Nắm bắt cơ hội

Thứ năm - 10/12/2015 02:18 - Đã xem: 1063
Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10. Theo đó, lần đầu tiên nhóm tội danh vi phạm BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp được đưa vào phạm vi chịu trách nhiệm hình sự.

Mức phạt dành cho các tội danh này được xây dựng bảo đảm hiệu quả răn đe với số tiền phạt tối đa lên đến 3 tỉ đồng, phạt tù đến 10 năm. Thông tin này khiến người lao động (NLĐ) và đội ngũ cán bộ Công đoàn (CĐ) hết sức phấn khởi.

Nợ BHXH là vấn đề không mới song nhiều năm nay đã gây khốn khổ cho NLĐ - những người hằng tháng trích từng đồng lương để đóng bảo hiểm với mong muốn được hưởng các chế độ an sinh, nhất là có lương hưu khi về già. Gần đây, khi kinh tế khó khăn, tình trạng nợ BHXH diễn ra trên diện rộng với số nợ trên 11.000 tỉ đồng. Khi doanh nghiệp (DN) nợ BHXH, chắc chắn đối tượng gánh chịu thiệt thòi là NLĐ.

Để bảo vệ quyền thụ hưởng của NLĐ, nhiều địa phương đã quyết liệt xử lý DN chây ì nợ BHXH bằng nhiều biện pháp, từ bêu tên trên các phương tiện truyền thông đại chúng đến khuyến cáo, xử phạt, thậm chí khởi kiện ra tòa. Thế nhưng, các biện pháp này cũng không ngăn chặn được tình trạng nợ đọng BHXH ở các DN. Giải pháp khả thi nhất mà cơ quan BHXH áp dụng là khởi kiện DN ra tòa cũng không ăn thua bởi những trở ngại trong việc thi hành án. Nhiều DN sau khi tòa xử cũng không có tài sản để thi hành án. NLĐ ở rất nhiều DN, đặc biệt là DN có chủ bỏ trốn, đã trắng tay bởi khả năng thu hồi nợ BHXH gần như bằng không.

Hiểu được nỗi khổ của NLĐ, ở các diễn đàn Quốc hội, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng đề nghị đưa tội danh trốn đóng BHXH vào Bộ Luật Hình sự. Việc Quốc hội lần này thông qua Bộ Luật Hình sự (sửa đổi), trong đó đưa nhóm tội danh vi phạm BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp vào phạm vi chịu trách nhiệm hình sự đã đáp ứng sự mong đợi của đội ngũ cán bộ CĐ, đặc biệt là NLĐ.

Luật BHXH (sửa đổi) năm 2014 được Quốc hội thông qua cách đây không lâu cũng nêu rõtổ chức CĐ có quyền khởi kiện hành vi vi phạm pháp luật về BHXH. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ cho tổ chức CĐ, từ việc giám sát đến tham gia tố tụng tại tòa. “Hành lang pháp lý đã có, do vậy, vấn đề còn lại của tổ chức CĐ là phải làm thật tốt vai trò giám sát và tập trung bồi dưỡng kỹ năng tố tụng chođội ngũ cán bộ. Nắm bắt tốt cơ hội để thực hiện vai trò đại diện, chắc chắn tổ chức CĐ sẽ xác lập uy tín nơi NLĐ” - ông Giang Văn Nam, Trưởng Ban Chính sách Pháp luật LĐLĐ TP HCM, khẳng định.

Khánh Lê
  •  

Nguồn tin: Người Lao Động

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây