà toán học người Việt ở nước ngoài về làm việc hẳn trong nước - PV) thì chưa thông lắm. Vì thế có một số điều khá đáng tiếc, chẳng hạn như toán học trong nước còn yếu về phương trình đạo hàm riêng, trong khi chúng ta hiện có khá nhiều người trẻ có thể gọi là xuất sắc về chuyên ngành đó đang làm việc ở nước ngoài. Chính họ vừa trực tiếp về nước làm việc trong mùa hè vừa rồi, vừa mời những giáo sư uy tín bậc nhất thế giới trong lĩnh vực đó sang VN giảng dạy.

Quý Hiên 
(thực hiện)

Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây