Quả sung chữa bệnh

Chủ nhật - 10/11/2013 21:22 - Đã xem: 1155

Quả sung chữa bệnh

Cây sung thuộc họ dâu tằm, dạng cây to, không có rễ phụ. Ngoài dùng làm thực phẩm, sung còn dùng để chữa bệnh, như sỏi túi mật.

 

 Quả sung chữa bệnh
Quả sung - Ảnh: T.Xuân Chi

Theo cố GS-TS Đỗ Tất Lợi, dùng nhựa sung bôi trực tiếp vào chỗ đau nhiều lần, nếu mụn nhọt sưng tấy, đỏ, đau chưa có hiện tượng kết mủ thì giã lá sung đắp lên chung quanh; nếu đã có khu trú thành ổ mủ thì ta vẫn bôi và đắp lá sung nhưng để hở nơi có mủ. Với chị em thấy đau nhức ở đầu vú thông thường cũng cách pha chế như thế đắp lên xung quanh vú (để hở đầu vú).

Đối với những bệnh nhân đau nhức đầu chưa rõ nguyên nhân, lấy nhựa sung cho lên giấy bản đắp vào hai bên thái dương. Đôi khi cũng phương pháp này ta cũng có thể chữa bệnh tê liệt nhẹ ở thần kinh ngoại vi, cũng có khi dùng phối hợp bôi ngoài kết hợp ăn lá sung luộc chín hoặc uống nhựa sung (cho vào một cốc nhỏ nước sôi để nguội, uống trước khi đi ngủ). Tầm gửi bám sống trên cây sung đem thái nhỏ, sao vàng, thơm giòn, liều dùng 30 - 50 gr sắc cô đặc uống trong ngày để chữa tiểu ra máu.

Đối với trái sung trắng còn có tác dụng rất tốt trong điều trị tiêu sỏi trong gan mật. Hiện ở Quy Nhơn, Bình Định có nhiều bệnh nhân bị sỏi trong gan mật đã tham khảo, kiên trì tự thu hái trái sung trắng về để điều trị bệnh sỏi gan mật của mình. Như ông Lê Thanh H., 53 tuổi, bị bệnh sỏi túi mật nhiều năm, đã 2 lần vào bệnh viện ở TP.HCM để mổ lấy sỏi mật, nhưng một thời gian sau thì bị cơn đau thắt vùng túi mật, phải đi điều trị nhiều lần và qua chụp X-quang lại thấy có sỏi trong túi mật. Bệnh nhân này lấy trái sung trắng về rửa sạch, sao vàng, cho vào lọ đậy nút kín, mỗi lần dùng 4-5 trái cho vào trong nước đun sôi (hoặc trực tiếp đun sôi) để uống trong ngày. Kết quả sau nhiều tháng, bệnh nhân H. đi kiểm tra lại thì túi mật không còn sỏi. Về việc này đương nhiên phụ thuộc vào cơ địa từng người, cùng một chứng bệnh và cách điều trị như nhau có thể mỗi người sẽ có kết quả khác nhau. Ở đây chỉ nêu ra một trường hợp bệnh sỏi mật và đáp ứng tốt với cách tự điều trị bằng trái sung, cho kết quả khả quan.

Xin nói thêm là đối với những bệnh nhân có sỏi mật dù nhỏ hay lớn, khi mới phát triển thường có những cơn đau âm ỉ ở vùng hạ sườn bên phải. Trong kinh nghiệm lâm sàng, chúng tôi gặp những bệnh nhân, đặc biệt là phụ nữ khi chưa có siêu âm ổ bụng, chẩn đoán qua phim chụp X-quang nhiều khi không thấy có sỏi trong túi mật. Đến khi cơn đau dữ dội có biểu hiện vàng da vàng mắt cộng với chẩn đoán cận lâm sàng các chức năng về gan mật, một vài bệnh nhân phải can thiệp phẫu thuật để giải phóng sỏi mật.

Và cần lưu ý, mặc dù thuốc nam ít tác dụng phụ, nhưng phải luôn luôn thận trọng và tùy thuộc theo cơ địa của mỗi bệnh nhân mà sử dụng, đây được xem là nguyên lý căn bản trong nghiên cứu áp dụng các bài thuốc nam trong dân gian, để đề phòng những tác dụng phụ của mỗi loại cây, con thuốc có trong vườn nhà. 

BS Trang Xuân Chi

Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây