Djibouti, tọa lạc gần những tuyến đường hàng hải quan trọng trong khu vực và gần những điểm nóng tập trung các phần tử khủng bố ở Yemen và Somalia, theo trang tin The Washington Free Beacon (Mỹ) ngày 10.11. Mỹ và Pháp cũng có đặt căn cứ quân sự tại Djibouti.
Một số chuyên gia an ninh quốc tế nhận định: Trung Quốc, được cho là đang đàm phán về việc xây dựng một căn cứ quân sự của nước này ở Djibouti, có thể đang cố tăng cường sức ảnh hưởng tại quốc gia chiến lược này, một động thái có thể gây cản trở những hoạt động chống khủng bố của Mỹ.
Tướng Phòng Phong Huy, Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc đã lên thăm tàu hộ tống Sanya mang tên lửa dẫn đường vào ngày 7.11, sau khi tàu này hoàn tất sứ mạng tuần tra chống hải tặc, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho hay trong một thông cáo.
Sau đó, ông Phòng gặp gỡ Tổng thống Djibouti, Ismail Omar Guelleh, nhấn mạnh việc Trung Quốc muốn tăng cường hợp tác với Djibouti.
Ông Guelleh hồi tháng 5.2015 từng nói Trung Quốc đang đàm phán với ông về việc xây dựng một căn cứ quân sự, nhưng Bắc Kinh chưa xác nhận thông tin này.
Tuy nhiên, hai quốc gia này đã tuyên bố đạt được thỏa thuận thương mại trị giá gần 200 triệu USD, và đây được xem là hồi chuông cảnh báo đối với Washington, theo The Washington Free Beacon.
Căn cứ quân sự Mỹ Lemonnier tại Djibouti có trên 4.000 binh sĩ đồn trú và là căn cứ quân sự thường trực lớn nhất của Mỹ ở châu Phi. Lính đặc nhiệm, chiến đấu cơ, trực thăng và máy bay không người lái đều được triển khai đến căn cứ này.
“Thỏa thuận thương mại giữa Djibouti và Trung Quốc dấy lên mối quan ngại về an ninh đối với Lemonnier”, một quan chức cấp cao Mỹ tiết lộ với tờ Telegraph (Anh).
“Các quan chức Mỹ lo ngại nếu Tổng thống Guelleh thắt chặt quan hệ với Trung Quốc thì ông ấy có khả năng áp đặt những quy định giới hạn hoạt động đối với căn cứ quân sự Mỹ, điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nỗ lực của phương Tây trong việc thu thập thông tin tình báo về hoạt động của tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) và mạng lưới khủng bố al-Qaeda”, quan chức Mỹ cho hay.
Mặc dù có căn cứ quân sự ở Djibouti, nhưng Washington cũng có những bất đồng đối với chính quyền nước này. Các quan chức Mỹ từng lên tiếng bày tỏ quan ngại về việc chính quyền ông Guelleh lạm quyền, vi phạm nhân quyền, không đảm bảo tự do ngôn luận. Ông Guelleh cũng bị cáo buộc vi phạm hiến pháp nước này, giữ chức Tổng thống hơn hai nhiệm kỳ.
Tờ The Washington Post (Mỹ) hồi tháng 4.2015 cho hay các nhân viên kiểm soát không lưu ở Djibouti đặt các phi công của quân đội Mỹ vào tình trạng nguy hiểm vì họ luôn ngủ gật trong lúc làm việc. Hồi năm 2012, máy bay do thám U-28 của Mỹ rơi ở ở Djibouti, khiến 4 người chết do bị từ chối không cho phép hạ cánh.
Nhưng Mỹ vẫn cố duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Djibouti để Washington có thể tiếp tục tiến hành những chiến dịch chống khủng bố ở Yemen và Somalia.
“Trung Quốc có thể lợi dụng những rạn nứt trong quan hệ Mỹ-Djibouti. Bắc Kinh đã chi 599 triệu USD để xây hai sân bay ở Djibouti, và đây chỉ là hai trong số nhiều dự án cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc góp vốn xây dựng ở Djibouti”, The Washington Free Beacon cho hay.
Một động thái khác cho thấy Bắc Kinh nỗ lực tăng cường sức ảnh hưởng ở châu Phi là việc Trung Quốc triển khai 700 binh sĩ gìn giữ hòa bình đến Nam Sudan vào tháng 1.2015. Bắc Kinh cũng đầu tư mạnh vào ngành công nghiệp dầu mỏ ở Nam Sudan.