Cơ chế giáo dục đang "độc quyền, độc bản, độc đạo"

Thứ hai - 14/12/2015 03:23 - Đã xem: 850
Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo khoa học “Giải pháp nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên tiểu học TP HCM đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục” do Viện Nghiên cứu Giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TP HCM) tổ chức ngày 11-12.

Theo các chuyên gia giáo dục, điều kiện và hoạt động sư phạm, giáo dục hiện nay theo cơ chế “3 độc”.

Đó là: Duy nhất một tài liệu dạy học, một đường hướng chuyên môn giáo dục, và một cơ quan quyết định tất cả mọi vấn đề của chiến lược giáo dục theo hàng dọc. Từ Bộ GD-ĐT về Sở GD-ĐT, về các phòng GD-ĐT rồi về trường, rồi cuối cùng mới đến giáo viên. Trong khi chính giáo viên, những người trực tiếp đứng trên bục giảng mới là đối tượng trải nghiệm nhiều nhất những tồn tại của giáo dục.

Thậm chí, khi thay đổi một quyết sách nào đó trong giáo dục, thì những người quyết định cũng nghe từ dư luận chứ không hề nghe ý kiến từ các nhà khoa học và những người trực tiếp đứng lớp.

'Nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia giáo dục tại hội thảo'

Nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia giáo dục tại hội thảo

Theo PGS.TS Ngô Minh Oanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục, qua số liệu điều tra với quy mô trên 9 quận, huyện tại TP HCM, với số lượng gần 1000 phiếu câu hỏi, khi được hỏi những yếu tố ảnh hưởng đến năng lực làm việc của giáo viên có tới 86,6% lý do từ sổ sách, giấy tờ quá nhiều.

Tiếp theo là đến thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống chiếm 78%, chưa có chính sách khuyến khích đối với giáo viên có năng lực, tâm huyết chiếm 66,3%. Một nguyên nhân quan trọng là bệnh thành tích và sự thiếu trung thực làm giảm sút lòng tin và yêu nghề của giáo viên chiếm tới 61%....

Như vậy mặc dù đời sống còn khó khăn nhưng nguyên nhân làm ảnh hưởng lớn nhất với giáo viên thuộc về công tác tổ chức quản lý, sau đó mới đến các nguyên nhân về đời sống, về cơ hội học tập, nâng cao trình độ và cơ hội thăng tiến.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, chính bản chất “kê toa”, bám sách hiện nay của giáo dục đã thui chột dần khả năng tự chủ, sáng tạo của giáo viên.

Đó là việc giáo viên bị lệ thuộc vào một bộ sách, dạy giờ nào, bài nào, thời lượng bao nhiêu phút…cũng được kê sẵn, thậm chí biết sai mà không dám sửa, coi SGK là pháp lệnh và người viết sách như "thánh" khiến người thầy mất hẳn quyền chủ động với bài giảng. Chính vì điều này, người thầy không thể dạy cho học sinh tính tự chủ, sáng tạo khi bản thân họ cũng không được tạo điều kiện tự thực hành bởi vì sự tự chủ của học sinh liên quan đến sự tự chủ của giáo viên. Giáo viên không thể mang đến cho học sinh điều mà họ không biết.

 

Đặng Trinh

Nguồn tin: Người Lao Động

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây