Linh, sinh viên năm 3 Khoa Quản trị Kinh doanh và Du lịch của Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, cho biết đang lo lắng khi ra trường có làm đúng nghề hay không bởi thực lòng em không thích ngành đang học. “Đôi khi em nghĩ mình nên chuyển sang học ngành khác nhưng lại thấy tiếc quãng thời gian qua” - Linh nói và cho biết bạn bè của em, nhiều người đã tự ý bỏ học hoặc bị buộc thôi học.
Mất phương hướng
Nhiều sinh viên năm nhất ngành sư phạm của Trường ĐH Tây Nguyên vừa quyết định bỏ học, tìm hướng đi khác khi nhận ra mình không phù hợp với nghề và khó tìm việc làm sau khi tốt nghiệp. Thống kê cho biết đầu năm học, lớp sư phạm văn K15 của Trường ĐH Tây Nguyên có 53 sinh viên nhưng đến nay đã có 11 sinh viên nghỉ học. Quyết định nghỉ học, tìm hướng khác của những sinh viên sư phạm văn của Trường ĐH Tây Nguyên xem ra vẫn là sự điều chỉnh kịp thời bởi nếu cứ níu kéo thì chưa biết tương lai sẽ như thế nào.
Ở nhiều trường ĐH, mỗi học kỳ có hàng trăm sinh viên bị buộc thôi học do có kết quả học tập yếu. Đại diện các trường cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả trên song lại xuất phát từ việc các em đang học những ngành nghề không phù hợp với bản thân.
TS Trần Thế Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho biết 3 năm trở về trước, số sinh viên bị buộc thôi học tại trường khoảng 4%. Theo ông, quyết định vào ĐH mà không quan tâm đến ngành nghề mình yêu thích hay không là nguy hiểm bởi sinh viên sẽ không tìm được hứng thú trong học tập, nghiên cứu. Đồng quan điểm, TS Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, cho rằng quyết định chọn ngành nghề phải xuất phát từ sự yêu thích, sự phù hợp với nghề nghiệp của người học. Sinh viên chọn sai ngành học sẽ không thể có sự thành công về nghề nghiệp trong tương lai.
Xét tuyển quá dễ dãi
PGS-TS Đặng Vũ Ngoạn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, cho rằng về quan điểm, những học sinh có khả năng học ĐH mới trúng tuyển nhưng với cách tuyển sinh của nhiều trường trong vài năm trở lại đây lại quá dễ.
Với đề án tuyển sinh riêng, nhiều trường quy định xét tuyển đầu vào ĐH dựa trên kết quả học bạ đối với thí sinh có kết quả từ 6,0 điểm trở lên. Với quy định này, các chuyên gia tuyển sinh nhận định ngay cả khi thí sinh không trúng tuyển từ kết quả thi THPT quốc gia (trước năm 2015 là kỳ thi tuyển sinh ĐH) vẫn có thể trúng tuyển từ xét kết quả học bạ. Chính vì quy định điểm xét tuyển quá ư dễ dãi này, nhiều thí sinh đã chọn học ĐH thay vì CĐ.
Theo ThS Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, từ khi các trường được xét tuyển ĐH từ đề án tuyển sinh riêng thì các trường CĐ, TCCN, đặc biệt là trường ngoài công lập, lâm vào tình cảnh khó tuyển sinh. Trường nào giỏi lắm cũng chỉ tuyển được vài trăm sinh viên, có trường chỉ được 100 sinh viên nên rất khó duy trì hoạt động. Ông Lâm cho rằng học phí ĐH so với bậc CĐ không chênh lệch nhiều trong khi tâm lý của xã hội, cùng áp lực của gia đình thì người học bị ép vào ĐH dù không thích hoặc cảm thấy không đủ sức.
Hiệu trưởng một trường ĐH ngoài công lập ở TP HCM nhìn nhận khả năng học ĐH của nhiều sinh viên, đặc biệt là đối tượng xét tuyển bằng học bạ rất hạn chế nhưng vì “nồi cơm” nên trường khó lòng từ chối khi các em nộp hồ sơ xét tuyển. Với những đối tượng này, nếu các em không có sự cố gắng thì sớm muộn cũng bị loại khỏi môi trường ĐH.
Xem kỳ trước: Sinh viên bị đuổi học nhiều, do đâu?
Cần điều chỉnh quy chế tuyển sinh
TS Trần Đình Lý cho rằng kỳ tuyển sinh năm 2015 chắc chắn có nhiều thí sinh trúng tuyển ĐH nhưng không học ở những ngành yêu thích. Bởi lẽ, khi đăng ký 4 nguyện vọng nhỏ trong 1 trường thì có thể ngành yêu thích lại không trúng tuyển mà đậu ngành không yêu thích. Việc này đi ngược lại nguyên tắc hướng nghiệp là: Hướng nghiệp trước, hướng trường sau. Việc này Bộ Giáo dục và Đào tạo cần điều chỉnh trong kỳ tuyển sinh 2016.
Nguồn tin: Người Lao Động
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...