Ăn tiết canh vịt, nhiễm... liên cầu lợn!

Thứ ba - 22/12/2015 22:42 - Đã xem: 966
Các chuyên gia nhận định có tiết canh vịt “giả” được làm từ huyết heo kém chất lượng trộn với formaldehyde, bột màu công nghiệp, gây hại cho gan, thận con người

Mới đây, tại tỉnh Bạc Liêu đã xảy ra trường hợp tử vong liên quan đến tiết canh gây chấn động miền Tây. Ông H.M.H (59 tuổi), nguyên giám đốc một sở của tỉnh này, sau khi ăn tiết canh dơi thì đau bụng dữ dội, tiêu chảy nhiều lần và không qua khỏi trên đường đưa đến bệnh viện cấp cứu. Dù chưa có bằng chứng khoa học xác định tiết canh dơi là “nghi án” trong vụ ngộ độc chết người này nhưng một lần nữa, hồi chuông cảnh báo cho cộng đồng về mối nguy rình rập khi ăn thức ăn có huyết động vật lại được gióng lên.

Tiết vịt ở đâu nhiều thế?

Không có gì lạ khi các quán nhậu chuyên về vịt, tiết canh vịt lúc nào cũng đông khách. Có chăng là câu hỏi tiết canh vịt ở đâu ra mà nhiều đến nỗi các quán luôn đựng sẵn trong các can nhựa loại 20-30 lít, sẵn sàng phục vụ khi khách có nhu cầu. Lân la các điểm bán tiết canh, cháo lòng trên địa bàn TP HCM, chúng tôi cảm thấy bất an về món ăn có thành phần là huyết tươi này.

Một bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn đã không qua khỏi dù được các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM tận tình cứu chữa
Một bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn đã không qua khỏi dù được các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM tận tình cứu chữa

Tại một quán nhậu bình dân trên đường Linh Trung, quận Thủ Đức, dù là đầu tuần nhưng nhiều người đã kéo đến khá đông, trong đó có một số công nhân. Họ vừa ăn món tiết canh vừa nói chuyện rôm rả. Thử gọi một món, chủ quán nhanh nhảu lấy từ tủ lạnh một ca huyết, đổ vào chén đã chuẩn bị sẵn lòng ruột băm nhuyễn, rải một ít đậu phộng rồi mang ra. Nhìn thấy chén huyết đỏ roi rói cũng hấp dẫn thật nhưng nghĩ đến những gì mình biết về “hậu trường” chế biến món này, tôi chợt rùng mình, đành gọi thêm đĩa vịt luộc chín thay thế.

Qua tìm hiểu, ở TP HCM có đến hàng trăm quán bán tiết canh vịt. Mỗi con vịt có lượng huyết tương đối ít nhưng không hiểu các quán lấy đâu ra huyết hằng ngày để cung cấp cho hàng trăm thực khách. Không ít dân nhậu cũng hay thắc mắc phải chăng nhiều quán đã dùng đến huyết heo rồi “phù phép” thành tiết canh vịt mà người ăn không thể nào phân biệt? Nghi vấn này được củng cố khi một chuyên gia chuyên về bệnh truyền nhiễm, TS-BS Nguyễn Hoan Phú (Khoa Nhiễm Việt - Anh Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM), thốt lên khi trao đổi với chúng tôi: “Rất khó phân biệt đâu là huyết heo hay huyết vịt. Không có loại vịt nào mà lượng huyết của nó đựng cả can nhựa hàng chục lít như thế!”.

Tiết canh vịt giả làm bằng huyết heo đã đành, đằng này có loại huyết giả pha hóa chất càng đáng sợ hơn. Một số chuyên gia cho biết có loại tiết canh vịt giả được chế biến từ huyết heo trôi nổi trộn với formaldehyde, bột màu công nghiệp, thật sự là mối nguy hại đối với gan và thận con người khi ăn vào.

Chưa biết nên chưa sợ

Những hiểm họa khôn lường do sử dụng huyết heo chưa nấu chín tiềm ẩn trong cộng đồng nhưng có vẻ như người dân chưa biết nên chưa sợ. Các bác sĩ lưu ý nguy cơ lớn nhất là nhiễm liên cầu lợn. Không ít người dù ăn món tiết canh vịt nhưng lại bị nhiễm liên cầu lợn do họ ăn phải loại tiết canh vịt giả (làm từ huyết heo). Ngoài ra, những hóa chất trộn với huyết heo để kéo dài thời gian bảo quản không hề được kiểm tra về mức độ an toàn cũng là tác nhân gây nguy hại cho sức khỏe người sử dụng. Tóm lại, các món ăn được chế biến từ huyết động vật chưa chín, huyết giả đã dẫn đến những cái chết đau lòng và đang tiếp tục là tác nhân gây nguy cơ cao nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Chỉ riêng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP, từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận 10 trường hợp nhiễm liên cầu lợn, trong đó có 3 người tử vong. Theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP, dự báo số ca mắc sẽ không dừng lại ở con số này.

Di chứng nặng nề, điều trị tốn kém

Theo BS Hồ Đặng Trung Nghĩa, giảng viên Bộ môn Nhiễm Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, tại phía Nam, bệnh liên cầu lợn xuất hiện suốt năm. Khi nhiễm bệnh này, nếu điều trị trễ dễ bị hoại tử lan rộng dẫn đến phù não, tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề như ngớ ngẩn, động kinh, điếc... Đó là chưa kể chi phí điều trị khá tốn kém, chỉ riêng lọc máu đã có thể lên đến 10 triệu đồng/ngày. Nghiên cứu cho thấy trong số bệnh nhân được điều trị phục hồi, có 60% bị ù tai hoặc giảm thính lực, 20% điếc hoàn toàn. Nghiên cứu trên 100 bệnh nhân ở phía Nam mắc bệnh thì có 70% ăn lòng heo, tiết canh.

 

Bài và ảnh: NGUYỄN THẠNH

Nguồn tin: Người Lao Động

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây