Dựng lán trại, chiếm giữ đất trái phép
Sau nhiều lần đòi “quyền lợi” không thành, nhiều bà con thuộc 2 xã Nâm Nung và Nâm N’đir đã tụ tập để gây sự với Công ty Nam Nung. Trong năm 2021, nhiều thời điểm bà con đã tụ tập đông người, không cho lực lượng công nhân của Công ty Nam Nung tổ chức khai thác mủ cao su. Vụ việc phức tạp hơn khi ngoài diện tích đã tranh chấp trước đây, người dân còn kéo đến những khu vực cao su khác để lấn chiếm.
Theo ông Võ Công Cường, Chủ tịch Công ty Nam Nung, từ trước đến nay, đơn vị không thống kê và nhớ rõ bao nhiêu đợt người dân tụ tập đông người, tổ chức ngăn cản công nhân khai thác mủ. Tuy nhiên, từ cuối tháng 6-10/9/2021, có 4 đợt người dân tụ tập đông người, xây dựng chòi lán trên diện tích cao su của Công ty Nam Nung.
Mới đây nhất, vào ngày 7/9/2021, khoảng 100 người dân tộc thiểu số tại chỗ ở xã Nâm Nung ngồi trên 4 xe càng và nhiều xe máy kéo vào lô cao su để bao chiếm. Đoàn người chia thành nhiều nhóm nhỏ để khai thác mủ cao su.
|
Hàng chục chòi, lán của người đồng bào dân tộc tại 2 bon Ja Ráh, R'Cập thuộc xã Nâm Nung đã dựng trái phép trên diện tích cao su của Công ty Nam Nung |
Có mặt tại cái chòi mới dựng chưa được bao lâu trong diện tích đất cao su của Công ty Nam Nung, anh Ma Toa, bon Ja Ráh, xã Nam Nung cho biết: “Chúng tôi chỉ muốn đòi lại đất để canh tác thôi. Chừng nào Công ty chưa trả lại đất, chúng tôi vẫn tiếp tục đòi lại và sẽ còn dựng nhiều chòi để vào đấy sinh sống luôn”.
Theo anh Ma Toa, hiện tại, người dân tại đây mong muốn được đối thoại với lãnh đạo tỉnh. Đối thoại để người dân biết được tỉnh sẽ có chủ trương giải quyết về vấn đề này ra sao.
Trước đó, vào cuối tháng 7/2021, nhiều người dân tại các bon Ja Ráh, R’Cập, (Nâm Nung) đã kéo vào các lô cao su của Công ty Nam Nung để dựng lán trại nhằm chiếm giữ đất. Tổng cộng có 67 lán trại của người dân đã dựng trong diện tích trồng cao su của Công ty Nam Nung.
Trước nữa, ngày 29/6/2021, người dân đã tự ý kéo đến các lô cao su của Công ty Nam Nung để tháo dỡ kiềng, chén, máng dẫn mủ trên cây cao su. Một số người còn ngăn cản, không cho công nhân khai thác mủ, gây thiệt hại lớn cho Công ty Nam Nung và người nhận khoán.
|
Đồ họa: V.D |
Theo ông Hà Hữu Thanh, cán bộ công tác lâu năm tại Công ty Nam Nung, việc người dân kéo vào gây sự diễn ra như cơm bữa. Tuy nhiên, trước đây, họ chỉ kéo đến trụ sở Công ty Nam Nung ồn ào, gây rối rồi về. Thời gian gần đây, họ dựng chòi, lán trên diện tích cao su của Công ty.
“Nhiều thời điểm, người dân còn kéo đến trụ sở đập phá, làm ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị, cũng như an ninh trật tự tại đây”, ông Thanh cho biết.
Theo ông Võ Công Cường, Chủ tịch Công ty Nam Nung, để tránh sự việc phức tạp, đơn vị đã nhiều lần tổ chức cuộc họp có sự tham dự của chính quyền xã. Theo thỏa thuận, trong thời gian chờ đợi cấp trên đối thoại, Công ty Nam Nung và bà con đều không được tự ý can thiệp gì trên diện tích đất này. Thế nhưng, bà con vẫn làm sai thỏa thuận.
|
Cũng cần phải nói rõ thêm, không phải người dân nào đã nhận khoán với Công ty Nam Nung cũng tham gia làm phức tạp thêm tình hình. Qua tìm hiểu, nhiều người tại 2 thôn Ja Ráh, R’Cập, xã Nam Nung đã tham gia xây dựng chòi, lán trong diện tích cao su của Công ty Nam Nung để chiếm giữ đất. Nhưng đó không phải là tất cả. Những ngày đầu tháng 9/2021, phóng viên Báo Đắk Nông ghi nhận, một số hộ dân khác vẫn tuân thủ quy định của pháp luật, không hề tụ tập đông người, lấn chiếm đất trái phép.
Gia đình chị H Púp, bon Ja Ráh là một ví dụ. Theo chị H Púp, trong hoàn cảnh nào, chị cũng phải chấp hành pháp luật của Nhà nước. Thời điểm dịch bệnh, thay vì tụ tập đông người, xây dựng chòi, lán, chị lên rừng kiếm măng, lá bép về bán để kiếm thêm thu nhập.
“Tôi chỉ mong cấp trên sớm đối thoại với bà con. Khi Nhà nước hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của chúng tôi là có đất sản xuất, có cây để thu hoạch. Khi đó, người dân nơi đây sẽ tu chí làm ăn, không kiện tụng nữa”, chị H Púp chia sẻ. |
Sự tham gia của những kẻ xúi giục và lợi dụng
Ban đầu vụ việc khá đơn giản. Khi đó, người dân không cạo mủ như hợp đồng giao khoán nên Công ty Nam Nung đã thuê công nhân khác vào khai thác mủ cao su trong diện tích đã hợp đồng. Nhưng người dân lại ngăn cản không cho thực hiện vì ngộ nhận diện tích đất đó của họ.
Sự việc thêm nghiêm trọng khi người dân không những cản trở việc khai thác mủ ở những diện tích đất trước đây đã tranh chấp, mà còn mở rộng phạm vi sang những diện tích cao su khác.
|
Hiện trường các lô cao su bị người dân tháo gỡ chén, máng dẫn mủ cao su mà Công ty Nam Nung đã trang bị từ trước |
Theo xác định của cơ quan chức năng, hầu hết những vụ gây rối, tụ tập, chiếm giữ đất đai trái phép mà một số người dân gây ra đều có sự xúi giục, "đạo diễn" của một số người.
Một số kẻ còn lợi dụng sự việc này để tống tiền Công ty Nam Nung. Cụ thể là vào cuối tháng 7/2021, đối tượng Trần Văn Sơn, trú tại xã Nâm N’đir đã tham gia, kích động, cổ vũ người dân "đòi" đất từ Công ty Nam Nung.
Khi người dân dựng lán trại và bao chiếm đất của Công ty Nam Nung, đối tượng Sơn đã dùng điện thoại quay clip, cắt ghép, chỉnh sửa nội dung và đăng lên tài khoản Youtube. Clip được đăng tải không đúng với bản chất của vụ việc, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương và uy tín Công ty Nam Nung.
Sau đó, Sơn đòi Công ty Nam Nung mua lại clip với giá 1,8 tỷ đồng. Từ yêu sách này, chiều tối ngày 2/8/2021, tại nhà riêng, khi Sơn nhận 550 triệu đồng từ đại diện của Công ty Nam Nung thì bị lực lượng công an bắt giữ.
|
Tối 2/8/2021, Lực lượng Công an Đắk Nông bắt quả tang Nguyễn Văn Sơn (mặc áo thun sọc ngang) về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Ảnh: M.Q |
|
Hàng ngàn chén đựng mủ cao su bị tháo gỡ được người dân mang trả lại cho Công ty Nam Nung |
Theo Công văn 1398-CV/BNCTU, ngày 15/6/2020 của Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Nông, có tổng cộng 25 đối tượng kích động, xúi giục người dân khiếu kiện trái phép.
Cụ thể, có 10 đối tượng đầu đơn; 1 đối tượng có hành vi giúp đỡ, "tư vấn" người dân tham gia khiếu kiện. Có 12 đối tượng lợi dụng tranh chấp để trục lợi, cho vay nặng lãi và thu mua mủ cao su. Có 2 luật sư chuyên "tư vấn", hỗ trợ pháp lý để người dân khiếu kiện. Các đối tượng này đã nhiều lần cùng họp bàn, hướng dẫn, tập trung các hộ dân kéo đến trụ sở làm việc của các cấp, ngành đăng ký làm việc.
Khi các nhà báo, phóng viên vào khu vực tranh chấp để tìm hiểu, quay phim, chụp hình... các đối tượng cũng tìm cách tiếp cận, đi cùng, hòng thông qua đó "lèo lái", đẩy sự việc thêm phức tạp.
|
Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Ðắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đánh giá: Ðắk Nông đã triển khai quyết liệt công tác bảo vệ và phát triển rừng. Số vụ vi phạm giảm dần, ngăn chặn và xóa các điểm nóng về phá rừng, lấn chiếm đất rừng, nâng cao năng lực phòng chống cháy rừng. Tuy nhiên, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn vẫn diễn ra phức tạp.
Ðảng bộ tỉnh Ðắk Nông đề ra mục tiêu: Bảo vệ tuyệt đối diện tích rừng hiện có; nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 40% vào năm 2025.
Một trong những giải pháp để nâng độ che phủ rừng, được địa phương xác định là: Kiểm soát chặt chẽ, xử lý triệt để tình trạng chuyển đổi, sử dụng đất trái pháp luật, nhất là với các doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn, cổ phần hóa, các công ty nông, lâm nghiệp Nhà nước và các dự án nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. |
Bài, ảnh: Nguyễn Lương