Quang cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, ngày 29-5-2014. Ảnh: VGP
Ngày 29 tháng 5 năm 2014, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2014.
Trong tháng 5 năm 2014 đã nổi lên sự việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Vụ việc này đã tác động đến nhiệm vụ đảm bảo an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế, xã hội. Trước sự việc nghiêm trọng và những diễn biến ngày càng phức tạp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đấu tranh và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội và giúp đỡ, hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại do các hành vi vi phạm pháp luật gây ra tại một số địa phương.
A. Về tình hình Biển Đông:
Nhận định về vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thay mặt Chính phủ nêu rõ: Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng chủ quyền trên biển của Việt Nam; vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982; vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC); trái với thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng, Nhà nước Việt Nam - Trung Quốc. Những hành động của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam trong gần 1 tháng qua là cực kỳ nguy hiểm, đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới.
Trước sự việc này, Việt Nam đã hết sức kiềm chế, chân thành bày tỏ mọi thiện chí, sử dụng mọi kênh đối thoại; đến nay đã có hơn 30 cuộc giao thiệp với các cấp khác nhau của Trung Quốc để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu vũ trang, tàu quân sự ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Tuy nhiên, Trung Quốc không những không đáp ứng yêu cầu chính đáng của Việt Nam mà còn vu khống, đổ lỗi cho Việt Nam và tiếp tục dùng sức mạnh, gia tăng các hành động uy hiếp, xâm phạm ngày càng nguy hiểm và nghiêm trọng hơn.
Từ ngày 1-5-2014 đến nay, Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu cùng nhiều tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào vùng biển Việt Nam và đã hạ đặt giàn khoan này tại vị trí nằm sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Các tàu hộ tống bảo vệ giàn khoan của Trung Quốc đã rất hung hăng bắn vòi nước có cường độ mạnh và đâm húc thẳng vào các tàu công vụ, tàu dân sự của Việt Nam, gây hư hại nhiều tàu và làm nhiều người bị thương.
Cả dân tộc Việt Nam đã cực lực phản đối hành vi xâm phạm nghiêm trọng của Trung Quốc. Tại một số địa phương, xuất hiện biểu tình tự phát của người dân phản đối hành động xâm phạm này. Lợi dụng việc biểu thị tinh thần yêu nước của người dân, một số người đã có hành vi quá khích, kích động, vi phạm pháp luật, phá hoại tài sản của Nhà nước, cá nhân, doanh nghiệp, nhất là một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và chống người thi hành công vụ, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội và môi trường đầu tư kinh doanh.
Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời và chỉ đạo kiên quyết, kiên trì đấu tranh, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam; đồng thời tăng cường bảo đảm an ninh trật tự; kiên quyết ngăn chặn và không để xảy ra biểu tình trái pháp luật, xử lý nghiêm minh những người có hành vi vi phạm; tuyên truyền, vận động nhân dân không tham gia biểu tình trái pháp luật; kịp thời thực hiện các giải pháp giúp đỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại, nhất là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài... Đến thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp đã trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường.
Về các biện pháp trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Việt Nam tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của mình bằng biện pháp hòa bình”. Các biện pháp bao gồm: (1) Sử dụng các lực lượng thực thi pháp luật trên thực địa để bảo vệ và khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam; (2) Đấu tranh bằng con đường chính trị, ngoại giao, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam; (3) Đấu tranh bằng dư luận, thông tin trung thực cho nhân dân và cộng đồng quốc tế hiểu rõ hành vi xâm phạm của Trung Quốc cũng như các biện pháp đấu tranh hòa bình của Việt Nam; kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế của Trung Quốc.
Thủ tướng cũng cho biết: “Nhất quán sử dụng các biện pháp hòa bình, Lãnh đạo Việt Nam sẽ cân nhắc và quyết định việc sử dụng các biện pháp pháp lý theo luật pháp quốc tế nhằm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng và lợi ích chính đáng của mình”.
Về vấn đề hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch với Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng: Trong thời đại toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng, lại đều là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới WTO và các Hiệp định hợp tác kinh tế khu vực; là hai nước láng giềng có nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới nên hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch Việt Nam - Trung Quốc là hoàn toàn tự nhiên trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi. Việt Nam chủ trương tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư bình đẳng, cùng có lợi với Trung Quốc; đồng thời Việt Nam đang triển khai thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, mở rộng thị trường, đàm phán và tham gia nhiều khuôn khổ hợp tác tác mới, trong đó có nhiều hiệp định thương mại tự do với các đối tác lớn trên thế giới. Việc mở rộng và đa dạng hóa thị trường, tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với tất cả các đối tác trên thế giới nhằm giảm rủi ro, lệ thuộc của Việt Nam vào một thị trường nhất định, giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển ổn định, bền vững.
B. Về tình hình kinh tế - xã hội:
Chính phủ đã thảo luận và thống nhất đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2014 tiếp tục chuyển biến tích cực, đúng hướng, đạt kết quả khá toàn diện. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém và đối mặt với nhiều thách thức, nhất là tổng cầu, dư nợ tín dụng tăng chậm, sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các thành viên Chính phủ quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp, biện pháp đề ra từ đầu năm nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra. Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ tiếp tục tinh thần quyết liệt, phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn, trong đó có tác động do việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam. “Không để những khó khăn, thách thức này ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu.
Về các nhiệm vụ cụ thể trong tháng 6 và những tháng tiếp theo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các ngành, các cấp phát huy kết quả đạt được, ra sức khắc phục hạn chế, yếu kém, tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, tăng tổng cầu, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tập trung vào đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư, huy động mọi nguồn lực và khuyến khích đầu tư xã hội; xử lý nợ xấu và khơi thông, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh; mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu; tăng cường quản lý giá cả, thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, trốn thuế, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng; kiểm soát tốt các thị trường vàng, ngoại tệ, chứng khoán; chú ý công tác quản lý giá sữa. Tiếp tục đẩy nhanh tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, tái cơ cấu từng ngành, lĩnh vực; thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước theo kế hoạch.
Thủ tướng cũng yêu cầu thực hiện tốt các chính sách người có công, an sinh và phúc lợi xã hội, giảm nghèo, giải quyết việc làm; phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, xã hội, môi trường, phòng tránh thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả chương trình tổng thể cải cách hành chính, tập trung hoàn thiện thể chế, nhất là bảo đảm tiến độ và chất lượng các dự án luật, pháp lệnh trình Quốc hội và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông; phòng chống tội phạm, tệ nạn, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, chủ động cung cấp thông tin, tạo đồng thuận xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế và hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.
Tại phiên họp này, các thành viên Chính phủ cũng thảo luận và cho ý kiến về Nghị quyết của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Nghị định của Chính phủ về một số chính sách và giải pháp phát triển thủy sản đến năm 2020.
Nguồn tin: Người Lao Động
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...