Với đề tài nhiều ấn tượng này, Trụ đã đạt giải nhì trong cuộc thi “Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm 2014-2015” cấp tỉnh và đạt giải ba cấp quốc gia được tổ chức tại Đồng Tháp vào ngày 17/3 vừa qua.
Em Trụ (người bên trái) trình bày về nguyên tắc hoạt động của mô hình |
Việc hình thành ý tưởng với em rất tình cờ. Theo lời Trụ kể thì có một lần em và chị gái đi ô tô qua một đoạn đèo dốc bị khuất tầm nhìn, sương mù phủ nhiều, hai chị em đã trao đổi với nhau về độ nguy hiểm khi đi qua những đoạn đường như vậy, nhất là khi có xe đi ngược chiều vào ban đêm.
Sau đó, Trụ đã nghĩ tại sao lại không làm một biển báo hay một tín nhiệu nào đó để giúp người điều khiển phương tiện biết có xe đi ngược chiều với mình để tránh nguy hiểm có thể gặp. Cùng với ý tưởng ấp ủ đó, nên khi Sở Giáo dục - Đào tạo phát động Cuộc thi “Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm 2014-2015”, Trụ đã quyết định cụ thể hóa ý tưởng của mình thành một mô hình để dự thi.
Vì mô hình yêu cầu nhiều kỹ thuật cao mà em chưa được học các kiến thức cơ bản nên trong quá trình thực hiện, em đã nhờ sự giúp đỡ của một thầy giáo bộ môn vật lý. Cũng theo Trụ thì khâu quan trọng và khó nhất là xây dựng mạch cảm biến báo hiệu xe qua lại, xây mạch cảm biến sáng tối, xây dựng mạch điều khiển công suất biển báo, kết nối các bộ phận riêng lẻ với khối xử lý trung tâm và lập trình phần mềm cho bộ vi xử lý. Khâu chọn vật liệu để xây dựng mô hình cũng mất rất nhiều thời gian.
Sau hơn một tháng mày mò, nghiên cứu và thực hiện, mô hình của em đã hoạt động rất hiệu quả như dự kiến ban đầu. Khi đi tham gia cuộc thi, mô hình của em đã được Ban tổ chức đánh giá cao và nhận định có thể ứng dụng được vào thực tế cho những địa bàn có nhiều đoạn đèo dốc.
Trụ tâm sự: “Khi làm mô hình, em chú trọng nhất đến việc có thể ứng dụng được vào thực tế. Vì vậy, nguyên tắc hoạt động của mô hình biển báo này cũng rất đơn giản. Theo đó, khi lắp bộ hệ thống cảnh báo ở các đoạn đèo dốc, nếu có hai xe đi ngược chiều nhau, bộ cảnh báo sẽ phát tín hiệu để các chủ phương tiện đều biết và có cách xử lý tình huống phù hợp. Đặc biệt, hệ thống mạch điện cảnh báo theo mô hình có thể khắc phục được các nhược điểm của gương cầu lồi nhằm giảm thiểu được tai nạn xảy ra vào buổi tối hay khi sương mù. Nếu có một vật cản hay phương tiện ngược chiều bị ngưng hoạt động ở ngay đoạn đèo dốc thì xe đi ngược chiều cũng có thể nhận biết được nhờ hệ thống cảnh báo liên tục”.
Ngoài ra, Trụ cũng đã chú ý đến việc có nguồn điện để mô hình có thể khả thi ở bất kỳ đoạn đường nào. Những đoạn đường xa và không có điện lưới đi qua có thể sử dụng năng lượng mặt trời. Việc thực hiện mô hình cũng không quá phức tạp và tốn kém về chi phí, hoạt động lại ổn định nên hoàn toàn có thể áp dụng rộng rãi trong thực tế, nhất là ở địa bàn tỉnh ta.
Theo thầy Trần Công Nhị, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo thì cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học là cơ hội tốt để nhà trường động viên, khích lệ các em tinh thần học hỏi, khám phá, dám thử sức mình trong tất cả các lĩnh vực. Chính vì vậy, khi các em tham gia cuộc thi, nhà trường cũng đã có những sự hỗ trợ tích cực.
Riêng đối với em Trụ thì hàng năm chỉ đạt học lực khá thôi nhưng em lại rất đam mê nghiên cứu khoa học. Khi em trình bày ý tưởng và sự tâm đắc của mình, cùng với sự hỗ trợ thêm của giáo viên bộ môn vật lý, nhà trường cũng đã hỗ trợ về chi phí để em có thể hoàn thành được đề tài của mình một cách tốt nhất. Trong thời gian tới, nhà trường cũng sẽ tăng cường thực hiện các giải pháp để khích lệ được tất cả các học sinh có những sáng kiến, đề tài hay như em Trụ.
Bài, ảnh: Nguyễn Hiền