Đêm 13.11, thủ đô Paris của Pháp chứng kiến hàng loạt vụ tấn công khủng bố làm chết ít nhất 150 người và khoảng 200 người bị thương.
Bất kể người đứng sau vụ việc này là ai và an ninh tại Pháp lỏng lẻo ra sao, một dấu hỏi đặt ra là tại sao nước Pháp lại là mục tiêu tấn công liên tục trong năm nay, và tại sao vụ tấn công lại diễn ra đúng thời điểm này.
Bối cảnh xã hội và nghi vấn IS
Những vấn đề an ninh và nguyên nhân của các cuộc tấn công tại Pháp đã được khơi lên khá nhiều từ vụ thảm sát ở tạp chíC-harlie Hebdo tại Paris hồi tháng 1.2015.
Trong vụ khủng bố liên hoàn lần này, một số thông tin cho thấy các tay súng khủng bố có nói rằng “đây chính là những gì phải trả cho Syria”, gợi lên mối nghi ngờ thủ phạm đằng sau là tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS).
Nếu đúng đó là một cuộc khủng bố mang nhiều hơi hướng sắc tộc, Pháp là một địa điểm rất đáng lo âu vì sự đa dạng chủng tộc, sắc tộc trong xã hội.
Rất nhiều vụ tấn công tại Pháp gần đây, kể cả khi không liên quan tới IS hay tổ chức nào, đơn cử như vụ Amedy Coulibalytháng 1.2015 cũng xuất phát từ các vấn đề xã hội, sắc tộc và tôn giáo.
Tờ The Telegraph hôm 14.11 phân tích rằng việc người Pháp có tâm lý nghi ngại, thận trọng đã sinh ra biểu hiện không công bằng với người theo đạo Hồi, từ đó tạo ra một vòng xoáy không lối thoát: Nghi phạm không được tạo cơ hội, không được tham gia các tổ chức, cơ quan cấp cao; thiếu giáo dục, phạm tội, ở tù, và lại sinh ra thù hằn và tiếp tục phạm tội.
Để minh chứng cho ý này, The Telegraph dẫn ra chi tiết cho thấy bên trong các nhà tù nước Pháp có tới 70% là người Hồi giáo. Thống kê này không chính thức vì cơ quan chức năng Pháp không điều tra theo tôn giáo. Nhưng so sánh để thấy, tỉ lệ này quá cao so với các nước như Anh và Xứ Wales với 14% tù nhân là người Hồi giáo, The Telegraph dẫn thông số của Văn phòng chính phủ Anh.
Ngoài ra, Pháp cũng là nơi rất dễ đưa vũ khí vào trong nước theo đường buôn lậu. Ví như vụ C-harlie Hebdo, nhiều ý kiến cho rằng vũ khí của thủ phạm xuất phát từ việc mua bán trái phép từ Bỉ cũng như vùng Balkan.
Vì Pháp là “anh cả” của châu Âu tại Syria?
Nếu thực sự “đây là những gì dành cho Syria”, Pháp quả thật là địa điểm ưa thích của những kẻ tấn công cực đoan.
Thứ nhất, Pháp là nước đưa quân chiến đấu chống lại các phần tử tự xưng “thánh chiến” trên toàn thế giới. Hơn 10.000 quân Pháp đang được triển khai ở nước ngoài, với 3.000 tại Tây Phi, 2.000 ở Trung Phi và 3.200 lính tại Iraq, theo The Telegraph.
Tiếp nữa, vụ khủng bố lần này đến không lâu sau khi Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố đưa tàu sân bay C-harles de Gaulle sang hỗ trợ liên quân chống IS ở Syria và Iraq.
Tạp chí Slate của Mỹ hôm 14.11 cho rằng các hoạt động quân sự của Pháp song hành cùng những vụ khủng bố trong nước đã và đang hình thành một “vòng phản hồi”.
Theo đó, vụ khủng bố C-harlie Hebdo nhắc nhở Pháp can thiệp mạnh mẽ hơn tại Syria. Hàng loạt vụ tấn công cực đoan khác rải rác trong năm 2015 dẫn tới việc Pháp chính thức không kích tại Syria lần đầu tiên vào tháng 9.2015.
Và theo “vòng tuần hoàn” này, việc Pháp tuyên bố triển khai tàu sân bay C-harles de Gaulle và đợt không kích của Mỹ được cho đã giết chết đao phủ John "thánh chiến" mới đây lại là cái cớ để các tổ chức cực đoan (có thể là IS) tiếp tục trả đũa.
Hiện tại, các mối nghi ngờ về IS và động cơ xuất phát từ việc Pháp can thiệp vào Syria vẫn chưa được xác minh. Thế nhưng, “vòng luân hồi” này nếu có, sẽ trở thành một hiểm họa lâu dài của nước Pháp.
Nhật Đăng
Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...