Tuy nhiên, mặt trái của Internet cũng không ít. Ðặc biệt, khi tham gia các mạng xã hội như blog, chat, diễn đàn, facebook… nhiều bạn trẻ có thể bị lạm dụng thông tin cá nhân; giao lưu, kết bạn với đối tượng phức tạp, trở thành nạn nhân của những “trò bẩn” trên mạng…
Mặc dù hiện đã có nhiều phần mềm vi tính giúp các bậc cha mẹ chặn, lọc thông tin, định giới hạn thời gian lướt web, kiểm soát “hành tung” online của con em, thậm chí nếu cần thiết có thể biết cả mật khẩu để kiểm soát email… Song, các phần mềm không thể chặn lọc tất cả thông tin hay trang web xấu.
Ngoài ra, những bạn trẻ khá vi tính có thể phát hiện việc dùng những phần mềm này và tìm cách “vượt rào”, hoặc nếu ra tiệm net công cộng thì hầu như khó kiểm soát. Ðáng lưu ý là việc ngăn chặn, kiểm soát là cách áp đặt, dễ làm con em tránh xa cha mẹ.
Ðồng thời không nên đọc trộm email của con em, người thân vì hành động đó tương tự như kiểu coi trộm thư từ, nhật ký mà bạn trẻ muốn giữ kín cho riêng mình. Thật nguy hiểm nếu các bạn trẻ mất niềm tin nơi cha mẹ. Biện pháp kỹ thuật có thể thích hợp với trẻ nhỏ, nhưng không mấy tích cực.
Vì vậy, giải pháp hữu hiệu, tích cực giúp các bạn trẻ biết “tự đề kháng” khi sử dụng Internet chính là đối thoại. Theo đó, thay vì ngăn chặn, kiểm soát hay rình rập, cha mẹ cần xây dựng mối quan hệ tin tưởng, thương yêu để con em chia sẻ về “cõi riêng” đó.
Còn nếu vẫn muốn sử dụng chương trình phần mềm để lọc/kiểm soát thông tin, cha mẹ nên trao đổi và giải thích cho con em mình hiểu đó như là công cụ hỗ trợ lướt web an toàn. Ngoài ra, phụ huynh cũng có thể thử nhờ con em “dạy” mình vào thế giới online và khôn khéo tạo tình huống thảo luận với con em về những chọn lựa có ý thức và trách nhiệm khi lên mạng.
Ðối thoại cởi mở, chia sẻ với con em thích gì, ghét gì, chuyện gì mới đang diễn ra trong cộng đồng mạng để dõi bước theo con em hay cùng con xây dựng một số nguyên tắc an toàn cho gia đình như khóa cửa, tắt điện, đội nón bảo hiểm khi đi xe máy, chia sẻ thông tin online… là những giải pháp rất hữu hiệu.
Việc chủ động hướng dẫn, huấn luyện con em nắm một số quy tắc như giữ kín thông tin cá nhân, tránh xa “người lạ online”, chia sẻ với cha mẹ về những khó khăn, vấn đề nảy sinh khi lướt web…cũng cần được thực hiện.
Cha mẹ cũng có thể chủ động cùng/giúp con em khai thác Internet để đào sâu, mở mang và thực hành tri thức thông qua cách truy tìm, chọn lọc, kiểm định và sử dụng thông tin. Như một người bạn, hãy cùng con em mình đọc và phân tích tin tức thời sự phù hợp lứa tuổi; cùng nấu ăn theo thực đơn trên mạng, tìm hiểu cách dùng thuốc men, bảo vệ răng miệng… Tùy sở thích, phụ huynh cần khơi gợi, động viên con em tạo nhóm công tác xã hội online, làm dự án cộng đồng…cũng là một cách làm hay.
H.H