Chương trình mới không bỏ môn sử Nếu hiểu theo cách tiếp cận vấn đề của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu thì trong chương trình giáo dục phổ thông mới không những bỏ đi môn sử mà còn cả những môn khác chẳng hạn như lý, hóa, sinh...! Tuy nhiên, vấn đề không đến nỗi như vậy. Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ theo hướng tích hợp ở cấp học dưới và phân hóa mạnh ở cấp THPT, giảm số môn học bắt buộc và tăng cường các môn học tự chọn. Theo cách này, không chỉ có môn lịch sử được tích hợp vào các môn học khác mà việc tích hợp còn được thực hiện ở hầu hết các môn học khác. Cụ thể, ở cấp tiểu học, xây dựng một số môn học mới như: cuộc sống quanh ta (được phát triển từ môn tự nhiên và xã hội ở các lớp 1, 2, 3 trong chương trình hiện hành), tìm hiểu xã hội và tìm hiểu tự nhiên (được phát triển từ các môn khoa học, lịch sử và địa lý ở các lớp 4, 5 trong chương trình hiện hành). Ở cấp THCS, dự kiến sẽ có 2 môn học mới là khoa học tự nhiên (được hình thành chủ yếu từ các môn vật lý, hóa học, sinh học trong chương trình hiện hành) và khoa học xã hội (được hình thành chủ yếu từ các môn lịch sử, địa lý trong chương trình hiện hành). Ở cấp THPT, sẽ có 3 môn mới là công dân với Tổ quốc, đây là môn học bắt buộc (được hình thành chủ yếu từ các môn giáo dục công dân, giáo dục quốc phòng - an ninh và một số nội dung lịch sử, địa lý); khoa học tự nhiên là môn học tự chọn ở lớp 10 và lớp 11 nhằm hình thành những tri thức khái quát nhất của giới tự nhiên (dành cho học sinh định hướng khoa học xã hội, không học các môn vật lý, hóa học, sinh học); khoa học xã hội là môn học tự chọn ở lớp 10 và lớp 11 nhằm hình thành những tri thức khái quát nhất về xã hội (dành cho học sinh định hướng khoa học tự nhiên, không học các môn lịch sử, địa lý). Trong dự thảo, Bộ cũng không phân biệt môn chính, môn phụ. Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT), hệ thống môn học được thiết kế phù hợp với phương thức phân hóa sớm ngay từ lớp 10. Theo cách tiếp cận này, học sinh chỉ học một số môn học bắt buộc - cũng được xem là môn công cụ (4 môn), đồng thời được tự chọn các môn học và chuyên đề học tập. Tuy nhiên, sẽ không có học sinh nào được phép chỉ học 4 môn bắt buộc là đủ mà phải chọn học các môn, chuyên đề học tập khác để đảm bảo tính phân hóa. Việc tự chọn cũng sẽ có định hướng rõ ràng để học sinh dù định hướng chuyên sâu về khoa học tự nhiên cũng sẽ bắt buộc phải học kiến thức cơ bản, nền tảng về khoa học xã hội, và ngược lại. Quan trọng hơn, dù là tích hợp hay độc lập cũng cần phải đặt vấn đề thay đổi cách dạy môn sử như thế nào để đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống hiện tại. Chẳng hạn trước một sự kiện đang gây quan tâm đến toàn thế giới hiện nay như vụ đánh bom mới diễn ra ở thủ đô Paris (Pháp), làm thế nào để học sinh bậc THPT vận dụng những hiểu biết về môn sử đã được học để lý giải và hiểu về sự kiện này. Đó mới là vấn đề cần đặt ra. Ngoài ra, vấn đề cần quan tâm là chương trình mới nên thiết kế như thế nào để dù là môn tự chọn hay bắt buộc, tích hợp hay đứng riêng lẻ, một học sinh vẫn có thể nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi môn học mình yêu thích. Tuệ Nguyễn |
Trinh Nguyễn
Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...