Khi đôi môi rạn nứt

Thứ hai - 11/11/2013 02:18 - Đã xem: 1167

Khi đôi môi rạn nứt

Môi được xem là một trong những bộ phận rất quan trọng của cơ thể. Các nhà thơ, nhạc sĩ cũng đã làm nên hàng ngàn tuyệt tác nói về vẻ đẹp của đôi môi vốn làm cho họ từng “chết lên, chết xuống”.
Ai cũng muốn mình có một đôi môi thật gợi cảm và quyến rũ nhưng đôi khi cũng “lực bất tòng... môi”. Thỉnh thoảng môi bị nứt nẻ khiến “thân chủ” phải chịu nhiều đau đớn và bối rối.

Môi nứt là một tình trạng bệnh mà 2 môi trở nên khô. Hiện tượng này xảy ra khi lớp da ở môi mất khả năng giữ ẩm. Không như những phần khác của da, môi thiếu tuyến dầu sản xuất ra melanin, vì thế rất dễ bị nứt khi tiếp xúc với ánh nắng quá gắt hoặc gió lạnh... Khi ấy, môi càng bị mất khả năng giữ độ ẩm khiến nó càng trở nên khô, nứt và gây đau.

Ngoài ra, môi nứt nẻ còn do nhiều nguyên nhân khác như thói quen liếm môi, dị ứng với những hóa chất có trong son môi hoặc những loại mỹ phẩm xoa môi, cơ thể bị mất nước, khói thuốc... Chế độ dinh dưỡng không thích hợp, chẳng hạn bữa ăn thiếu các loại axít béo, thiếu các vitamin nhóm B cũng rất dễ khiến môi bị nứt nẻ.

Một nguyên nhân khác gây nứt môi mà ít ai để ý là do trong khi ngủ, bạn thở bằng miệng thay vì bằng mũi. Không khí liên tục thổi qua đôi môi sẽ khiến nó mất nước, làm môi bị khô nứt. Nguyên nhân khiến bạn thở qua miệng có thể do bị nghẹt mũi hay kê gối ngủ ở vị trí không thích hợp...

Để cải thiện hoặc ngăn ngừa tình trạng môi bị nứt, bạn nên bỏ thói quen liếm môi. Khi môi khô nứt, người ta thường có phản xạ liếm môi nhằm giúp nó ẩm ướt, bớt đau và giảm kích ứng nhưng trớ trêu thay, do nước miếng bay hơi rất nhanh nên môi càng bị khô và mất đi độ ẩm.

Một lưu ý nữa là bạn không nên tiếp xúc với ánh nắng quá mức, cố gắng giữ cho không khí trong nhà có được độ ẩm cần thiết. Nếu cần, nên sử dụng máy tạo độ ẩm trong nhà, tránh dùng những loại son môi không có nguồn gốc rõ ràng, nhất là loại có nhiều hương vị quyến rũ. Khi ra đường vào những ngày oi bức, bạn nên dùng son dưỡng môi có công dụng chống nắng.

Cũng đừng quên chế độ dinh dưỡng hằng ngày, chú trọng những bữa ăn giàu axít béo như cá, các loại hạt, trái bơ, các loại thực phẩm giàu vitamin nhóm B và chất sắt...

Điều quan trọng bạn cần luôn lưu ý là không được tùy tiện sử dụng dược phẩm mà không có sự chỉ dẫn của thầy thuốc vì có một số loại dược phẩm sẽ làm cho da khô nứt.

Một khi môi đã bị nứt, cách tốt nhất để “đương đầu” là dùng dầu ô-liu (olive) thoa lên.

Dược sĩ Nguyễn Bá Huy Cường

Nguồn tin: Người Lao Động

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây