Thạc sĩ kiến trúc người Việt làm giáo sư tại Singapore

Thứ tư - 15/04/2015 22:11 - Đã xem: 1367
Từ đầu năm 2015, kiến trúc sư (KTS) Võ Trọng Nghĩa có một công việc mới mà rất ít người biết đến là làm giáo sư tại một trường đại học tại Singapore. Trong khi đó, anh chỉ mới là thạc sĩ!
Giáo sư đặc cách
Trường đại học mà KTS Võ Trọng Nghĩa nhận lời làm giáo sư giảng dạy ngành thiết kế kiến trúc là Singapore University of Technology and Design (SUTD). Đây là trường đại học công lập, chuyên về đào tạo công nghệ và thiết kế, phát triển phối hợp với Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Vì thế, tiếp nối mô hình của MIT, dù mới thành lập khoảng 3 năm, trường này đã khá nổi tiếng, nhất là trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc.
Theo KTS Võ Trọng Nghĩa, vì biết đến những giải thưởng quốc tế của anh, trường đã đặc cách mời anh làm giáo sư. Nói là đặc cách bởi tại trường còn hàng trăm tiến sĩ hết sức chất lượng đến từ Mỹ, Tây Ban Nha, Đức, Ý… mới chỉ hợp đồng 2 năm, 3 năm mà chưa hề được phong giáo sư.
Một điểm đặc cách nữa là điều này rất khác so với chuẩn giáo sư tại Việt Nam. Anh chỉ có các giải thưởng quốc tế chứ không viết bài báo khoa học, chưa hướng dẫn tiến sĩ, cũng như chưa hề được phong giáo sư bởi Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước.
Đặc biệt nhất, anh mới chỉ là thạc sĩ. KTS Võ Trọng Nghĩa tốt nghiệp thủ khoa Học viện kỹ thuật Nagoya (Nhật Bản), nhận bằng thạc sĩ hạng ưu tại ĐH Tokyo. Anh bỏ dở quá trình học tiến sĩ để về Việt Nam làm việc dù khi ấy luận án tiến sĩ anh làm đạt giải thưởng nghiên cứu xuất sắc nhất của ĐH Tokyo.
“Ở nước ta, quy trình phong giáo sư khó về thủ tục, ở nước ngoài lại khó về thực chất. Đây cũng là một trong những điều hay mà tôi muốn biết khi nhận lời giảng dạy tại Singapore. Ngoài việc có thể bay đi, bay về trong ngày để làm việc khác, tôi muốn dạy ở Singapore để tìm hiểu hệ thống giáo dục của họ có gì ưu thế mà lại tạo được tên tuổi trên thế giới”, KTS Nghĩa nói.
“Xưởng may” nghiên cứu
KTS Võ Trọng Nghĩa kể điều anh rất bất ngờ khi đến trường này là việc nghiên cứu khoa học. Vì làm theo mô hình của MIT, trường này có một đội ngũ tiến sĩ danh giá khắp thế giới đổ về chỉ để làm nghiên cứu khoa học. Vì thế, năng lực sản xuất bài báo khoa học của trường rất khủng khiếp. Có những người lãnh lương chỉ để mỗi năm nghiên cứu và viết 1 - 2 bài báo khoa học.
Nhìn vào những căn phòng có các nhà nghiên cứu này, anh tưởng tượng như một xưởng may đang hoạt động hết công suất. Chỉ khác là thay vì sản xuất sản phẩm may mặc, họ lại sản xuất ra những sản phẩm nghiên cứu.
Theo KTS Nghĩa, đây chính là cách tăng chất lượng và thương hiệu của trường tốt nhất. Tuy nhiên, trường này có một lợi thế để làm được điều này vì đây là trường công lập, được chính phủ Singapore hỗ trợ nguồn vốn khổng lồ ngay từ đầu để hoạt động.
Một điều bất ngờ nữa là nhà trường mời rất nhiều người hỗ trợ sinh viên. Lớp KTS Nghĩa giảng dạy chỉ có khoảng 20 sinh viên. Tuy nhiên, ngoài anh ra, số lượng giảng viên, trợ giảng lại rất nhiều. Giáo án lên lớp của anh cũng được tùy nghi soạn và giảng dạy mà không phải thông qua bất kỳ ai cũng như phụ thuộc vào hướng dẫn gì. Mỗi buổi lên lớp, chỉ cần đưa ra đề tài nào mình thích để dạy.
KTS Võ Trọng Nghĩa sinh năm 1976, nổi tiếng với nhiều giải thưởng quốc tế. Tác phẩm Stacking Green House (tạm dịch Ngôi nhà xanh) từng đoạt giải International Architecture Award (Mỹ), Green Good Design (Mỹ), huy chương vàng Festival kiến trúc thế giới, được xếp vào danh sách 10 công trình kiến trúc độc đáo của thế giới…
Tác phẩm Ngôi trường Bình Dương đoạt giải ở thể loại nhà ở tại lễ hội kiến trúc thế giới (World Architecture Festival - WAF). Café Gió và Nước đã đoạt huy chương vàng Giải thưởng Hội Kiến trúc sư châu Á (Arcasia Awards) 2007-2008. Công trình Bamboo Wing tại Đại Lải, Vĩnh Phúc, sử dụng vật liệu làm từ tre vừa được bảo tàng Chicago Athenaeum, Mỹ, trao giải thưởng International Architecture Award…
Võ Trọng Nghĩa cũng được bình chọn là 10 KTS tiêu biểu năm 2012 của tạp chíArchitectural Record (Mỹ).

Đăng Nguyên

Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây