3 tập đoàn internet nổi trội đầu tư vào Việt Nam
Thứ sáu - 21/08/2015 06:04
- Đã xem: 1557
3 tập đoàn Internet hàng đầu trên thế giới: Rocket Internet, eBay, Alibaba nhìn được tìm năng phát triển và không ngần ngại trút vốn đầu tư vào ngành Thương Mại Điện Tử tại thị trường Việt Nam.
1. Rocket Internet.
Đại gia đến từ Đức – Tập đoàn Rocket Internet với những thương hiệu đình đám như trang mua sắm thời trang Zalora, trang bán lẻ trực tuyến Lazada, ứng dụng đặt taxi trực tuyến Easytaxi, Foodpanda đặt hàng thức ăn trực tuyến, và trang mua bán xe hơi trực tuyến Carmudi.
Trong năm 2014, khi Rocket Internet đã "làm mưa làm gió” thì những tập đoàn thương mại điện tử Rakuten (Nhật Bản) và Amazon (Mỹ) vẫn còn đang dòm ngó thị trường Việt Nam, bước đến 2015 những đứa con cưng của Rocket đã trưởng thành và phát triển nổi trội tại thị trường Việt Nam:
- Lazada.vn: Có mặt tại Việt Nam từ tháng 2/2012, Lazada.vn hoạt động như một chuyên trang mua sắm, tính đến đầu năm 2015, trang mua sắm trực tuyến lazada.vn đã có hơn nửa triệu khách hàng và hơn 200 triệu lượt truy cập.
- Zalora.vn: Xuất hiện từ đầu năm 2012, Zalora Việt Nam hoạt động như một chuyên trang mua sắm thời trang trực tuyến phục vụ khách hàng mục tiêu là phụ nữ văn phòng có độ tuổi từ 25 – 35.
- Carmudi.vn: là sàn giao dịch xe trực tuyến ra mắt tại Việt Nam từ tháng 2/2014, với sự chuyên biệt về xe cùng nguồn vốn đầu tư từ Rocket Internet, Carmudi nhanh chóng cạnh tranh với những thương hiệu nội vốn đã có thâm niên tại thị trường Việt Nam.
Carmudi có tốc độ phát triển nhanh chóng với trên 450 đại lý tại 4 tỉnh thành (Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng) và hàng chục ngàn khách hàng cá nhân đăng tin bán xe trên website Carmudi.vn, trong khoản đầu năm 2015 Carmudi đã chạm mốc với hơn 4 triệu lượng truy cập hằng tháng.
- Easy Taxi.vn: Easy Taxi là ứng dụng cho phép người dùng có thể đặt hoặc theo dõi xe taxi còn trống trong phạm vi gần nhất cho mọi chuyến hành trình.
- Food panda.vn: Food Panda là thương hiệu nổi bật hoạt động trong lĩnh vực đặt hàng thức ăn trực tuyến đã có mặt tại hơn 20 quốc gia trên thế giới, sau 3 năm thâm nhập vào thị trường Việt Nam, năm 2015 Food Panda Việt Nam sở hữu số đơn đặt hàng tăng 800% và đạt được tốc độ tăng trưởng mỗi tháng ở mức 20-25%.
Với kinh nghiệm xây dựng doanh nghiệp của mình, Rocket Internet có thể mang đến cho thị trường địa phương những cỗ máy hoạt động hiệu quả. Những tinh hoa như văn hóa doanh nghiệp và kỹ năng vận hành chuyên nghiệp cũng phần nào được lưu giữ. Quan trọng hơn, sự cạnh tranh sẽ đem lại lợi ích trước hết cho người tiêu dùng.
2. eBay
Năm 2011 hãng đấu giá trực tuyến hàng đầu thế giới eBay với hơn 94 triệu người dùng trên toàn cầu đã đầu tư mua gần 20% cổ phiếu của PeaceSoft, một công ty hàng đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến và quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam.
PeaceSoft đã thật sự khởi sắc sau khi nhận được phi vụ đầu tư từ eBay.
- ebay.vn: tạo điều kiện giao thương toàn cầu cho người mua Việt Nam và người bán trên eBay.
- nganluong.vn: Phát triển ví điện tử và cổng thanh toán trực tuyến. Đây là Cổng thanh toán trực tuyến được người dùng yêu thích nhất năm 2009 và 2010, mang đến cho người dùng Việt Nam một công cụ thanh toán an toàn và thuận tiện trong quá trình mua bán trực tuyến.
- adnet.vn: Bên cạnh đó là xây dựng mạng quảng cáo liên kết, nhằm cung cấp các nhà quảng cáo và nhà xuất bản một mạng lưới hàng ngàn các trang web và blog với hàng tỷ lượt xem mỗi tháng.
- chodientu.vn: Mở rộng một thị trường trực tuyến của địa phương để kết nối khách hàng Việt Nam và người bán thông qua một mạng xã hội mua sắm.
Mối quan hệ đầu tư này đem đến cho eBay cơ hội tham gia sâu rộng hơn vào thị trường TMĐT đang bùng nổ tại Việt Nam, đồng thời mang lại cơ hội lớn cho cá nhân, doanh nghiệp (mua hàng và bán hàng)… Việt Nam tiếp cận thị trường toàn cầu của eBay với hơn 94 triệu người dùng.
3. Alibaba
Bắt đầu từ tháng 06/2009 , Alibaba chính thức có đại diện tại Việt Nam là Công ty cổ phần đầu tư và công nghệ OSB. Trên thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam đã biết tới Alibaba.com từ những ngày đầu khi sàn thương mại điện tử giành cho doanh nghiệp này được thành lập vào năm 1999.
Tính từ thời điểm chính thức ủy quyền cho công ty OSB làm đại diện tại Việt Nam, Alibaba.com đã nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thông qua những hoạt động quảng bá cũng như chương trình hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Doanh nghiệp Việt Nam cũng đã rất nỗ lực ứng dụng thương mại điện tử, minh chứng là tính đến nay, có xấp xỉ 100.000 tài khoản đăng ký hoạt động trên alibaba.com đến từ Việt Nam, một con số hoàn toàn bất ngờ. Số doanh nghiệp tham gia lớn như vậy nhưng chưa có nhiều doanh nghiệp tận dụng hiệu quả TMĐT bởi một môi trường kinh doanh tốt chưa phải là yếu tố quyết định thành công mà đó mới chỉ là điều kiện cần; điều kiện đủ chính là sự tự vận động, tìm tòi của doanh nghiệp.
Bên cạnh Rocket Internet, eBay, Alibaba, thì Baidu bắt đầu đặt chân vào Việt Nam từ cuối năm 2011 với sản phẩm danh bạ website Hao123, trang hỏi đáp trực tuyến Baidu Hỏi Đáp….; “Baidu Trà đá quán” nhưng không mấy thành công.
Thương Mại Điện Tử tại Việt Nam luôn sôi động với các thương vụ đầu tư, đầu năm 2015 nổi trội với phi vụ 3 tập đoàn dịch vụ internet hàng đầu Nhật Bản, bao gồm: SBI Holdings, Econtext ASIA, BEENOS. Công ty cổ phần Sen Đỏ, trực thuộc Tập đoàn FPT đã công bố thương vụ hợp tác đầu tư chiến lược với Theo đó, 3 tập đoàn này sẽ nắm giữ 33% cổ phần tại Sen Đỏ.
Phải chẳng tại Việt Nam cuộc chiến sẽ không bao giờ ngừng giữa các Đại gia trong ngành thương mại điện tử?