Hội thi giáo viên dạy giỏi bậc THCS cấp tỉnh lần thứ 4: Cuộc hội ngộ của những giáo viên nhiệt huyết, yêu nghề

Thứ hai - 21/12/2015 19:57 - Đã xem: 851
Hội thi giáo viên dạy giỏi bậc THCS cấp tỉnh lần thứ 4 do Sở Giáo dục-Đào tạo tổ chức mới đây không chỉ là dịp để đội ngũ giáo viên THCS thể hiện tài năng mà còn giúp họ cập nhật những phương pháp dạy học mới để nâng cao chất lượng giảng dạy.

Được tổ chức 4 năm/lần, nên để có thể dự thi tốt, ngoài những kinh nghiệm trong thực tiễn dạy học, giáo viên phải có sự chuẩn bị công phu ở tất cả các phần thi.

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT, ở mỗi phần thi, giáo viên đã thể hiện được khả năng chuyên môn của mình một cách sáng tạo và trách nhiệm. Ở phần thi sáng kiến kinh nghiệm có 292 đề tài thì có đến 257 đề tài đạt từ 6 điểm trở lên. Các đề tài đều được chuẩn bị công phu, bố cục chặt chẽ, nội dung phong phú, đa dạng ở nhiều lĩnh vực và có ý tưởng sáng tạo, thể hiện được tâm huyết, trí tuệ của mỗi giáo viên.

Hầu hết các đề tài đi sâu vào chuyên môn, tập trung vấn đề đổi mới về phương pháp và đưa ra các giải pháp để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn dạy học. Điều đáng mừng là phần lớn các đề tài đều có khả năng ứng dụng thực tế cao, là tài liệu để nhiều giáo viên khác cùng học hỏi, áp dụng.

Điển hình như đề tài “Vận dụng các hình thức cơ bản trong dạy học Mỹ thuật bậc THCS” của thầy giáo Hồ Việt Phước, Trường THCS Trần Quang Khải, xã Kiến Thành (Đắk R'lấp); đề tài “Rèn luyện kỹ năng sáng tạo trong dạy học văn bản bậc THCS” của cô giáo Từ Thị Bích Yến, Trường THCS Nguyễn Công Trứ, xã Đắk D’rông (Chư Jút); đề tài “Nâng cao chất lượng các bài học văn bản của học sinh lớp 6 bằng việc sử dụng tranh ảnh và clip minh họa” của cô giáo Phạm Thị Phương, Trường THCS Nguyễn Trãi, xã Đắk Ru (Đắk R’lấp)....

Ở phần thi kiểm tra năng lực, mỗi giáo viên đã thực hiện một bài tự luận liên quan đến các vấn đề về chuyên môn. Qua đó, nhiều giáo viên đã thể hiện sự hiểu biết của mình về một số vấn đề lý luận dạy học, kỹ năng nghề nghiệp cũng như các chủ trương, đường lối, định hướng đổi mới giáo dục và các nội dung chỉ đạo của ngành. Nhiều giáo viên đã đưa ra được các giải pháp thiết kế các chủ đề dạy học phù hợp với định hướng đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá trong giai đoạn hiện nay.

Ở phần thi thực hành giảng dạy chính là nội dung giáo viên vận dụng sự hiểu biết của mình về áp dụng các phương pháp dạy học mới vào tiết dạy cụ thể. Theo đánh giá thì hầu hết giáo án thể hiện rõ tiến trình hoạt động của giáo viên và học sinh, xác định được mục tiêu và chuẩn kiến thức, kỹ năng.

Các tiết dạy được thực hiện đầy đủ nội dung, kiến thức và làm toát lên được trọng tâm của bài dạy. Giáo viên đã tổ chức tốt các hoạt động học cho học sinh, biết khuyến khích học sinh hợp tác, giúp đỡ nhau trong học tập. Đa số giáo viên cũng lựa chọn, sử dụng phương pháp và kỹ thuật dạy học phù hợp với đặc trưng của môn học, kiểu bài lên lớp và đối tượng học sinh.

Các tư liệu, hình ảnh được khai thác, minh họa hợp lý. Từ đó, các tiết học đã phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng được giáo viên sử dụng thành thạo.

Cùng với đó, khả năng theo dõi, quan sát của giáo viên đối với việc học tập của học sinh trong lớp tốt và có biện pháp hỗ trợ phù hợp cho những học sinh còn gặp khó khăn. Sau mỗi tiết giảng, đều có nhận xét, đánh giá một cách cụ thể, giúp các giáo viên có thêm nhiều kinh nghiệm trong tổ chức các tiết dạy.

Thầy giáo Nguyễn Bá Dũng, Trường THCS Lý Tự Trọng, xã Nam Xuân (Krông Nô), giáo viên được nhận giấy khen vì hoàn thành xuất sắc phần thi chia sẻ: “Trong hầu hết các tiết dạy, tôi thường áp dụng các phương pháp mới. Tuy nhiên, qua lần thi này, với sự góp ý chân thành của Ban tổ chức, tôi mới thấy những thiếu sót, hạn chế mà bản thân không nhận ra. Việc tham gia cuộc thi lần này đã giúp tôi rất nhiều trong việc cập nhật thêm nhiều phương pháp mới để hoàn thiện các tiết giảng của mình”.

Còn cô giáo Ngô Thị Ngoan, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (Gia Nghĩa) cho rằng: “Đây thực sự là một dịp để giáo viên cùng bậc học được hội ngộ, giao lưu, học hỏi và chia sẻ với nhau về kiến thức chuyên môn. Nhiều sáng kiến kinh nghiệm, đề tài hay và cả các tiết giảng đều đáng để tôi học hỏi. Cũng qua hội thi lần này, tôi càng thấy được tầm quan trọng của việc cập nhật và áp dụng các phương pháp dạy học mới trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy”.

Kết thúc hội thi, mỗi giáo viên đều đạt được những thành tích, bài học kinh nghiệm nhất định. Tuy nhiên, hầu hết các giáo viên đều cảm thấy trưởng thành hơn, tự tin hơn và yêu nghề hơn. 

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT thì hội thi thật sự là dịp để các trường có thể đánh giá, chú trọng hơn nữa công tác xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Vì vậy, cùng với việc sử dụng đội ngũ giáo viên giỏi làm nòng cốt trong việc bồi dưỡng giáo viên ở các tổ chuyên môn, các trường cũng cần tăng cường tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa các giáo viên trong và ngoài nhà trường để nâng cao hiệu quả dạy học.

Nguyễn Hiền

Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây