Cư Jút: Nhiều nông dân trồng khoai lang trên đất lúa xa nguồn nước

Thứ ba - 26/02/2019 02:37 - Đã xem: 1079
Trên những chân ruộng khô cằn do thiếu hụt nước tưới, vụ đông xuân năm 2019, nhiều hộ nông dân trên địa bàn Cư Jút đã chọn cây khoai lang để trồng thay thế. Đến nay, nhiều ruộng khoai chỉ còn khoảng 15 – 20 ngày nữa là cho thu hoạch.

Trên cánh đồng thôn 1, xã Cư K’nia, vụ này gia đình anh Trần Văn Toàn trồng 3,5 ha khoai lang. Theo anh Toàn thì phần lớn diện tích đất trồng lúa hiện tại đều đủ nước tưới nhờ có hệ thống kênh mương bố trí thuận lợi. Vì vậy, khi trồng khoai lang ở đất ruộng xa nguồn nước thì có thể bơm hút nước từ ruộng để tưới.

Vợ chồng anh Trần Văn Toàn ở thôn 1, xã Cư K’nia (Cư Jút) vui mừng với ruộng khoai trái vụ cho năng suất cao

Với kinh nghiệm hàng chục năm trồng khoai lang trái vụ, anh Toàn cho biết: “Đất đai, khí hậu ở đây khá thích hợp với cây khoai lang. Mặc dù thời tiết nắng nóng nhưng đất luôn giữ được độ ẩm nên cây khoai lang phát triển khá tốt. Mấy năm nay, tôi trồng khoai để cung cấp cho các hợp đồng xuất khẩu đi các thị trường Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản nên cần diện tích đất đủ lớn và thích hợp để trồng”.

Theo dự định thì sau khi thu hoạch xong ruộng khoai này, anh Toàn sẽ sang cánh đồng thôn 8 để hợp đồng với các hộ dân trồng thêm khoảng 20 ha khoai lang nữa. Vì sản phẩm khoai lang trồng phục vụ cho các đơn vị chuyên xuất khẩu nên quá trình trồng, anh Toàn phải bảo đảm các quy trình, kỹ thuật để củ khoai đạt chất lượng. Nhờ đúc kết được kinh nghiệm, anh đã đầu tư giống tốt, phân thuốc chất lượng và mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng nguyên tắc “4 đúng” theo khuyến cáo nên tỷ lệ thành công sẽ cao.

Theo đó, trong quá trình bón phân, phun thuốc trừ nấm bệnh, sâu hại, anh chủ yếu thực hiện vào ban đêm. Bởi, theo anh Toàn, với thời tiết nắng nóng như hiện nay thì việc sử dụng các chế phẩm phân bốn, thuốc trừ sâu sinh học bị mất tác dụng đối với cây trồng. Còn khi củ khoai trong thời kỳ tích trữ bột thì anh cắt nước tưới hoặc tháo cạn ruộng khoai để tránh bị thối củ và bị sùng, hà tấn công.

Bên cạnh đó, vợ chồng anh Toàn còn kỳ công mày mò, tìm tòi cách trồng khoai lang trái vụ để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ vậy, trong khi nhiều nông dân trồng khoai lang năm được năm mất, thậm chí phải bỏ nghề, thì anh vẫn quyết tâm theo đuổi và năng suất ruộng khoai luôn ổn định. Theo anh Toàn, vụ khoai này dự kiến năng suất trung bình khoảng 40 tấn/ha, với giá thấp nhất là 7.000 đồng/kg, anh có tổng thu gần 1 tỷ đồng.

Với diện tích 3,5 ha khoai lang, gia đình anh Trần Văn Toàn ở thôn 1, xã Cư K’nia (Cư Jút) thu về gần 1 tỷ đồng

Theo bà Nguyễn Thị Út, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cư K’nia, trước tình trạng thời tiết nắng nắng nóng bất thường, địa phương đã chủ động giảm diện tích lúa nước vụ đông xuân còn 300 ha, thấp hơn 200 ha so với vụ hè thu. Như vậy, diện tích đất không sản xuất lúa trong vụ là rất lớn nên xã đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi cây trồng cạn thay thế cây lúa nước, trong đó có khoai lang. Đồng thời, Hội Nông dân cũng liên hệ, tạo điều kiện để các hộ cá thể, doanh nghiệp đầu tư cùng với nông dân phát triển sản xuất, với những loại cây trồng thích hợp để giúp bà con nâng cao thu nhập, phát huy hiệu quả đất đai tại địa phương.

Theo ông Hồ Sơn, Trưởng Phòng Nông nghiệp – PTNT huyện Cư Jút, vụ đông xuân năm nay, nông dân trong huyện đã chuyển đổi gần 60 ha đất ruộng không chủ động được nguồn nước tưới tiêu sang trồng khoai lang. Trong đó, địa phương có diện tích lớn khoai lang nhiều nhất là xã Đắk D’rông với 35 ha, còn lại là rải rác ở các xã khác trên địa bàn.

Bài, ảnh: Văn Tâm

Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây