Sáng chế thành công gel trị bỏng

Thứ năm - 29/01/2015 04:10 - Đã xem: 1178
Cô sinh viên Huế đã nghiên cứu sáng chế thành công loại gel trị bỏng mới cho hiệu quả cao trên thỏ thí nghiệm.
Lê Thu Hương, sinh viên Trường ĐH Y dược Huế, đã vinh dự có mặt trong 11 gương mặt xuất sắc nhận giải nhất giải thưởng Tài năng khoa học trẻ VN 2014.
Khai thác đề tài lạ
Thu Hương kể, trong một lần tìm tài liệu cho bài tiểu luận, tình cờ cô phát hiện một báo cáo khoa học công bố từ năm 1980 về hóa chất pluronic trị bỏng của các nhà nghiên cứu có rất nhiều điểm lạ như: vật liệu được sử dụng trong nghiên cứu của báo cáo ngược với thực tế của các sản phẩm trị bỏng khác rất nhiều; chất pluronic tạo màng nhưng không bền vững và bị bào mòn nhanh chóng do dịch tiết trong vết thương bỏng gây nên và màng pluronic khi áp lên vết thương không bóc ra được dễ dàng, gây bất tiện khi sử dụng trên lâm sàng.
Thấy được nhược điểm trên có thể khắc phục để tạo nên một sản phẩm gel có tính ứng dụng thực tiễn cao hơn, Hương quyết định phát triển tiếp thành đề tài nghiên cứu: “Xây dựng công thức chế tạo gel pluronic chứa neomycin và pathenol nhạy cảm bởi nhiệt; xác định được độ kích ứng trên da; độ ổn định của chế phẩm theo thời gian bảo quản và khả năng trị liệu của chế phẩm trên thỏ thí nghiệm”. Thu Hương đã trình bày ý tưởng của mình với tiến sĩ Trần Hữu Dũng, Phó trưởng khoa Dược, ĐH Y dược Huế, và ngay lập tức nhận được sự đồng tình.
Giai đoạn đầu, Hương vấp phải nhiều phản đối vì đề tài quá lạ, song các thầy cô trong hội đồng phản biện vẫn giúp đỡ, góp ý để Hương hoàn thiện đề tài. Hương kể: “Chỉ riêng tên của đề tài, mình đã phải sửa đến 4 lần. Những lúc như thế, cũng có chút nản chí thật nhưng nghĩ đến gia đình, bạn bè, đặc biệt là thầy giáo hướng dẫn thì mình như được tiếp thêm sức mạnh. Trong suốt 2 năm nghiên cứu, kinh phí chủ yếu là từ thầy giáo cung cấp. Đến bây giờ mình rất biết ơn vì điều đó”.
Nhờ có thế mạnh tiếng Anh (vốn là học sinh chuyên ngữ của ĐH Ngoại ngữ Huế) nên nửa năm đầu, Thu Hương đã bỏ công để tìm tài liệu, chủ yếu từ nguồn tài liệu nước ngoài bằng tiếng Anh. Sau khi có được công thức thuốc, Thu Hương bắt tay vào công đoạn điều chế. Đây là thời gian Hương phải có mặt thường xuyên ở các nơi: Phòng thí nghiệm của trường, Công ty dược T.Ư tại Huế; Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Thừa Thiên-Huế để pha trộn bào chế và kiểm định thuốc...
Kết quả kiểm nghiệm trên thỏ, sản phẩm gel pluronic với các hoạt chất neomycin, panthenol do Thu Hương điều chế có tác dụng giúp vết thương không bị nhiễm trùng, kích thích tăng sinh niêm mạc và khiến vết thương chóng lành. Ngoài ra, tá dược góp phần tạo màng bảo vệ của chế phẩm là pluronic, PVA, S630 được đặt mua từ các công ty hóa chất trong và ngoài nước.
Kỳ vọng hoàn thiện
Theo Thu Hương, trên thị trường thuốc trị bỏng hiện nay có rất nhiều loại, nhưng gel trị bỏng thì hầu như không có. Vì vậy gel pluronic mà Hương điều chế được có thể gọi là loại gel đầu tiên của VN.
“Gel pluronic ở dạng lỏng (trong nhiệt độ 4 - 80C) có khả năng trải đều trên vết thương và tạo thành một lớp màng bền vững. Lớp màng này vừa có khả năng che phủ vết thương, tránh mất dịch, chất điện giải, đồng thời chống bội nhiễm từ bên ngoài, phóng thích kháng sinh và chất tăng sinh niêm mạc da, hỗ trợ hiệu quả trong điều trị tổn thương bỏng. Đặc biệt hơn, màng pluronic có thể dễ dàng loại bỏ khỏi vết thương khi cần thiết nên rất thuận lợi cho việc điều trị, theo dõi hằng ngày”, Hương giải thích.
Sau khi đề tài được chọn tham dự giải thưởng Tài năng khoa học trẻ VN, Thu Hương đã tốt nghiệp loại giỏi và trở thành tân giảng viên Trường CĐ Y tế Thừa Thiên-Huế.
Là cô giáo trẻ đầy đam mê, nhiệt huyết, Thu Hương luôn tất bật với công việc của khoa, trường nhưng cô vẫn luôn ấp ủ hoàn thiện đề tài của mình để sớm ứng dụng trên người. Thu Hương chia sẻ: “Mình nhớ có lần nấu ăn, bị bỏng nhẹ, sẵn có gel pluronic trong tủ lạnh gia đình, mình lấy ra thử luôn. Hiệu quả nó mang lại không khác so với thí nghiệm trên động vật”.
Tuy nhiên, theo Thu Hương, để gel pluronic thực sự được tiến hành thử nghiệm trên người thì còn cần rất nhiều yếu tố mới có thể hoàn thiện, trong đó thời gian và nguồn tài chính là hai yếu tố tiên quyết.

Phan Sáu

Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây