Thế giới đã tích hợp môn sử từ lâu

Thứ ba - 17/11/2015 03:30 - Đã xem: 815
Xung quanh những ý kiến tranh luận về việc có nên tích hợp môn sử hay không, Thanh Niên có cuộc trao đổi với TS Vũ Thị Phương Anh (ảnh), Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN, người có nghiên cứu vấn đề này.
Thế giới đã tích hợp môn sử từ lâu - ảnh 1
       TS Vũ Thị Phương Anh 
Qua tìm hiểu về cách dạy học của nhiều nước trên thế giới, bà đánh giá chủ trương tích hợp môn sử trong dự thảo chương trình phổ thông mới như thế nào?
Bộ GD-ĐT muốn tích hợp, thầy cô dạy sử lại không muốn. Các nhà nghiên cứu lịch sử cũng phản ứng rất mạnh. Họ cho rằng điều này là sai. Sử phải dạy riêng, độc lập, tích hợp sẽ phá nát môn sử… Quan trọng nhất, nhiều ý kiến cho rằng trên thế giới người ta chẳng làm như vậy bao giờ. Khẳng định như vậy là hết sức sai lầm và chứng tỏ không hiểu gì về giáo dục các nước. Nhiều nước đã làm việc này từ rất lâu rồi và mỗi nước đều có cách làm đa dạng.
Chẳng hạn, Úc tích hợp môn sử, địa, công dân. Singapore cũng vậy. Ở Mỹ tích hợp cả môn văn với lịch sử, cũng như các môn xã hội khác làm một môn.
Tích hợp là phương pháp cần thiết và thế giới đã từng làm. Đây là điều không mới. Nói tích hợp là sai, “phá nát môn sử”… như nhiều người tuyên bố là cản trở sự phát triển.
Tuy có nhiều nước làm điều này nhưng mỗi nước lại có cách làm khác nhau. Vậy chúng ta phải tích hợp như thế nào?
Đúng là mỗi nước có cách làm khác nhau nhưng họ đều làm theo một điểm chung là phục vụ cho mục tiêu mình muốn hướng đến. Dĩ nhiên mục tiêu này mỗi nước sẽ khác nhau. Chẳng hạn, lịch sử lập nước của Singapore ngắn nên họ tích hợp dễ dàng hơn. Nước Mỹ tích hợp cả môn văn vì họ có nhiều người ở các nơi nhập cư đến. Nếu chúng ta muốn tích hợp, phải có một ban đa ngành để làm điều này. Đầu tiên cũng phải xác định mục tiêu cần đạt đến là gì, sau đó mới bàn đến kiến thức môn học ra sao để có thể bao quát được qua các bài học.
Về mặt phương pháp soạn sách giáo khoa cũng như phương pháp giảng dạy thì tích hợp là một tiến bộ. Không có lý gì tự nhiên lại gạt bỏ nó, trong khi chúng ta đã đặt vấn đề đổi mới và tích hợp từ nhiều năm nay rồi. Một khi đã quyết định tích hợp và có sách giáo khoa tích hợp thì chẳng có môn nào mất đi mà chỉ là thay đổi cách lên lớp. Các giáo viên bộ môn sử, địa, công dân có thể cùng ngồi bàn bạc trên một cuốn giáo khoa mang tính tích hợp, để sau đó dù ai có chuyên ngành hẹp nào thì cũng có thể lên lớp giảng dạy môn học tích hợp của 2 hoặc 3, bộ môn riêng lẻ trước đó.
Tích hợp môn sử là việc làm cần thiết. Quan trọng là phải làm cẩn trọng để có kiến thức bao quát, thu hút và gắn với mục tiêu thật rõ ràng.

Đăng Nguyên

Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây