Anh Nguyễn Phi Tân dạy nghề cho người khuyết tật

Thứ năm - 26/09/2013 06:23 - Đã xem: 1132
Sinh năm 1981, do di chứng của chất độc da cam nên ngay từ nhỏ, Nguyễn Phi Tân, trú tại tổ dân phố 1, thị trấn Ðắk Mil (Ðắk Mil) đã bị teo chân trái, không đi lại nhanh nhẹn như người bình thường. Vậy mà, không những là chủ một cơ sở in đang ăn nên làm ra mà anh còn tổ chức dạy nghề cho nhiều người khuyết tật trong vùng.


Em Phương in lô gô
 
Theo lời anh Tân thì năm 2006, sau khi học xong 2 năm trung cấp tin học, được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội giới thiệu, anh tiếp tục đi học nghề in và trở về địa phương mở cơ sở in. Buổi đầu lập nghiệp, để có được những máy móc phục vụ công việc anh phải chạy vạy vay mượn tiền của người thân, hàng xóm để đầu tư.
 
Khó khăn tiếp nối khó khăn khi khách hàng chưa biết đến công việc của cơ sở khiến lượng hàng ít, thu nhập chẳng đáng là bao. Sau một năm tìm nhiều cách giới thiệu sản phẩm đến khách hàng, cơ sở in mới bắt đầu có thu nhập đáng kể. Cũng từ đây, anh Tân bắt đầu nhận các đối tượng khuyết tật trên địa bàn để vừa dạy nghề vừa tạo việc làm. Tân đã lặn lội đến từng gia đình có con em khuyết tật để vận động cho con đi học nghề. Tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều em khuyết tật tìm tới để học và làm nghề, có những thời điểm lên đến hơn chục học viên.
 
Trong quá trình học, các học viên khuyết tật được anh tạo điều kiện ăn, ở, sinh hoạt nội trú tại gia đình. Buổi đầu sống và làm việc chung với các em khuyết tật, anh Tân không lường hết được những khó khăn gặp phải, vì có những em bị câm điếc, bị ngọng nói không thành lời. Ðể các em hiểu và hiểu được các em, anh đã dành nhiều thời gian gần gũi, học cách diễn đạt ngôn ngữ bằng hình thể. Sự kiên trì đã giúp anh vượt qua những khó khăn của buổi đầu,  để không ngần ngại “cầm tay chỉ việc” từng em cho đến khi thành thạo việc.



Cơ sở còn nhận may đồng phục cho học sinh trên địa bàn
 

Anh Tân cho biết: “Nghề in không khó, chỉ cần nắm được cách làm và làm theo quy trình. Ðiều khó của cơ sở là các em khuyết tật mỗi em có một khiếm khuyết riêng nên việc dạy và bố trí công việc tùy thuộc vào từng em. Bản thân mình cũng có khiếm khuyết về cơ thể nên hiểu khá rõ người khuyết tật cần những gì trong cuộc sống. Vì vậy, mình tâm niệm có thể giúp được gì cho các em được chừng nào hay chừng ấy, có được một nghề ổn định để hòa nhập với cuộc sống ”.
 
Từ khi mở cơ sở in đến nay, anh Tân đã dạy nghề cho khoảng 40 học viên khuyết tật. Sau những năm học và làm nghề tại cơ sở, nhiều học viên đã ra nghề và đi làm tại các nơi khác. Hiện nay, cơ sở vẫn đang nuôi dạy 3 em khuyết tật là Lăng Văn Cấp, bị gù từ nhỏ; Lý Văn Long, bị liệt hai chân và Nguyễn Thị Phương bị khuyết tật chân.
 
Em Phương chia sẻ: “Ở đây, em được chăm lo rất chu đáo, chỉ cần chăm chỉ học được nhiều và biết việc để làm. Ðến nay, em đã được học những công việc của nghề in, nhưng vẫn cần được chỉ dạy thêm để làm việc nhanh và hiệu quả hơn”. Còn em Lý Văn Long cũng tâm sự: “Ðến đây học và làm việc, em thấy rất vui vì vừa được học nghề vừa tự mình kiếm tiền để tự nuôi sống bản thân”.
 
Bài, ảnh: Đức Hùng

Nguồn tin: Đăk Nông Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây