|
Khó xác định nguyên nhân
Biểu hiện thường gặp ở bệnh mề đay là ngứa rất khó chịu, khiến người ta phải chà xát lên vùng ngứa, da dày lên từng chùm và nổi những mảng sẩn đỏ. Tại buổi nói chuyện về chuyên đề này ở TP.HCM mới đây, các bác sĩ cho biết có nhiều yếu tố gây bệnh mề đay, như mề đay do tiếp xúc với thời tiết, môi trường lạnh; do ánh nắng; do kích thích cơ học; do phản vệ; do nước, do thuốc; do thực phẩm, do mệt mỏi, stress... Nói chung đây là một phản ứng viêm của da, có cơ chế gây bệnh phức tạp, có nhiều yếu tố gây bệnh từ tác nhân bên trong đến bên ngoài cơ thể. Trên cùng một bệnh nhân, đôi khi không chỉ có một mà gồm nhiều yếu tố cùng kết hợp gây bệnh. Mặc dù là một bệnh da khá phổ biến, người bệnh rất dễ nhận biết ngay. Tuy nhiên, loại bệnh này lại rất khó phát hiện nguyên nhân - ngay cả khi đã làm đầy đủ các xét nghiệm.
Điều trị
Theo các bác sĩ, với mề đay cấp tính xảy ra nhanh, đột ngột, có thể tái phát cho đến dưới 6 tuần (tùy thuộc vào nguyên nhân). Mề đay mạn tính thường tái phát kéo dài trên 6 tuần. Phần lớn người bệnh cấp tính đến với bác sĩ đa khoa, còn trường hợp mạn tính thường đến chuyên khoa da liễu. Việc điều trị mề đay: với trường hợp cấp tính bệnh có thể hết nhanh sau đó, những mảng sưng lặn mất không để lại dấu vết gì. Lúc này cần tránh dùng các thực phẩm hải sản có nguy cơ gây dị ứng, tránh thực phẩm có tính kích thích (như tiêu, ớt, trà, cà phê...), ăn uống nhẹ, dễ tiêu; nếu biết được tác nhân gây bệnh thì việc loại bỏ tác nhân là chính yếu. Cũng có trường hợp mề đay làm sưng phù ở những vị trí như đường hô hấp gây nguy hiểm phải cấp cứu; hay làm sưng vù ở bộ phận sinh dục. Với trường hợp bệnh mạn tính thường có liên quan đến bệnh khác bên trong cơ thể, do vậy cần đến bác sĩ chuyên khoa điều trị. Trong trường hợp này, chú ý loại trừ yếu tố gây bệnh (nếu xác định được) thì việc điều trị mới đạt hiệu quả nhất.
Thanh Tùng
Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...