Ưu đãi đặc biệt cho ngư dân

Chủ nhật - 01/06/2014 23:31 - Đã xem: 1066
Hôm nay (29-5), Chính phủ sẽ họp bàn dự thảo nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó có những ưu đãi chưa từng có cho ngư dân vươn khơi, bám biển

Chiều 28-5, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), cho biết so với các chính sách hỗ trợ ngư dân trước đây, đột phá trong dự thảo nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản là chính sách tín dụng.

Cho vay đến 90% giá trị con tàu

Theo thống kê, cả nước hiện có trên 117.000 tàu cá, trong đó tàu có công suất trên 90 CV chiếm hơn 23,1%; thành lập 3.750 tổ, đội sản xuất trên biển với trên 145.000 lao động. Lực lượng này đã góp phần đáng kể trong việc khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

 

Ngư dân Đà Nẵng đóng mới tàu cá chuẩn bị ra khơi Ảnh: Bích Vân
Ngư dân Đà Nẵng đóng mới tàu cá chuẩn bị ra khơi Ảnh: Bích Vân

Ông Phạm Anh Tuấn cho biết dự thảo nói trên đã được Bộ NN-PTNT gấp rút soạn thảo và xin ý kiến các bộ ngành, địa phương ven biển và ngư dân chỉ trong 40 ngày. Về điều kiện cho vay, ngư dân đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu khai thác hải sản, tàu dịch vụ hậu cần sẽ được sử dụng chính những tài sản này để thế chấp vay vốn. Về vốn vay đóng tàu vỏ thép, vật liệu mới, ngư dân được vay đến 90% tổng giá trị con tàu trong 10 năm, đóng tàu vỏ gỗ là 70% (gồm cả ngư cụ, thiết bị trên tàu) trong 7 năm. “Lãi suất dự kiến sẽ chỉ 3%/năm và thời gian ân hạn 1 năm, còn lại ngân sách trung ương, địa phương sẽ hỗ trợ phần lãi suất chênh lệch” - ông Tuấn cho biết.

Ngư dân còn được vay vốn lưu động để hoạt động, bao gồm cả tàu khai thác và tàu làm dịch vụ. Cụ thể, các tàu khai thác sẽ được vay vốn lưu động tối thiểu 200 triệu đồng/năm; tàu dịch vụ hậu cần cho đánh bắt xa bờ được vay tối thiểu 500 triệu đồng/năm. Tổ chức, cá nhân làm dịch vụ hậu cần, tiêu thụ hải sản có hợp đồng tiêu thụ tối thiểu 1 năm được vay tối thiểu 60% giá trị hợp đồng cung cấp, với lãi suất thấp nhất trong lãi suất cho vay ngắn hạn.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, những khoản vay này sẽ áp dụng lãi suất tối thiểu cho vay ngắn hạn do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định trong từng thời kỳ. Ngoài ra, ngư dân sẽ được hỗ trợ 70% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, 100% kinh phí mua bảo hiểm kết hợp con người cho thuyền viên trên tàu đánh bắt xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần là thành viên của các tổ đội, HTX khai thác hải sản.

Dự thảo trên cũng đề xuất: Ngư dân chết, mất tích khi khai thác trên biển được hỗ trợ tối thiểu 25 lần mức chuẩn trợ cấp, trợ giúp xã hội; cấp 15 kg gạo/tháng/người trong 3 tháng cho các đối tượng là con dưới 18 tuổi, người thân (vợ/chồng, bố, mẹ, ông, bà) trên 60 tuổi sống phụ thuộc.

Tàu, thuyền được huy động hoặc tự nguyện tham gia cứu nạn người, tàu, thuyền bị rủi ro trên biển được hỗ trợ 100% chi phí nhiên liệu.

Hạ tầng ngành thủy sản sẽ nhanh chóng thay đổi

Ông Phạm Anh Tuấn cho rằng nếu nghị định này được thông qua, hạ tầng phục vụ cho ngành thủy sản sẽ thay đổi rất nhanh, không còn tình trạng thiếu vốn, đầu tư dở dang, chậm tiến độ. Quan trọng nhất là ngư dân có điều kiện để cải hoán, đóng mới tàu, giảm việc vay tín dụng đen để hoạt động. Cùng với đó, nhờ được mua bảo hiểm thân tàu và thuyền viên, ngư dân sẽ yên tâm hơn để vươn khơi, bám biển. “Nếu những đề xuất trong dự thảo nghị định được Chính phủ thông qua và để những chính sách này nhanh chóng đi vào cuộc sống, việc đầu tiên là ngân hàng phải chủ động bố trí sớm nguồn vốn cho ngư dân vay, sau đó là nhanh chóng có những hướng dẫn để triển khai nghị định này” - ông Tuấn đề xuất.

Ngoài việc hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng tàu, vốn lưu động để hoạt động, những chính sách hỗ trợ gián tiếp cho ngư dân theo dự thảo nghị định cũng được thay đổi rất nhiều. Theo đó, nhà nước sẽ đầu tư 100% kinh phí xây dựng các hạng mục cần thiết cho cảng cá loại I, các khu neo đậu tránh bão; đầu tư 100% kinh phí xây dựng hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh bão ở các đảo.

Ngoài ra, nhà nước cũng sẽ đầu tư 100% kinh phí đầu tư trạm bờ, trang thiết bị đầu cuối trên các tàu cá hoạt động xa bờ. Đây là chính sách được mở rộng hơn về đối tượng và phạm vi áp dụng so với các chính sách hiện hành.

26,7 tỉ đồng góp sức vì biển Đông

Sáng 28-5, Ngân hàng TM CP Đầu tư - Phát triển Việt Nam (BIDV) phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức phát động “Chung tay góp sức vì biển Đông, ủng hộ ngư dân vươn khơi bám biển tại các vùng biển của Tổ quốc”.

Tại buổi phát động, BIDV công bố sẽ trích 26,7 tỉ đồng hỗ trợ lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và ngư dân để xây dựng các công trình, phương tiện phục vụ vươn khơi, bám biển.

Trước mắt, BIDV tặng 1 tàu vỏ sắt công suất 1.000 CV trị giá 5 tỉ đồng cho Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh để trang bị cho Đội Thanh niên xung kích ra khơi đánh bắt hải sản ở vùng biển xa; xây dựng 6 cột cờ trên đảo Trần (Quảng Ninh), Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Phú Quý (Bình Thuận), Côn Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu), Cù Lao Xanh (Bình Định) với kinh phí khoảng 5 tỉ đồng

Ngoài ra, BIDV còn dành nguồn vốn 3.000 tỉ đồng cho vay chương trình đóng mới tàu sắt công suất lớn, xây dựng hệ thống phục vụ khai thác đánh bắt xa bờ, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Tại buổi lễ, đại diện BIDV đã trao hỗ trợ 3 hộ ngư dân vừa bị thiệt hại do phía Trung Quốc tấn công, mỗi hộ 50 triệu đồng; hỗ trợ 30 hộ chuẩn bị ra khơi đánh bắt hải sản, mỗi hộ 5 triệu đồng.

 

Ngư dân mong sớm có tàu vỏ thép

Tỉnh Quảng Ngãi hiện có hơn 5.400 tàu cá các loại, trong đó hơn 2.500 tàu đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, hầu hết tàu cá làm bằng gỗ nên dễ chìm và vỡ khi va đập. Do đó, thông tin nhà nước hỗ trợ đóng tàu cá vỏ thép được nhiều ngư dân ở đây quan tâm.

Ông Nguyễn Văn Cu (ngụ xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, chủ tàu cá QNg 90349TS), cho biết ngày 21-4, khi đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, tàu của ông bị tàu vỏ thép của Trung Quốc tông gây hư hỏng nặng, phải sửa chữa hơn 1 tháng, tốn gần 1 tỉ đồng. “Nếu có tàu vỏ thép, chắc chắn sẽ không bị hư hỏng nặng như thế. Tuy nhiên, chi phí đóng tàu vỏ thép quá lớn, cần phải có sự hỗ trợ của nhà nước” - ông Cu đề nghị. Ngư dân Nguyễn Lộc (ngụ xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn) cho rằng: “Tàu vỏ thép là mơ ước của ngư dân. Tuy nhiên, vốn đầu tư cho tàu vỏ thép quá cao, ngư dân không chịu nổi. Nếu đóng tàu có cùng quy mô, chi phí tàu vỏ thép gấp 3 lần tàu vỏ gỗ”.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, cách đây 2 năm, Chính phủ chọn tỉnh này đóng thí điểm 22 tàu cá vỏ thép cho ngư dân. Lúc đầu, có nhiều ngư dân tham gia nhưng sau đó, họ rút dần vì chi phí cao, thủ tục lại rườm rà. Vì vậy, đến nay, vẫn chưa có tàu cá vỏ thép nào được đóng mới theo chương trình này.

Ông Nguyễn Xuân Huế, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Hỗ trợ ngư dân tỉnh Quảng Ngãi, cho biết muốn chuyển sang tàu vỏ thép, nhà nước phải có chính sách đặc thù và cơ chế hỗ trợ thông thoáng. “Nếu có cơ chế hỗ trợ tốt, không chỉ Quảng Ngãi mà ngư dân cả nước sẽ rất hào hứng với việc chuyển đổi từ tàu gỗ sang tàu vỏ thép” - ông Huế nói.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều ngư dân ở tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng cũng tỏ ra phấn khích trước thông tin nhà nước có nhiều hỗ trợ cho ngư dân đóng tàu cá vỏ thép. Tuy nhiên, ông Huỳnh Văn Tạo (trú xã Tam Quang, huyện Núi Thành), người sở hữu 3 tàu cá, cho biết ngoài hỗ trợ, nhà nước cần tạo thị trường tiêu thụ hải sản ổn định, tránh bấp bênh gây thiệt thòi cho ngư dân như hiện nay.

Bích Vân - Tử Trực - Trần Thường

 

Văn Duẩn

NHÀ NƯỚC CẦN KỊP THỜI BAN HÀNH CHÍNH SÁCH HỔ TRỢ NGƯ DÂN
Lời Trạng trình Nguyễn bỉnh Khiêm đã từng dặn : “ Biển đông vạn dặm dang tay giữ, Đất Việt muôn năm vững trị bình. Đây là lời dặn hết sức sâu sắc cho những thế hệ mai sau trong quá trình giữ nước và chống giặc ngoại xâm. Có thể nói mỗi ngư dân là mỗi chiến sĩ bảo vệ vùng biển thiêng liêng của tổ quốc Việt nam thân yêu, do vậy Nhà nước cần sớm có chính sách hỗ trợ cho ngư dân đây là việc làm hết sức thiết thực trong tình hình hiện nay. Trước tiên Nhà nước tạo điều kiện về vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng thương mại, cho ngư dân vay đóng thuyền với quy mô công suất lớn, vỏ tàu bằng sắt để có thể ngăn cản các tàu lạ, tàu của Trung quốc muốn đâm vào tàu cá của ngư dân đang đánh bắt trong vùng biển đây là ngư trường truyền thống thuộc chủ quyền của nước ta như thời gian vừa qua, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho ngư dân, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao cho ngư dân trong quá trình đánh bắt hải sản, tạo việc làm ổn định cho nhiều ngư dân. Bên cạnh đó Nhà nước cũng cần có chính sách hổ trợ cho ngư dân đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện, để đến khi lớn tuổi không thể đánh bắt hải sản nữa có thể nhận chế độ hưu trí yên tâm đảm bảo cuộc sống. Ngư dân là một lực lượng lao động rất lớn trên biển , nếu ở trong độ tuổi theo Luật dân quân tự vệ, thì hàng năm cơ quan quân sự địa phương có trách nhiệm huấn luyện cho đối tượng này. Nên thành lập lực lượng Dân quân cơ động trên biển phối hợp với lực lượng Kiểm ngư, Cảnh sát biển, Biên phòng để thực hiện những nhiệm vụ cần thiết, trong công tác tuần tra vùng biển thềm lục địa thuộc hải phận của nước ta. Có như vậy ngư dân mới được hưởng các chính sách của nhà nước, trong quá trình bảo vệ vùng biển của tổ quốc, nếu xãy ra bị xâm hại đến bản thân mình, gia đình thân nhân không bị thiệt thòi. Ngư dân là lao động chính trong gia đình , người phụ nữ phụ thuộc ở nhà không làm gì con cái thì quá đông, những năm qua có những trường hợp thuyền đi đánh bắt hải sản, do bị thiên tai bão lụt bất ngờ không kịp thời vào bờ lánh nạn, người chồng không trở về nữa, người vợ không biết làm gì để nuôi con mình, đây là gánh nặng của gia đình cũng như xã hội. Đề nghị Bộ lao động thương binh xã hội nên có đề án đào tạo nghề cho phụ nữ ở các làng chài , tạo công ăn việc làm cho họ , như vậy người chồng có đi đánh bắt hải sản cũng rất yên tâm. Bộ tài chính nghiên cứu sớm có văn bản cho phép thành lập Qũy hổ trợ ngư dân, hướng dẫn nguồn trích qũy và sử dụng qũy cho đúng quy định của pháp luật .

MINH TRÍ


Nguồn tin: Người Lao Động

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

emc
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây