Khỏi dông dài cũng hiểu mức độ rụng tóc phản ánh tuy gián tiếp nhưng trung thực về sức đề kháng và nguồn dự trữ dưỡng chất của cơ thể nạn nhân. Tóc khô, tóc chẻ, tóc mất chất keo nhờn ở chân có thể vì bệnh nhưng cũng có thể vì chúng đói meo nên mất nước bóng, mất độ bền, bật gốc.
Tóc tất nhiên khó trụ lâu nếu da đầu bội nhiễm. Thanh trùng da đầu là chuyện phải làm. Tuy nhiên, nếu tưởng tóc rụng chỉ vì bội nhiễm thì lầm. Nếu giữ sạch da đầu mà tóc vẫn như lá mùa thu thì đừng quên bàn tay phá hoại trong bóng tối của một số căn bệnh như đái tháo đường, bệnh tuyến giáp, viêm da thần kinh… Cẩn tắc vô áy náy, nên đến thầy thuốc cho sớm nếu tình trạng rụng tóc kéo dài nhiều ngày, không chỉ vì sợ hói đầu mà để tầm soát bệnh khác quan trọng hơn nhiều.
Chống rụng tóc cũng từa tựa như giúp người hụt vốn. Nếu thiếu dưỡng chất cần thiết cho cấu trúc của sợi tóc gồm chất sừng, chất đạm, chất béo như sinh tố A, C, axít folic và khoáng tố như kẽm, selen… thì tóc phải “hết đát” sớm hơn bình thường. Trong số các dưỡng chất cần cho tóc, quan trọng hàng đầu là kẽm. Tình trạng rụng tóc vì thiếu kẽm rất rõ nét ở người cao tuổi, người bệnh đái tháo đường, bệnh gan, thận. Muốn tóc ở lại, ngoài việc dung nạp tối thiểu 15 mg kẽm/ngày, phải cần thêm không dưới 5.000 đơn vị sinh tố A, 5 mg tiền sinh tố A, 100 mg sinh tố C, 2,5 mg B6, 3 microgram B12, 400 mg axít folic, 6 mg pantothen, 20 mg sắt, 50 mg selen. Điều đó cho thấy chỉ với biện pháp dùng ngoài hầu như không đủ để giữ tóc trên đầu.
Thêm vào đó, kẽm rất dễ thất thoát do tác dụng bất lợi của một số thuốc khi dùng dài lâu, chẳng hạn thuốc kháng sinh, lợi tiểu, tẩy xổ, trị bệnh gút, ngừa thai, thuốc chứa corticoid, hạ huyết áp, hạ mỡ trong máu… Người dùng các loại thuốc này nên được bổ sung kẽm và các khoáng tố vi lượng khác, càng thường xuyên càng tốt, nhất là khi vừa chớm phát hiện rụng tóc.
Trị bệnh tận gốc khác xa đau đâu chữa đó. Tóc không vô cớ bỗng rụng. Tóc cũng không có tật xấu ăn tham. Tóc nếu thiếu ăn thường do thiếu dưỡng chất vì không được bổ sung kịp thời hoặc do thất thoát nhưng gia chủ không ngờ. Tìm cho ra nguyên nhân là công việc của thầy thuốc. Chữa bệnh như thế gọi là trị bệnh tận gốc. Không có cách nào khéo hơn.
Nhưng đừng vì thế mà chỉ nhìn tóc dưới góc độ miếng ăn. Nên nhớ, theo kết quả nghiên cứu hẳn hoi, không dưới 30% trường hợp rụng tóc không vì chúng thiếu ăn mà vì gia chủ quá tham - sân - si. Khi đó, nội tiết tố thừa cơ sản sinh trong tình huống stress nặng sẽ phá hủy cấu trúc của sợi tóc cho dù gia chủ đủ ăn và ăn đủ. Tóc rụng vì “tâm không bình yên” khó chữa gấp trăm lần tóc rơi do “thực mà không dưỡng”.
Nguồn tin: Người Lao Động
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...