Bạn Bùi Thị Vân ở phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa), hiện đang làm việc trong một ngân hàng, thu nhập hàng tháng cũng được coi là ổn hơn so với nhiều người khác. Thay vì mua sắm tùy tiện, sau khi tính toán, lên kế hoạch các khoản chi tiêu, mỗi tháng, Vân tiết kiệm 1 triệu đồng gửi vào tài khoản. Như vậy, cứ mỗi năm, riêng khoản này, Vân đã có được 12 triệu đồng. Chưa kể, mỗi khi được thưởng, phần lớn số tiền Vân đều dành gửi tiết kiệm. Gần 8 năm nay, Vân đã tích lũy được một khoản tiền đáng kể mà nhiều bạn trẻ khác ao ước.
Vân cho biết: “Số tiền tích lũy này khi có việc gì cần mình sẽ sử dụng. Bây giờ đang độc thân thì mình vẫn gửi trong ngân hàng để sinh lời hàng tháng. Mình nghĩ, mỗi người có một khoản thu nhập khác nhau, nhưng dù chi tiêu gì thì cũng nên nghĩ đến tương lai. Tiết kiệm không bao giờ dư thừa, bởi cuộc sống không ai biết trước chữ ngờ. Có khi mình cần khoản tiền để làm gì đó mà không có thì sẽ như thế nào?”.
Mặc dù đồng lương công chức mỗi tháng cộng lại chỉ hơn 6 triệu đồng, phải lo tiền trọ, tiền nuôi con, tiền sinh hoạt, nhưng vợ chồng bạn Nguyễn Đức Toàn ở phường Nghĩa Thành cũng lựa chọn cách tiết kiệm là “nuôi heo đất”. Mỗi ngày, gia đình Toàn đều bỏ mấy ngàn đồng vào “heo”. Những lúc vợ chồng có lương, sau khi cân đo đong đếm chi tiêu, sinh hoạt hàng tháng, vợ Toàn lại bỏ cho “heo” 50.000 đồng. Hay khi cơ quan có khoản thưởng lễ, tết thì cũng đều bỏ hết vào “heo”. Cuối năm, hai vợ chồng “mổ heo” rồi bỏ vào sổ tiết kiệm cho con vừa phòng khi có việc cần dùng đến.
Cũng có những bạn trẻ thì mỗi tháng tiết kiệm bằng cách mua 5 phân hoặc 1 chỉ vàng. Cứ như vậy, việc mua vàng trở thành thói quen, sau nhiều năm tích lũy, các bạn trẻ đã có những khoản tiền đáng kể. Cũng có những trường hợp thì lựa chọn hình thức mua bảo hiểm cho người thân trong gia đình và xem đây là cách tiết kiệm hữu ích.
Bạn Nguyễn Thị Sáu ở phường Nghĩa Trung cho biết: “Tôi thấy việc mua bảo hiểm cho người thân trong gia đình cũng rất thiết thực bởi hiện nay, chế độ ưu đãi cao hơn trước như được hỗ trợ tiền nằm viện, chữa bệnh, lãi suất cũng khá cao”.
Quản lý tài chính, chi tiêu tốt và biết cách đầu tư, tiết kiệm hiệu quả sẽ giúp dự phòng cho tương lai tốt hơn. Do đó, mỗi bạn trẻ đều có thể lựa chọn những hình thức tích lũy và có kế hoạch tài chính càng sớm càng tốt để giải quyết mọi nợ nần và tăng tích lũy mọi lúc mọi nơi.
Thu nhập mọi người là không giống nhau, nên mỗi người trước khi lựa chọn hình thức tham gia cần tính toán, có kế hoạch chi tiết để khỏi thâm trước hụt sau rồi lại phải vay mượn để phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Thực tế, từ số tiền tích lũy được, nhiều bạn trẻ đã mạnh dạn lựa chọn đầu tư vào lĩnh vực mình thích để sinh lời cao hơn như buôn bán, chơi chứng khoán, góp vốn làm ăn…
Có thể nói, mỗi khi thực hành tiết kiệm, mỗi bạn trẻ đều đặt ra trong đầu mình câu hỏi như tiết kiệm để làm gì? Đây là câu hỏi khó, song khi chưa tìm ra đáp án thì mỗi bạn trẻ hãy dựa vào thu nhập của mình để lựa chọn cách tích lũy phù hợp. Bởi bệnh tật, ốm đau, việc đột xuất… là những điều không báo trước, thường đến bất ngờ. Hơn nữa, hình thành thói quen tiết kiệm sẽ giúp mỗi người có tư duy, cách tính toán, làm việc có kế hoạch và hiệu suất cao hơn.
Hoàng Hoài
Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...