Chương trình do chính các đội văn nghệ dân gian ở các thôn, bon trên địa bàn dàn dựng, lần lượt biểu diễn tại 5 xã Đắk Ha, Quảng Sơn, Đắk P’lao, Quảng Hòa, Đắk R’măng, thu hút đông đảo người dân tham gia, cổ vũ.
BIỂU DIỄN CHO NHAU XEM
Mặt trời vừa khuất núi, những người dân bon trên, bon dưới đổ về nhà cộng đồng xã Đắk P’lao ngày càng đông. Dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người mẹ đìu con, bà đìu cháu, anh dắt em, chồng đèo vợ tập trung về điểm diễn ra đêm văn nghệ trong chương trình “Khơi nguồn bản sắc”.
Những đội văn nghệ từ các thôn, bon trên địa bàn cũng có mặt khá sớm, từng nhóm đứng dọc hành lang nhà cộng đồng để chuẩn bị trang phục, nhạc cụ cho buổi biểu diễn.
Em H’Nêm, dân tộc M’nông đến từ xã Quảng Sơn, sau khi đã chuẩn bị xong trang phục biểu diễn đã giúp các bạn dân tộc Mông trong đội văn nghệ đến từ xã Đắk R’măng làm tóc, trang điểm.
Đội văn nghệ thôn 5, xã Đắk R’măng (Đắk Glong) chuẩn bị trang phục biểu diễn |
Em Thào Thị Sinh, trú tại thôn 5, xã Đắk R’măng tâm sự: “Sáng nay em vẫn cùng mẹ lên rẫy làm cỏ sắn, đến chiều thì tranh thủ về sớm để cùng đội văn nghệ đi biểu diễn. Qua những đêm diễn trước, em thấy rất thích xem những tiết mục các bon khác biểu diễn, biết được trang phục, nhạc cụ đặc trưng của từng dân tộc”.
Lần đầu tiên, một chương trình văn nghệ đa dạng và đặc sắc với sự góp mặt của 13 nhóm dân tộc khác nhau được tổ chức. Gây được ấn tượng mạnh đối với người xem là màn trình diễn tái hiện nghi lễ “khua luống” trong lễ đón dâu truyền thống của người Thái.
Nghi lễ bắt đầu với màn khua luống nhịp nhàng, rộn rã; sau đó là những nghi lễ đón một người con dâu từ cổng vào nhà. Các tiết mục đặc sắc khác như màn múa “Cơm Mường Vó, lọ Mường Vang” của người Mường, múa cồng chiêng của người M’nông, điệu nhảy “Xính Tiền” của người Mông... được những “nghệ sĩ không chuyên” biểu diễn với tất cả sự hồn nhiên và đam mê của mình.
Sau mỗi tiết mục biểu diễn, người dẫn chương trình đưa ra câu hỏi giao lưu để đồng bào tự nói về cái hay, cái đẹp, ý nghĩa, hay lý do chọn tiết mục của mình. Câu trả lời của các đội văn nghệ đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích, giới thiệu cho khán giả hiểu những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình.
Tái hiện nghi lễ đón dâu của người Thái |
TỰ HÀO BẢN SẮC
Năm nay 67 tuổi, bà Hà Thị Danh, người dân tộc Thái, được xem là người cao tuổi nhất trong các thanh viên tham gia biểu diễn tâm sự: Được tham gia biểu diễn tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc mình, tôi phấn khởi, tự hào lắm. Thông qua chương trình, chúng tôi mang những câu chuyện đời thường hàng ngày đến đây để giới thiệu nét văn hóa truyền thống cho các dân tộc khác biết.
Ông Lò Văn Tỉnh, 64 tuổi được cháu chở từ thôn 4, xã Đắk R’măng qua xem chương trình nói: Huyện Đắk Glong có nhiều dân tộc cùng sinh sống. Khi tham gia chương trình, mỗi dân tộc mang đến một tiết mục để biểu diễn, nên rất đặc sắc, khiến người xem thích thú, hiểu biết được thêm về nét văn hóa dân tộc khác. Giới thiệu được bản sắc văn hóa dân tộc mình cho những dân tộc khác đó là niềm tự hào rất lớn.
Anh Thào A Tú ở thôn 5, xã Đắk R’măng thành viên trong đội văn nghệ của thôn đưa cả vợ và đứa con một tuổi vượt hơn 30km để đến với chương trình. Còn em H’Nêm từ xã Quảng Sơn cùng đội văn nghệ đã không quản ngại đường sá xa xôi, vượt gần 50km để đến tham gia biểu diễn.
Đông đảo người dân đến xem các đội văn nghệ “cây nhà lá vườn” biểu diễn |
Theo bà Nguyễn Thùy Linh, Giám đốc Trung tâm nâng cao năng lực cộng đồng thì chương trình được thực hiện với mục đích tôn vinh nét văn hóa truyền thống, giúp người dân tự xây dựng những tiết mục văn nghệ trên những giá trị văn hóa vốn có. Mỗi đội văn nghệ mang những bản sắc văn hóa dân tộc được xem là đặc sắc nhất để lên sân khấu biểu diễn, giới thiệu với bà con gần xa.
Quá trình lựa chọn tiết mục và dàn dựng cũng chính là quá trình bà con cùng nhau tìm hiểu về ý nghĩa, nét đẹp văn hóa dân tộc mình, bồi đắp tình yêu, gìn giữ những giá trị đó. Đây thật sự là dịp để đồng bào các dân tộc trong vùng biết về đặc trưng văn hóa của nhau, cùng nhau giữ gìn, phát huy trong cuộc sống hàng ngày, làm phong phú thêm đời sống tinh thần.
Bài, ảnh: Đức Hùng